Chàng trai kể chuyện tử tế
Không phải chỉ làm từ thiện, miễn phí mới là tử tế. Với Nguyễn Văn Luận, người sáng lập dự án Sài Gòn tử tế, anh muốn lan tỏa những giá trị khác, thông qua những điều nhỏ bé từ cuộc sống bình dị ngày thường.
Nguyễn Văn Luận (ảnh – 33 tuổi, trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sống ở thành phố này 15 năm, chưa thể quên 3 người chủ đã cho anh thuê nhà thời sinh viên. Thương chàng trai từ Bình Phước lên thành phố trọ học, mỗi khi nhà có nấu món ngon, các bác chủ nhà tốt bụng lại để dành Luận những phần đồ ăn. Như nhiều bạn trẻ trưởng thành từ đây, sự hào sảng của mỗi người dân đã quen thuộc với Luận. Đó có thể là những người không quen biết giúp nhau khi hoạn nạn, tủ thuốc miễn phí của bác vá xe, ổ bánh mì miễn phí của nhóm từ thiện, những bữa cơm 0 đồng cho người nghèo của nhóm sinh viên.
Nhưng tử tế không chỉ là miễn phí, cho – tặng, hay những lần ra tay nghĩa hiệp trên đường, Luận còn nhìn thấy những điều tử tế khác, trong nhịp sống hằng ngày của thành phố lớn nhất Việt Nam. Đó là một bác lao công tận tụy với công việc làm sạch phố phường hằng ngày; người bảo vệ chăm chỉ với công việc, một hôm mua bông hoa để cẩn thận trong chiếc túi vải, khoe là quà tặng vợ ngày 8/3…
Ban đầu, dự án đơn giản là kể những lát cắt đời thường bằng ảnh, dần dần tiếng thơm lan xa, các bạn trẻ nhận được sự chung tay của những bạn trẻ khác yêu TP.HCM. Năm 2019, dự án của Luận thực hiện được triển lãm ảnh và ra mắt sản phẩm âm nhạc Sài Gòn vẫn thế, kết nối được nhiều bạn trẻ đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường, tặng hoa cho các bác lao công, cắt tóc miễn phí… Không chỉ trong cộng đồng TP.HCM, dự án của Luận còn lan tỏa tích cực đến những thành phố khác.
Luận luôn muốn dự án có thể tự sống dài hơi hơn, “chạm” vào trái tim của mỗi người để cùng nhắc nhau “sống tử tế”. Đó là lý do hơn 1 năm trước, dự án xây dựng điểm cà phê kết nối cộng đồng của Luận ra đời, không gian cà phê nhỏ trên đường Ngô Tất Tố, Q. Bình Thạnh, TP.HCM giúp lan tỏa những hình ảnh và câu chuyện tử tế của nơi này.
Luận chia sẻ TP.HCM có những văn hóa rất thú vị, trong đó có văn hóa cà phê. Người ta đi cà phê không chỉ để giải khát, mà còn để gặp gỡ, hàn huyên, hoặc đôi khi tự suy ngẫm đối thoại với chính mình. Luận bộc bạch: “Tôi mong những hình ảnh dễ thương nơi này có thể “chạm” vào tim mỗi người. Để hiểu rằng ta đang có thêm một ngày mới để yêu thương, sống tử tế với nhau”.
Thúy Hằng
Theo thanhnien.vn
Link nguồn: https://thanhnien.vn/gioi-tre/chang-trai-ke-chuyen-tu-te-1185697.html