Làm người thầy hạnh phúc
Còn rất nhiều nhà giáo đang dạy học trong trạng thái không hạnh phúc và họ chưa thể bước ra một môi trường khác để dẹp bỏ ám ảnh. Cái không hạnh phúc lan truyền tức là cái ác lan truyền.
Chẳng ai muốn mình ác. Hãy nhìn ngay chính chúng ta. Chúng ta có từng làm cho một người nào đó phiền lòng chưa? Làm mẹ cha phiền lòng chẳng hạn. Làm mẹ cha buồn là tội ác vì họ là những người hy sinh cho mình nhiều nhất. Hãy ghi hình lại tất cả những gì vô tâm nhất của bản thân, ghi luôn những diễn biến đau buồn của mẹ cha cho tới lúc ánh mắt họ sa sầm xuống, những giọt nước mắt tuôn ra… Hãy xem lại những hình ảnh đó thật nhiều lần, nhiều lần hơn nữa. Rồi cho tôi cảm nghĩ.
Giống như cô giáo ra lệnh cho những đứa trẻ tát vào mặt bạn mình 231 cái tát thật mạnh. Hãy ghi cận cảnh ánh mắt đau đớn của đứa học trò qua từng cái tát. Hãy chiếu lại hình ảnh đó thật nhiều lần cho cô giáo xem, thật nhiều lần hơn nữa. Cô sẽ ám ảnh nỗi đau đó nhiều hơn nạn nhân. Có khi cô sẽ nổi điên, muốn chết phứt cho rồi hoặc là giết sạch đám người tái dựng hiện trường tội lỗi. Tội ác phát sinh bởi tội ác trước đó.
Khởi điểm của tội ác là những nỗi sợ hãi và chán chường lặp lại một cách nhẹ nhàng, lặng thầm, cho tới khi con người thấy cuộc sống không có gì đáng để giữ gìn. Một cuộc cách mạng bạo lực là con đường tồi tệ nhất cho những tâm trạng không hạnh phúc. Không ai muốn chọn con đường tồi tệ đó nhưng trong trường kỳ chịu đựng, nghĩa là khi không còn gì để nắm níu nữa, người ta luôn muốn cho nổ tung vũ trụ, kết thúc thật nhanh cuộc sinh tồn.
Có một tỉ phú kể, ông là một cậu bé mồ côi rất khó ưa. Ai cũng cộc cằn ghẻ lạnh với ông. Ông cũng cộc cằn với con chó, người bạn duy nhất của mình. Cho tới khi ông nhặt giùm những gói hàng cho một cô gái, cô gái cám ơn ông, nói ông là người tốt. Trong hạnh phúc hôm đó, ông đã dịu dàng với con chó và con chó cũng đã rất thân thiện với ông. Nhận ra con vật cũng thích dịu dàng, ông đi rửa mặt và nâng niu tất cả, nâng niu hình ảnh bản thân. Sau đó mấy mươi năm, ông trở thành tỉ phú.
Tôi cũng từng là một đứa trẻ phá phách, chỉ cần một đoạn dây kẽm nhỏ cũng có thể bẻ thành cái chìa khóa mở tủ để lấy cắp những đồng tiền liệt sĩ của ông nội. Bà nội đánh mắng ghẻ lạnh. Tôi thấy mình giống đứa trẻ đã bỏ đi, cho tới ngày ông cậu phát hiện tội lỗi của tôi. Ông không uốn nắn gì cả, bởi theo ông dẫu sai lầm cỡ nào tôi cũng chỉ là một đứa trẻ. Trong cảm giác hạnh phúc vì có người tốt coi tôi như một con người bình thường, tôi nâng niu bản thân mình vì ông cậu. Về sau tôi nâng niu bản thân vì má. Bây giờ tôi nâng niu bản thân và mọi thứ xung quanh vì người yêu, vì những người bạn rất yêu quý tôi.
Bạn đi chơi ở hàng vạn nơi đẹp nhất, bạn có hạnh phúc không? Có, chỉ khi nào bạn hòa được vào thắng cảnh như thắng cảnh đó sinh ra để cho bạn. Bạn ăn ngàn bữa ăn, có hạnh phúc không? Chắc chắn không, nếu bạn chậm tiêu hóa.
Học ngàn thầy cũng vậy. Chỉ khi nào bạn cảm thấy mình có giá trị gì đó sau bài học của thầy thì bạn mới hạnh phúc trong việc học.
Tôi dám trả lời là khi đọc ngàn cuốn sách bạn vẫn không hạnh phúc nếu bạn không gặp được trong đó những tương đồng. Một cảm giác không tiêu hóa. Nhưng nếu không đọc cuốn sách nào, không xây dựng được thói quen khát khao tri thức thì cũng giống như người suy dinh dưỡng mà không xây dựng kỹ năng thèm ăn và ăn. Nghĩa là chẳng có gì để tiêu hóa.
Hãy để người thầy tự do lái con thuyền trách nhiệm của họ. Chỉ khi nào hoàn toàn làm chủ tay lái, thuyền trưởng mới thăng hoa đưa con thuyền vào con đường đẹp nhất, ngắn nhất.
Quay lại vụ cô giáo 231 cái tát, và những vụ bạo hành học trò khác. Tội ác mà họ gây ra không lý lẽ nào có thể bào chữa. Trừng phạt họ cũng chính là gieo niềm tin công lý vào giáo dục. Nhưng liệu diệt xong cái ác đó, có chắc không còn mầm ác nào sẽ trổ ra, khi mà trước lúc trở thành tội nhân, họ đã đứng lẫn giữa hàng trăm ngàn người thầy không hạnh phúc với chức nghiệp trồng người, bị sự căng thẳng công việc đẩy dần về phía ác, phía phản giáo dục. Bằng chứng xanh rờn là ngay trong những ngày dư luận phẫn nộ đòi tử hình cô giáo 231 cái tát thì báo chí tiếp tục phát hiện chỗ này, nơi kia vẫn có những cú tát tay khác của giáo viên với học trò.
Vậy cái gốc của mầm ác phải nhổ tận gốc nằm ở đâu?
Tôi từng nhìn thấy những người dạy học làm rất nhiều việc bản thân thấy không hợp lý. Nghỉ lễ phải dạy bù ngày thứ Bảy, bệnh cũng phải ngồi dậy dạy vì sợ bù còn kiệt sức hơn. Quy chế chuyên môn như pháp lệnh, nhưng pháp lệnh cứ trở trắng thành đen rồi đen thành trắng trong một sớm một chiều. Người giáo viên phải tuân thủ răm rắp mọi chỉ đạo trên từng tiết dạy, nhưng trách nhiệm cuối cùng của lớp học lại là giáo viên. Phần đông giáo viên đều tuân thủ đúng chỉ đạo (nghĩa là họ không bị kỷ luật) nhưng học trò vẫn bỏ học, vẫn đọc không trôi và họ vẫn nằm trong nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa là có thể mất việc.
Có những giáo viên vẫn làm theo chỉ đạo đồng thời chen vào đó cách làm riêng, vừa vượt qua hàng rào kiểm tra vừa giữ được chất lượng lớp học. Rất nhọc nhằn, nhưng nhiều người làm được vì họ nghĩ ráng một chút để duy trì miếng cơm manh áo. Ráng một chút đồng nghĩa ráng một đời.
Nhường nhịn, chịu đựng là trạng thái chuẩn bị cho hạnh phúc, nhưng nhường nhịn triền miên cả đời là bi kịch. Người thầy không hạnh phúc khó lòng tạo được những tiết học hạnh phúc. Còn học trò cảm thấy việc học là trò chơi vô bổ và đáng sợ. Trong trường kỳ mệt mỏi đó, vào những khoảnh khắc điên loạn nhất, học trò muốn nhảy nhót la hét. Những hành động ngỗ ngược như giọt nước tràn ly cho cơn điên của người thầy…
Thành tích là liều thuốc kích thích đột phá. Nhưng ám ảnh thành tích, bất chấp hậu quả để đạt được thành tích là một căn bệnh nguy hiểm. Căn bệnh đã tạo ra những học trò chửi thề bất chấp đạo lý tôn sư. Căn bệnh tạo ra những giáo viên bạo lực học trò bất chấp công lý. Hai trăm ba mươi mốt cái tát là tội ác mà cũng là cơn điên của một người đang sống trong môi trường căng thẳng không có điểm dừng. Có lẽ bây giờ, khi đã bước ra một môi trường khác, cô giáo kia hoàn toàn không còn muốn nhìn thấy ai tát ai. Nhưng, còn rất nhiều nhà giáo đang dạy học trong trạng thái không hạnh phúc và họ chưa thể bước ra môi trường khác để dẹp bỏ ám ảnh. Ai dám chắc sau 231 cái tát, không có 261, 291 cái tát? Cái không hạnh phúc lan truyền tức là cái ác lan truyền. Ai cũng cảm thấy mình đang bị ngược đãi, ai cũng thấy quanh mình đầy rẫy những con người đáng bị trừng phạt. Họ gây tội ác trong tâm thế vẫn nghĩ mình là nhà giáo, mới là điều khủng khiếp nhất.
Đừng đổi mới gì hết. Mỗi người giáo viên lâu năm đã khôn lớn rồi, dày dặn kinh nghiệm rồi. Họ như một người lái xe có đủ đầy trải nghiệm và bằng cấp. Họ hiểu luật lệ và thông đạo lý. Khi người tài xế đã hoàn toàn chịu trách nhiệm trong hành trình của mình thì đừng ngồi bên họ hò hét biểu quẹo phải quẹo trái làm cho họ nhọc lòng. Hãy để người thầy tự do lái con thuyền trách nhiệm của họ. Chỉ khi nào hoàn toàn làm chủ tay lái, thuyền trưởng mới thăng hoa đưa con thuyền vào con đường đẹp nhất, ngắn nhất. Tin tưởng họ, ban cho họ một cái quyền làm thầy như ngày xưa ông cậu tin tôi và ban cho tôi cái quyền làm người. Người thầy hạnh phúc sẽ biết nâng niu. Mỗi ngày dạy là mỗi ngày vui thì mới hy vọng họ đem lại cho học trò mỗi ngày học mỗi ngày hạnh phúc. Con đường học mới thật sự là con đường hấp dẫn để ham học, tự học và kiến tạo tương lai.
Võ Diệu Thanh – Nhà văn, nhà giáo
Theo Người Đô Thị