fbpx

Chuyện người Việt đầu tiên đoạt giải Thiên tài của Mỹ

Trong 5 người Mỹ gốc Việt – đúng hơn là Việt kiều, vì họ đều sinh ra tại Việt Nam, đoạt MacArthur Fellowship, còn gọi là giải Thiên tài, có đến 3 người liên quan đến văn chương, một người đồng tính công khai là Ocean Vuong.

Những Việt kiều từng nhận giải Thiên tài (Genius Grant) gồm dịch giả Huỳnh Sanh Thông (năm 1987), nhà hóa học My Hang V. Huynh (Huỳnh Mỹ Hằng, 2007), nhiếp ảnh gia An-My Lê (Lê Mỹ An, 2012), nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt, 2017), nhà thơ Ocean Vuong (Vương Quốc Vinh, 2019).

huynh-sanh-thong
Huỳnh Sanh Thông tại tư gia năm 1989. Ảnh tư liệu

Vì MacArthur Fellowship kéo dài trong 5 năm, nên Nguyễn Thanh Việt và Vương Quốc Vinh vẫn đang trong giai đoạn thụ hưởng; trong giai đoạn này họ còn nhận thêm nhiều giải thưởng lớn. Điểm thú vị nhất là đa số họ đều cố gắng “bảo lưu” được tên tiếng Việt của mình. Kể từ năm 1981 đến nay, giải này đã trao cho 942 người trong độ tuổi từ 18 đến 82, với 5 Việt kiều, thì đóng góp của người Việt vào giải này là ở mức độ trung bình khá, nếu so với nhiều quốc gia khác.

Tiêu chí chính của Quỹ MacArthur là ủy lạo cho các tác giả tiếp tục sáng tạo, dám đương đầu với những rủi ro và theo đuổi tầm nhìn dài hạn. Cả 5 người Việt đều đã và đang cho thấy điều này, họ như tiếp nối cảm hứng từ dịch giả Huỳnh Sanh Thông, người đã chọn lối sống giản dị, tiết kiệm để dành toàn bộ tài lực và vật lực nhằm xiển dương ngôn ngữ, văn chương, văn hóa Việt tại Mỹ. Ngoài giải thưởng MacArthur, Huỳnh Sanh Thông còn nhận được vài giải thưởng danh giá khác, trong đó có Harry J. Benda cho các nghiên cứu về Đông Nam Á, được trao năm 1981.

Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại Hóc Môn, là con bà chủ tiệm xay lúa Lâm Thị Kén và thầy giáo tiểu học Huỳnh Sanh Thịnh. Lúc nhỏ ông học Pháp văn, sang Mỹ từ năm 1948, học kinh tế tại Đại học Ohio, sau đó chuyển hướng làm giảng viên Việt ngữ ở Viện Ngoại vụ (Foreign Service Institute) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington. Từ năm 1957 ông chuyển hẳn sang giảng dạy văn chương và văn hóa Việt Nam ở Đại học Yale. Trong thời gian này ông đã soạn một số giáo trình và sách dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Anh, soạn dang dở đại từ điển Việt-Anh, nhưng phần dang dở này vẫn được Center for Applied Linguistics xuất bản vào năm 1968.

huynh-sanh-thong
Ngay lần đầu xuất bản với tên gọi The Tale of Kieu, sách đã được đánh giá rất cao, bán khá chạy.

Nổi trội nhất của Huỳnh Sanh Thông là việc dịch và chú giải Truyện Kiều sang tiếng Anh. The Tale of Kiều không chỉ mang lại cho ông giải Thiên tài, mà còn thành cơ sở tham chiếu cho vô số bản dịch ra các ngôn ngữ khác. Cho đến nay, với khoảng 70 bản dịch trong hơn 20 ngôn ngữ, ít có bản dịch nào ra đời sau lại không tham khảo Huỳnh Sanh Thông. Ông không chỉ am tường tiếng Việt và tiếng Anh ở cấp độ tinh hoa văn chương, mà còn rất giỏi trong việc cắt nghĩa, văn ngôn dẫn chứng. Đọc bản dịch tài ba với đúng 3.254 câu tiếng Anh và đọc hơn 300 chú giải tường minh, nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu quốc tế cho biết họ tiếp cận Truyện Kiều sâu sắc hơn.

Bản dịch được nhà xuất bản danh tiếng Random House in lần đầu năm 1973, với tên The Tale of Kieu, được đánh giá rất cao, bán khá chạy. Trong hơn 10 năm sau đó, ông bỏ nhiều công phu nhuận sắc, được Yale University Press tái xuất bản dưới dạng song ngữ Anh – Việt vào năm 1987. Trong bản in lần này, có rất nhiều thay đổi, mà lớn lao nhất theo Huỳnh Sanh Thông là đã bỏ dấu được cho tên tác phẩm, từ The Tale of Kieu thành The Tale of Kiều – một bước tiến trong việc nghiên cứu của người Mỹ về Việt Nam học.

Tổng thống Bill Clinton, Phó Tổng thống Joe Biden và nhiều chính khách, nhà ngoại giao, kinh tế… Mỹ khi đến Việt Nam làm việc, muốn dẫn Truyện Kiều trong bài nói chuyện, đều dùng bản dịch của học giả Huỳnh Sanh Thông.

Sau khi đoạt giải Thiên tài, ông có thêm điều kiện để giới thiệu văn chương và văn hóa Việt Nam. Ông đã dịch hơn 500 bài thơ Việt thời cổ điển và hiện đại sang tiếng Anh, phần nhiều trong số này đi vào các giáo trình giảng dạy tại Mỹ. Ông là tác giả các cuốn sách danh tiếng về thơ Việt như The Heritage of Vietnamese Poetry (Di sản thơ Việt) do Yale University Press in năm 1979, và An Anthology of Vietnamese Poems: From the Eleventh through the Twentieth Centuries (Tuyển tập thơ Việt: từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20) do Yale University Press in năm 1996.

huynh-sanh-thong
Với Huỳnh Sanh Thông, việc bỏ dấu được cho tên của Nguyễn Du và tên Truyện Kiều là một bước tiến của Việt Nam học tại Mỹ.

Ông còn tham gia biên tập, nhuận sắc và xuất bản hai bản dịch Lục súc tranh côngChinh phụ ngâm trong tiếng Anh. Ông tham gia sáng lập The Vietnam Forum, một tạp chí nghiên cứu chuyên về Việt Nam học, do Yale Council xuất bản định kỳ, ra được 16 số, với 13 số đầu tiên từ 1983 đến 1990 do chính ông làm chủ biên. Bên cạnh đó, ông cũng từng là giám đốc Yale Southeast Asian Refugee Project, chuyên về các vấn đề tị nạn và nhập cư, định cư.

Ông cùng vợ cũng đã hỗ trợ cho nhiều sinh viên Việt Nam và Đông Nam Á đến học tại Đại học Yale danh giá. Sau khi nghỉ hưu từ Yale vào năm 1990, Huỳnh Sanh Thông dành công phu vào một tuyển tập văn học Việt Nam và một nghiên cứu độc lập về nguồn gốc của ngôn ngữ và văn hóa. Cuốn The Golden Serpent: How Humans Learned to Speak and Invent Culture (Mãng xà vàng: Con người đã học cách nói và phát triển văn hóa như thế nào) xuất bản năm 1999 là một cách nhìn thú vị.

Ông qua đời ngày 17/11/2008 tại New Haven (Connecticut, Mỹ) vì trụy tim. Ông có hai con gái là Van-Thi Huynh (Huỳnh Vân Thi) sống ở New Hampshire, Thanh Huynh (Huỳnh Thanh) ở Maryland (Mỹ), và người con trai Tùng Huỳnh (Huỳnh Tùng) ở Oslo (Na Uy). Lúc ra đi, ông còn vợ, hai em gái, hai em trai và đã có bốn đứa cháu ruột.

200 năm ngày mất thi hào Nguyễn Du

Nhiều nước trên thế giới đã và đang tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày mất thi hào Nguyễn Du (1820 – 2020) bằng nhiều sự kiện dịch thuật, văn chương, sân khấu, hội thảo… Vài nước, ví dụ như Đức, xem việc dịch và chú thích lại Truyện Kiều sao cho tỏ tường, thi vị là sứ mệnh trong các chuỗi sự kiện của họ. Còn nhớ, ngày 24/5/2016 tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức, Tổng thống Barack Obama đã đọc hai câu: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi” từ bản dịch của Huỳnh Sanh Thông. Vì vậy mà, bản dịch của dịch giả thiên tài này vẫn luôn là một tham cứu quan trọng, một nền tảng thú vị trên hành trình đưa Truyện Kiều ra thế giới.

Cùng quý bạn đọc trên ấn phẩm 24h Sống Xanh số tháng 7/2020

Thông tin về 200 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Du bị sai, thông tin đúng là 200 năm ngày mất.

Chân thành xin lỗi quý bạn đọc!

Ban biên tập

Lý Đợi

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC