fbpx

Ước mơ bảo tồn của người thầy thành sự thật

Cộng đồng người dân Saraburi đã giành được thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ ngọn núi đá vôi, nhờ được giáo dục về tầm quan trọng của thiên nhiên.

Những học trò của thầy Sarit Jitnok, một giáo viên ở trường Chùa Khao Phra Phutthabat Noi tại huyện Kaeng Khoi, bắt đầu hiểu và yêu mến rừng.
Những học trò của thầy Sarit Jitnok, một giáo viên ở trường Chùa Khao Phra Phutthabat Noi tại huyện Kaeng Khoi, bắt đầu hiểu và yêu mến rừng.

Dạy cho thiếu niên biết trân trọng thiên nhiên là một yếu tố thiết yếu trong những nỗ lực bảo tồn rừng hiệu quả, giúp cứu lấy ngọn núi đá vôi cuối cùng của Saraburi không bị biến thành bột xi măng. “Tương lai núi rừng của chúng ta nằm trong tay thanh thiếu niên”, Sarit Jitnok, một giáo viên ở trường Chùa Khao Phra Phutthabat Noi tại huyện Kaeng Khoi, nói. Sarit đi đầu trong nỗ lực bảo tồn rừng của cộng đồng Khao Phra Phutthabat Noi, nơi ông ra sức nâng cao nhận thức của trẻ em địa phương. Được phỏng vấn trong Ngày quốc tế rừng 21/3, Sarit đã kể lại câu chuyện đầy cam go đằng sau thành công cứu nạn cho rừng. Để làm được điều đó, các công dân bình thường lên tiếng chống lại ngành công nghiệp khai thác đá vôi.

Saraburi giàu tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.Các hòn núi đá vôi có rừng che phủ của xứ này là nơi sinh sống của nhiều động vật và loài hiếm không tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu khác trên thế giới. Nhưng đá vôi làm cho tỉnh trở thành một mục tiêu quan trọng của ngành xi măng hùng mạnh của Thái Lan. “Chúng tôi rất hãnh diện là cộng đồng của chúng tôi có thể cứu lấy núi rừng thoát khỏi các hoạt động khai thác mỏ và bảo tồn được ít nhất là một hòn núi trong hệ sinh thái karst giàu đa dạng sinh học cho con cháu chúng tôi”, Sarit nói.

“Các thế hệ trẻ là năng lực lõi trong các nỗ lực bảo tồn của chúng tôi, vì chúng sẽ kế thừa tài sản đó. Vì vậy chúng tôi đang dạy cho con em về thiên nhiên và phát triển nhận thức bảo tồn rừng nguyên sinh tại quê nhà”, Sarit nói. Ông cho biết nơi đây đã trở thành rừng cộng đồng, và các quy định đã được đưa ra để cộng đồng đeo đuổi thu hoạch bền vững các nguồn tài nguyên.

Sarit, người khởi xướng nỗ lực bảo tồn rừng Khao Phra Phutthabat Noi cách đây hai thập kỷ, đã tự mình phát triển các môn học đặc thù về rừng, bảo vệ rừng và quản lý rừng, để dạy cho học trò trung học tại trường Chùa Khao Phra Phutthabat Noi. “Chúng tôi đang dạy cho học sinh ba môn – các hệ sinh thái rừng, quản lý rừng cộng đồng và tập huấn hướng dẫn du lịch sinh thái”, ông nói. “Với các môn học đó, học sinh trở nên ý thức hơn về tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên, và hiện nay được trang bị các kỹ năng cần thiết để sử dụng các nguồn tài nguyên rừng bền vững và bảo tồn chúng”, Sarit nói thêm. Sau khi dạy ba môn học này 12 năm, các cố gắng của ông thầy đã có kết quả, nhiều học trò của ông chủ động đăng ký theo học ngành quản lý và bảo tồn rừng. Họ còn giúp quảng bá thông điệp bảo tồn đến các địa phương khác.

Tuy nhiên, theo ông, cứu Khao Phra Phutthabat Noi không dễ dàng. Mặc dầu cộng đồng canh giữ hòn núi địa phương không cho khai thác đã 20 năm, một số công ty xi măng và các quan chức nhà nước nhiều quyền thế ra sức tìm cách xoá bỏ tình trạng rừng trên núi, để họ có thể tiếp cận các khu bảo tồn đá vôi. “Chúng tôi thành công trong việc bảo tồn rừng, vì dân địa phương hiện nay nhận thức được vai trò quan trọng của rừng trong đời sống của họ. Vì cộng đồng đã phát triển được ý thức về sở hữu chung, chúng tôi đủ sức mạnh để bảo vệ rừng của mình không bị khai thác đá vôi. Cộng đồng chỉ có thể bảo vệ được rừng nếu họ đủ mạnh và họ có thể truyền lại cho các thế hệ tương lai sức mạnh đó”, ông thầy nói.

“Chúng tôi hài lòng với kết quả, nhưng biết rằng cần cố gắng hơn.Chúng tôi hy vọng công tác của chúng tôi truyền cảm hứng nỗ lực bảo vệ rừng cho những nơi khác, vì thế giới cần các hệ sinh thái rừng lành mạnh hơn bao giờ hết”, Sarit nói.

Khởi Thức

Theo Thế Giới Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC