fbpx

Đôi điều về bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lịch sử gắn với sự dày công khai phá của bao lớp tiền nhân mấy trăm năm qua. Trải qua những thay đổi, thích ứng hiện nay đồng bằng đang thay đổi quá nhanh và nếu không có giải pháp cùng những phương cách lưu giữ phù hợp thì ký ức văn hoá bản địa cũng như kho tàng kiến thức nông nghiệp quý giá cha ông tích lũy sẽ có nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn…

LTS: Vừa qua, ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đã Quyết định phê duyệt “Đề án xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh việc đầu tư 400 tỷ đồng để xây dựng bảo tàng lúc này liệu có hợp lý không? Góp thêm một góc nhìn từ người có chuyên môn và cũng là thành viên tham gia xây dựng đề án  nói trên, TS Dương Văn Ni – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm – đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), đã gửi Người Đô Thị bài viết nhằm cung cấp thêm thông tin cũng như những luận bàn về các vấn đề liên quan.

Thiếu bảo tàng nông nghiệp

Theo số liệu thống kê đầu năm 2019, Việt Nam có trên 160 bảo tàng, trong đó 04 bảo tàng cấp Quốc gia, 07 bảo tàng chuyên ngành cấp Bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc Bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, chưa có bảo tàng về nông nghiệp.

Dọn đất chuẩn bị mùa vụ mới tại Tháp Mười – Đồng Tháp. Ảnh: Người Lao Động

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó ĐBSCL đóng vai trò quan trọng. ĐBSCL có trình độ thâm canh nông nghiệp và cơ giới hóa phát triển rất nhanh. Trong thời gian từ 1990 đến 2000, riêng sản lượng lúa hàng năm đã tăng từ 10 triệu lên 21 triệu tấn và đến nay là khoảng 24 triệu tấn; các sản lượng nông nghiệp khác như cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản, rau màu cũng tăng gấp nhiều lần. Kết quả là nhiều giống cây con địa phương đã bị thay thế bằng các giống mới và đặc biệt là khi thay đổi kỹ thuật canh tác, áp dụng cơ giới, nên hàng loạt các nông cụ cổ truyền đã không còn sử dụng và dần bị mai một.

Thế hệ trẻ ngày nay, ít người thấy được cây nọc cấy lúa, nếu có thấy ở một vài nơi nào đó, thì chúng được trưng bày như một mẫu vật cổ xưa, không biết nó được sử dụng ra sao? Người dân làm ruộng “phát minh” ra nó trong hoàn cảnh nào? Vì sao chúng có hình dáng khác nhau, kích thước khác nhau? Nên sẽ không biết vì sao có cây nọc nạng, có địa danh là “cánh đồng Nọc nạng”! Vì vậy càng không biết giá trị của những nông cụ nầy đóng góp vào qui trình trồng lúa và nền nông nghiệp ở ĐBSCL ra sao? Do đó, chúng không được quan tâm nên tốc độ mai một càng nhanh hơn.

Cũng không thể trách ai, một phần là do những nông cụ nầy không còn được sử dụng để sản xuất hiện nay, phần khác là do các nơi thu thập và trưng bày mẫu vật nhưng không có đầu tư nghiên cứu cẩn thận, nhất là không trình bày một cách hấp dẫn, hệ thống, mặc dù những tiến bộ về kỹ thuật trưng bày hiện nay là rất phong phú.

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cũng từng nói: “Để có được ĐBSCL thành khoảnh như ngày hôm nay, thì công sức và sự sáng tạo của người nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và đầu tư của nhà nước. Vì vậy, phải có một nơi xứng đáng để tôn vinh sự đóng góp của họ và cũng để giáo dục con cháu sau này”.

Từ năm 1975, trường Đại học Cần Thơ đã bắt đầu nghiên về sự đa dạng hệ thống canh tác trên các vùng sinh thái khác nhau ở ĐBSCL, tìm hiểu cách người dân chọn đất đai, nguồn nước, giống cây con; qui trình và kỹ thuật canh tác nhằm thích nghi với điều kiện tự nhiên, né lũ – hạn – mặn, và sáng tạo ra nông cụ chưa có hay cải tiến cái có sẵn.v.v..

Sư sãi ở Tiểu Cần – Trà Vinh tham gia thu hoạch, phơi lúa. Ảnh: Người Lao Động

Thành quả của việc sáng tạo nầy là người dân đã tuyển chọn ra hàng trăm giống cây trồng vật nuôi phù hợp cho từng vùng sinh thái khác nhau. Ví như họ đã tuyển chọn gần 4.000 giống lúa mùa, trong đó có giống lúa mùa nổi có thể thích nghi ở vùng nước ngập sâu ba bốn mét, giống lúa chịu mặn trồng luân canh với thủy sản trong vùng duyên hải.v.v.. May mắn là từ năm 1998, dưới sự chủ trì của GS Võ Tòng Xuân, tất cả những giống lúa nầy đã được thu thập và gìn giữ cẩn thận tại trường Đại học Cần Thơ.

Năm 2013, trường Đại học Cần Thơ dự định xây dựng “Bảo tàng Văn minh Lúa nước”, nhằm tôn vinh sự cần cù sáng tạo của người dân trên con đường khẩn hoang, cải tiến, thích nghi và phát triển tại ĐBSCL. Tuy nhiên, nhận thấy là công tác chuẩn bị chưa thật đầy đủ, như việc tập họp các nhà nghiên cứu, quỹ đất, kinh phí và tổ chức tư vấn về kỹ thuật trưng bày chuyên nghiệp.

Nông, ngư cụ liên quan đến quá trình khai hoang, lập làng của nông dân tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, đã có rất nhiều người làm nghiên cứu ở những lảnh vực chuyên môn khác nhau tham gia chia sẽ kết quả, các thông tin và tư liệu đã thu thập được cũng bắt đầu số hóa và sắp xếp theo các chủ đề, qua từng giai đoạn phát triển khác nhau. Riêng kỹ thuật trưng bày thì được sự tư vấn của hệ thống bảo tàng Smithsonian Hoa Kỳ hỗ trợ.

Do đó, khi UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị trường Đại học Cần Thơ hỗ trợ cho việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL, thì chúng tôi nghĩ “mảnh ghép” đất đai và kinh phí đã được giải quyết! Vì vậy, việc chung tay góp sức của toàn xã hội, như sự ủng hộ của Chính Phủ và các Bộ/Ban ngành cấp Trung ương, các cấp Chính quyền của các tỉnh thành ở ĐBSCL, các doanh nghiệp quan tâm đến ĐBSCL, các Viện-Trường, các nhà khoa học trong cũng như ngoài nước và đặc biệt là của chính người dân ở ĐBSCL, sẽ quyết định nên tầm vóc một bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL trong tương lai.

Bảo tàng phải dựng được “hồn” nông nghiệp ĐBSCL

Theo dõi truyền thông báo chí mấy ngày qua tôi thấy rất phấn khởi, bởi vì một công trình bảo tàng khi chưa đi vào giai đoạn thiết kế xây dựng mà đã được công chúng quan tâm rộng rãi, thì đó là tiền đề cho việc khai thác thành công sau nầy.

Theo tôi, để có nhiều người đến xem, thì tỉnh Vĩnh Long không được “lặng lẽ” thực hiện, bởi vì mọi người dân sống ở ĐBSCL coi sản xuất nông nghiệp là cuộc sống của mình. Hình bóng của họ phảng phất trong nền nông nghiệp bằng những câu nói đậm tính dân gian, như “anh Hai Lúa hiền như cục đất mà khỏe như trâu cui”.

Sạ lúa “cơ giới hóa” ở Mang Thít – Vĩnh Long, vừa đều vừa tiết kiệm giống. Ảnh: Người Lao Động

Do đó, khi bước vào giai đoạn triển khai thì tỉnh Vĩnh Long nên “đặt ra yêu cầu” và kêu gọi rộng rãi cá nhân, tổ chức, Viện-Trường trong cả nước nộp đề cương để tỉnh tuyển chọn. Đề cương được tuyển chọn phải được công bố lên cổng thông tin điện tử để mọi người có thể tham khảo và góp ý trước khi đưa vào triển khai thực hiện.

Bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL phải trình bày cho được sự khắc nghiệt của tự nhiên. Đây có thể là điểm khác biệt đối với suy nghĩ đang có của nhiều người. Người ta thường hay nghĩ là ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, nước ngọt trong lành quanh năm, cá tôm dồi dào, một nơi mà “làm chơi ăn thiệt”. Nhưng đâu ai biết đây từng là vùng ngập lụt quanh năm, mùa khô nước phèn quánh đặc đóng vàng hết móng chân móng tay, là nơi rừng thiêng nước độc với “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”!

Một khi hiểu được sự khắc nghiệt của thiên nhiên rồi, thì mới hiểu được sức sáng tạo và lao động cần cù của người dân, dựa trên tư duy rất đặc biệt “con người và thiên nhiên là một”. Do đó trong suốt quá trình phát triển người dân chưa bao giờ nghĩ đến cách chống lại thiên nhiên; Gọi mùa nước ngập mênh mông là mùa nước nổi, gọi con sông con rạch, con nước lớn nước ròng, con nước rong con nước kém… như những người thân yêu trong gia đình.

Rồi dựa vào thiên nhiên mà người dân tuyển chọn giống cây con cho mỗi vùng sinh thái khác nhau, phát triển kỹ thuật canh tác phù hợp cho từng mùa vụ, chế tạo ra các nông cụ phục vụ cho từng công đoạn sản xuất, nhằm tăng năng suất lao động. Ví như họ đã chọn được gần 4.000 giống lúa mùa, có giống thích nghi cho vùng nước ngập sâu ba bốn mét, giống khác lại chịu hạn dành cho vùng chỉ có nước mưa, còn giống chịu mặn thì canh tác trên vùng tranh chấp mặn – ngọt.

Đua ghe ở ĐBSCL. Ảnh: Zing

Việc đặt tên cho các giống lúa y hệt như tên người vợ của mình, như: Giống với hạt có đuôi dài thì gọi là Nàng Chệt, hạt có đuôi nhưng ngắn hơn là Nàng Chệt Cụt, hạt có đuôi cong thì gọi Nàng Quớt, hay hạt có màu xẩm đen thì gọi là Nàng Chô, còn giống có mùi thì là Nàng Thơm, Nàng Hương…

Sinh hoạt hàng ngày hay sản xuất thì hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Cứ nhìn màu nước (phù sa) mà gọi tên khác nhau như nước son, nước bạc, hay nước đục. Rằm tháng Bảy âm lịch mà thấy nước son thì năm đó nước sẽ về nhiều cần phải chọn giống lúa cao giàn, cứng rạ.

Người sống nghề chài lưới thì gọi là nước “cáu”, nếu có màu đỏ hồng và chớn nước mở rộng ra biển thì phải xài lưới mắt thưa vì sẽ có cá lớn, còn nước cáu nhạt màu lợn cợn thì phải xài lưới mắt dầy và chỉ nên đánh bắt ven bờ.

Dân đi ghe thì khi thấy màu nước son là biết sắp tới nơi sông sâu nước chảy, cần phải cứng tay chèo, thấy màu nước bạc là sắp đến sông cái nên cần chọn hướng xuôi dòng nước mà di chuyển cho đở tốn công chèo chống.

Những bà nội trợ khi múc nước vô lu để lóng phèn cũng chọn lúc nước son, nước bạc hay nước đục, còn nước “trong như mắt mèo” thì coi chừng đó là nước bị nhiễm phèn hay nhiễm mặn.

Lễ hội đua bò Chùa Rô ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Zing

Miệt vườn, thì ông bà còn để lại kinh nghiệm cho con cháu là muốn lập vườn phải chọn vùng nằm trong chớn nước đục hay nước bạc, có con nước lớn nước ròng, để cho nước ra vô mương vườn, sẽ giữ lại phù sa, đến cuối mùa khô thì sên lớp phù sa nầy làm mặt liếp cao thêm ba bốn phân, vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây vừa “dụ” cho rể cây ăn lên, nên không lo gì chuyện nước ngập hay đất lún. Vì vậy cây trái khai thác ít nhứt là vài chục năm mới bị cỗi phải trồng lại.

Miệt biển, thì đầu mùa khô xổ nước mặn vào ruộng nuôi trồng thủy sản, vừa ém phèn xì và lấy phù sa, mùa mưa rửa hết mặn trồng lúa khỏi cần bón phân. Cuối mùa mưa thì sên vuông, đất đã hết mặn, nên trồng rau màu hay cây ăn trái xung quanh đê bao. Mô hình lúa-tôm là điển hình cho sự thông minh và sáng tạo của những bậc tiền nhân sống và sản xuất trong vùng vừa mặn vừa ngọt.

Nhà cửa thì cũng xây cất cho phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau. Như ở miệt bưng, miệt ruộng người ta cất nhà sàn chỗ nào nước ngập sâu, miệt vườn ở ven sông ít ngập thì cất nhà kê. Nhà kê không được đóng đinh, cột kèo đòn tay rui mè chỉ khớp mộng dằn nêm, cột cái thì kê trên những cục táng, khi nào thấy nền nhà ẩm thấp hay muốn di dời đi chỗ khác, thì dở nhà ra đắp cao nền hay mang đến chỗ mới rồi ráp lại ở tiếp, không bao giờ phải đập bỏ bất cứ thứ gì.

Sinh hoạt cộng đồng thì làm ngay trên mặt nước như chợ nổi, lễ hội đua ghe, nơi xây cất chùa chiền thì chọn gò cao, giồng cát. Ngày nay những chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang) hay chùa Gò Tháp (Đồng Tháp) là những nơi thu hút người dân và khách du lịch lớn nhứtt trong khu vực.

hành công của bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL trong tương lai tùy thuộc vào sự quan tâm của giới trẻ. Trong ảnh: Đông đảo học sinh Nhật Bản đến tham quan, học tập lịch sự tại bảo tàng. Ảnh: Trung Dũng

Nhưng có lẽ cái “hồn” của nền nông nghiệp ở ĐBSCL là tính nhân văn và sự chia sẽ. Thể hiện qua việc sống hài hòa cùng nhau giữa các nhóm cư dân đến từ các vùng miền khác nhau, có nền văn hóa khác nhau, nhưng chưa bao giờ xảy ra xung đột. Từng cộng đồng, họ biết giữ lại cái cốt lõi của mình và biết chia sẽ, nhường nhịn với các cộng đồng khác. Họ không soi mói vào quá khứ người khác mà cùng nhau sáng tạo, vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, theo tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”.

Đến thăm người bịnh thì mang theo chục cam, đi đám giỗ thì xách theo con gà con vịt hay cây trái có trong vườn, thăm người thân hay sui gia ở xa thì có chục ký gạo-nếp đặc sản đầu mùa. Đặc biệt nhứt là khi đi cưới vợ thì phải có mâm trái cây, trái cây phải của vườn nhà, không được mua trái cây ngoài chợ, vì người dự đám cưới sẽ nhìn vào màu sắc hay độ bóng của mâm trái cây nầy mà biết là cô dâu sẽ đi về miệt nào? Miệt vườn đất tốt và nước ngọt quanh năm nên có cây trái đa dạng và chất lượng ngon nhứt, kế đến là miệt ruộng, còn miệt bưng và miệt biển thì rất ít cây ăn trái, dĩ nhiên là trái cây các miệt nầy có chất lượng kém hơn, cũng hàm ý là cô dâu đi về các miệt nầy sẽ cực khổ hơn!

Họ cũng không ăn nói vòng vo, tánh tình thì bộc trực, thẳng thắn, thấy việc thì cứ xúm vô làm, không tính toán được mất, hơn thua. Tới mùa, thì cả xóm xúm vô tiếp nhổ mạ, cấy lúa, hay thu hoạch hết ruộng nầy đến ruộng khác, gọi là “vạn vần đổi công”. Nên trong ngôn ngữ ngày mùa, chúng ta hay nghe những câu thật lạ lẫm như “ngày mơi qua cấy bà Ba” (cấy lúa), “ngày mốt qua ôm cô Sáu một buổi” (ôm lúa bó) hay “đập chú Tư hai ngày” (đập lúa hột)!

Khi có ma chay hay cưới hỏi, thì không ai bảo ai, người đến tiếp che rạp, dựng cổng, đứa khác đi gom bàn ghế, xoong nồi, dao thớt của cả xóm. Có lẽ cái sinh hoạt ngày mùa, cái tình làng nghĩa xóm đó đã hình thành nên tính cách bao dung, hào sảng, mến khách của người dân ĐBSCL.

Có thể thấy để hiểu cặn kẽ từng giống cây con, kỹ thuật canh tác, nông cụ ngư cụ, vật dụng sinh hoạt hàng ngày cũng như cách ăn cách ở của người dân trong từng vùng sinh thái khác nhau là công việc vượt xa khả năng của một địa phương như tỉnh Vĩnh Long. Chúng ta có thể có đất đai rộng và kinh phí dồi dào trong một thời gian ngắn, nhưng công tác nghiên cứu, sưu tầm luôn cần rất nhiều thời gian, công sức và nhiều lãnh vực chuyên môn khác nhau.

Tuy nhiên, cũng phải thấy là thế hệ còn gìn giữ những tinh hoa đó thì từ người tham gia sản xuất đến các nhà nghiên cứu đều không còn trẻ. Do vậy, việc tỉnh Vĩnh Long phê duyệt chủ trương cho xây dựng bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL, là hành động tiên phong, kịp thời để lưu giữ những kinh nghiệm, tri thức quý báu mà tiền nhân đã dày công sáng tạo và gìn giữ.

Việc còn lại là tỉnh Vĩnh Long cần tổ chức thực hiện một cách cẩn trọng cho từng giai đoạn, thu hút được sự quan tâm chia sẻ và đóng góp của toàn xã hội. Công tác trưng bày cần chọn lựa chủ đề thích hợp, không chỉ tập trung vào số lượng, mà phải làm sao diễn tả cho được cái “hồn” bên trong, hấp dẫn được người xem, ngắn gọn, dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu và dễ nhớ.

Thành công của bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL trong tương lai tùy thuộc vào sự quan tâm của giới trẻ, để họ hiểu được cái tư duy “thiên nhiên và con người là một” và khối tri thức đồ sộ mà cha ông đã sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình lao động cần cù trên một vùng đất khắc nghiệt. Bởi vì nếu có hiểu được quá khứ thì mới mong phát triển bền vững trong tương lai, mà tương lai của ĐBSCL luôn thuộc về giới trẻ!

Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL dự kiến xây dựng tại khu đất 11,4ha thuộc ấp Rạch Trúc (thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) với tổng nguồn vốn thực hiện là 400 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Dự án được thực hiện theo ba giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2027 sẽ khai thác và sử dụng.

Theo thiết kế, khuôn viên bảo tàng được chia thành bốn khu chính gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính, khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa, khu tổ chức sự kiện và khu công trình phụ trợ.

Hiện vật và tư liệu trưng bày tại bảo tàng được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua bốn thời kỳ: trước năm 1698 (nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp); từ 1698 – 1858 (quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn); từ 1858 – 1975 (tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa) và từ 1975 đến nay (nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập).

Dương Văn Ni

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/doi-dieu-ve-bao-tang-nong-nghiep-400-ty-dong-23731.html

CÙNG CHUYÊN MỤC