1. Hẻm 113 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 nối ra đường Hoàng Sa là một con hẻm khá đặc trưng ở TP.HCM với bề ngang chưa đầy 3 m, chỗ nở ra nơi tóp lại, đan xen hàng chục con hẻm khác nhau, nhà dọc nhà ngang không theo trật tự nào. Vậy mà, con hẻm này đã chứng kiến biết bao câu chuyện đẹp về tình người.

Ngồi chờ người khách cuối cùng mua 3 chén rau câu còn sót lại, với giọng Quảng Ngãi đặc sệt, bà Huỳnh Thị Hường tâm tình: “Cô mới bán lại sau những ngày dịch bệnh, nhiều mối quen chưa biết nên mấy hôm nay về trễ”. Đứng đối diện, cô Ba hàng xóm ngoắt tay đon đả: “Trời nóng quá, chị qua bên tôi ngồi cho đỡ nắng“.

Gánh rau câu của bà Hường đặt khép nép ở góc đường trong con hẻm nhỏ này từ lúc nó chưa được tráng xi-măng. Gần 40 năm trước, bà rời quê Quảng Ngãi theo anh trai vào TP.HCM mưu sinh. Nhờ đổ rau câu khéo léo, cô gái tuổi đôi mươi ấy mạnh dạn mua quang gánh đặt trong con hẻm này. Gánh rau câu đã giúp cô bám trụ ở thành phố rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái, an cư lạc nghiệp đến nay.

Lúc mới vào thành phố, không quen cảnh xô bồ, cứ bán xong tôi liền về nhà, không dám đi đâu hết. Nhưng người thành phố vốn hào sảng, dễ gần. Con hẻm này không chỉ có dân Sài Gòn gốc mà còn rất nhiều người từ những nơi khác đến mưu sinh. Cuộc sống khó khăn khiến người ta dễ đồng cảm, chia sẻ. Nhiều người đã mượn một góc hẻm để bán bánh xèo, rau câu, trái cây… Người qua kẻ lại có chút bất tiện, phải lách chỗ này, nhường chỗ kia, cùng lắm là chau mày nhíu mặt nhưng không ai càm ràm, to tiếng. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn để hàng chục phận đời như tôi được cưu mang” – bà Hường nhớ lại.

Hàng chục năm đã trôi qua, hẻm 113 Trần Văn Đang ngày càng đổi thay. Hẻm được tráng bê-tông, nhà cửa khang trang hơn, nhiều người nghỉ bán nhưng hàng chục quang gánh như bà Hường vẫn còn đó, vẫn được người quen hỏi han trong những ngày nghỉ vì dịch bệnh.

Hẻm 113 Trần Văn Đang, phường 11, quận 3 đã bao bọc nhiều phận người tứ xứ đến TP.HCM.

2. TP.HCM có hàng trăm con hẻm như thế. Hẻm 85 Rạch Bùng Binh, quận 3 vốn là xóm nghèo của những người buôn gánh bán bưng từ miền Trung vào.

Vài chục năm trước, một nhóm người như chị Liên, cô Hoa từ Quảng Ngãi đến đây, mang theo những “đặc sản” đậu phộng luộc, bánh tráng nướng, nem, tré… Nhờ tần tảo sớm hôm, chịu thương chịu khó, cuộc sống của họ ngày càng khá lên. Nhiều người mua được nhà rồi rủ bà con ở quê vào mưu sinh.

Người đi trước bảo bọc người đi sau. Căn nhà chị Liên, cô Hoa được ngăn ra nhiều phòng cho những người cùng quê thuê trọ với giá hết sức “tình thương mến thương”. Chị Liên, cô Hoa còn cung cấp những lon đậu phộng nấu sẵn, mớ trứng cút luộc, những chiếc nem – tré ngon lành… cho những người cùng quê bán ở các quán nhậu. Lấy hàng trước, bán được trả tiền sau.

Cứ vậy, nhiều phận đời trong xóm nghèo đã đổi thay. Hàng chục đứa trẻ được cha mẹ mang từ quê vào TP.HCM ăn học thành tài, trong đó có những người nay đã là bác sĩ, nhà giáo, kỹ sư…

3. Những ngày cách ly xã hội, người nghèo dễ bị tổn thương nhất, vậy mà khi chúng tôi đến, xóm trọ nằm trong hẻm 120 Cống Lở ven dòng kênh Hy Vọng, phường 15, quận Tân Bình vẫn rộn rã tiếng cười nói. Buổi trưa nắng gắt, 11 căn phòng cũ kỹ, đồ đạc treo móc khắp nơi như càng thêm chật chội.

Đang cho đứa cháu ngoại ăn cơm, bà Hứa Thị Thảo, quê An Giang, cho biết: “Nửa tháng nay, hàng quán đóng cửa, không có ve chai nên tôi nghỉ ở nhà chăm tụi nhỏ. Tiền nhà trọ thiếu 2 tháng, gạo mắm sắp hết nhưng tôi không lo lắm vì chủ nhà trọ hứa sẽ ứng trước. Mớ trứng vịt, mì gói này là của cô Thanh trọ phòng kế bên đem qua cho“.

Tinh thần “lá lành đùm lá rách” ở dãy trọ này đã níu chân hàng chục người từ các tỉnh, thành tá túc tại đây. Bà Thảo xúc động: “Con gái tôi mấy tháng trước mổ tim, cả dãy trọ quyên góp hơn 1 triệu đồng rồi đi thăm nom. Xóm trọ này hễ có ai đau ốm phải đi bệnh viện là cả dãy phòng liền ứng cứu, người gom tiền, kẻ kêu xe“.

Vợ chồng nhà giáo Võ Thị Bích Vân – Nguyễn Tất Hữu thăm hỏi những đứa trẻ trong hẻm 120 Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình.

Lúc chưa dịch bệnh, mọi người đi làm, trừ những lúc đi thu nhặt ve chai, bà Thảo ở nhà chăm cháu. Phòng trọ kế bên có 2 đứa trẻ, bà “xung phong” tắm rửa, cho ăn và chở đi học cùng mấy đứa cháu của mình.

Hơn chục năm nay, chủ nhà trọ – bà Nguyễn Thị Đẹp – vẫn cung cấp gạo, mắm, dầu ăn, xà bông, nước rửa chén… cho 11 phòng trọ kiểu ứng trước trả sau. Người ở trọ cần gì cứ đến lấy rồi ghi sổ, cuối tháng tổng kết cùng tiền phòng trọ, điện, nước gửi một lần.

Tôi không bán tạp hóa, chỉ mua về cung cấp cho người ở trọ, không tính chuyện lời lãi gì, chủ yếu giúp họ an tâm đi làm, chủ động được chuyện chi tiêu. Mấy tháng nay, nhiều người thất nghiệp, một số phòng nợ tiền thuê, tôi cũng kệ” – giọng bà Đẹp nhẹ tênh.

Một lần đến đây, vợ chồng nhà giáo Võ Thị Bích Vân – Nguyễn Tất Hữu đã ứa nước mắt khi thấy đám nhỏ chơi đùa bên dòng kênh đen. Họ rủ chúng đến lớp học miễn phí dành cho trẻ khó khăn của Hội Khuyến học phường 15, quận Tân Bình. Nhờ vậy, gần 10 đứa nhỏ ở xóm trọ được ăn học tử tế không tốn đồng nào. Mỗi tháng, bọn trẻ còn được lãnh gạo mang về nhà.

Cô Vân – thầy Hữu đã tình nguyện đứng lớp hơn 22 năm nay, phổ cập tiểu học cho trẻ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn. Ngần ấy năm, không biết bao nhiêu đứa trẻ đã được họ dạy dỗ nên người, chỉ biết hành trình giành giật từng học sinh về với đời thường cũng lắm gian truân.

Việc làm của cô Vân – thầy Hữu đã kết nối nhiều tấm lòng để yêu thương lan tỏa. Nhiều nhà hảo tâm đã gửi tặng nhu yếu phẩm cho các cháu mỗi dịp lễ, Tết. Thiết thực hơn, để bọn trẻ yên tâm đến lớp mà không phải đi bán vé số, lượm ve chai kiếm tiền phụ cha mẹ, chương trình “Gạo học đường” với 10 kg gạo/tháng/em được duy trì gần 1 năm nay. Nhiều trẻ nghèo được tặng học bổng đến cấp 2, được tặng xe đạp…

Đất thế nào thì người thế ấy. Người Sài Gòn – TP.HCM hiền hòa và phóng khoáng, để rồi ai đến thành phố này từ lạ cũng thành quen, từ xa xôi cũng trở nên gần gũi.

Bài & ảnh: Thu Hồng

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/dang-tay-om-moi-phan-doi-20200428175942011.htm