10 câu chuyện sống đẹp dậy sống cộng đồng năm 2019
Anh ve chai ngày ngày nhặt đinh trên quốc lộ, cậu học sinh nhảy xuống sông cứu người hay anh nhân viên vệ sinh trả lại hàng nghìn đô cho khách… là những người dù chật vật mưu sinh vẫn cần mẫn gieo hạt mầm tử tế cho đời.
Dưới đây là 10 trong số rất nhiều câu chuyện sống đẹp đầy cảm động thu hút sự chú ý của bạn đọc Tuổi Trẻ Online suốt năm qua.
Trên đường đi phụ hồ về, nghe tiếng kêu cứu, Trần Văn Nam (học sinh lớp 10 thôn Cù Lạc 1, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lao xuống lặn tìm cậu bé chìm dưới đáy sông Son.
Người được cứu là bé Nguyễn Thái Hòa (trú cùng thôn) đi tắm sông cùng anh trai, bị đuối nước.
Sau khi lên bờ, Nam sơ cứu cho bé Hòa bằng những kiến thức học được trên truyền hình. Nhờ được cứu kịp thời, bé Hòa ngay hôm sau đã tỉnh lại và dần bình phục. Đến nay cậu bé kháu khỉnh đã vào lớp 1.
Nguyễn Văn Nam hiện là học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi. Nam kể nhà ở sát bờ sông Son nên em biết bơi từ nhỏ. Nhà nghèo, ba em vừa bị tai nạn nặng, không lao động được nên vừa nghỉ hè, Nam đi phụ hồ kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Tết là lúc người người mong đợi để trở về nhà sum họp. Nhưng có một người đàn ông lầm lũi dưới cái nắng gắt cùng chiếc xe đạp cũ, cục nam châm. Anh Nguyễn Văn Thành (quê Tây Ninh) dịp tết 2019 vẫn đi dọc quốc lộ 1, đoạn qua quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn… để thu những mảnh đinh sắc nhọn nằm trên đường.
Những ngày rong ruổi nhặt ve chai trên quốc lộ, thấy nhiều người bị dính đinh té xe trầy trụa, có người thiệt mạng, anh kiêm luôn việc thu gom đinh bẫy người đi đường. Dịp Tết, có ngày anh Thành thu được hơn nửa ký đinh.
Chọn về quê ăn Tết nhưng nghĩ đây cũng là dịp “đinh tặc” hoành hành nhiều, anh canh cánh trong lòng lại khăn gói lên Sài Gòn ra đường hút đinh. Đã nhiều mùa Tết trôi qua, anh chọn ở lại hút đinh rồi qua tết mới về thăm nhà.
Người thợ nề tốt bụng đó là anh Mai Xuân Hùng (38 tuổi, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Hình ảnh anh cặm cụi đục đẽo khối bêtông lúc 18h được đưa lên mạng nhận rất nhiều sự chia sẻ.
Anh Hùng là thợ nề, chuyên thi công đá hoa cương. Khi xong việc và trên đường về quê, kịp né khối bêtông lớn nằm trên đường phố Đà Nẵng, anh và đồng nghiệp chạy quá 500m rồi quyết định quay lại xử lý chướng ngại vật nguy hiểm này. Một người đứng ra làm dấu cho người đi đường, người kia đục suốt 20 phút mới xong.
Anh Nguyễn Ngọc Hiền (26 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) là nhân viên vệ sinh tại chung cư Đất Phương Nam đường Chu Văn An, (Q. Bình Thạnh, TP.HCM).
Trong lúc đi gom rác vào trưa 14-5 tại một căn hộ, anh nhặt được một xấp tiền. Anh Hiền liên hệ ban quản lý chung cư giao lại xấp tiền đôla Mỹ tổng trị giá 7.400 USD.
Ngay sau khi tiếp nhận số tiền từ anh Hiền, ban quản lý chung cư đã liên hệ tìm được chủ nhân là ông Artern (quốc tịch Ukraine) và trao trả cho người này.
Cuộc sống của Hiền vô cùng khó khăn. Ba Hiền qua đời sau cơn đột quỵ năm anh 11 tuổi. Gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, anh phải nghỉ học từ năm lớp 10 theo mẹ đi làm vệ sinh.
Chàng trai dọn vệ sinh với khuôn mặt khắc khổ, rụt rè kể: “Từ trước đến giờ, trong đời chưa bao giờ cầm trên tay số tiền lớn đến vậy. Khi nhặt được số tiền tay tôi run run, song tâm trí tôi không nghĩ ngợi gì hết, chỉ nghĩ rằng khổ chủ mất số tiền này cũng đau khổ lắm. Tôi nghĩ khi trả lại được số tiền này cho chính chủ của nó chắc họ vui lắm. Khi họ vui thì lòng tui cũng vui”, anh Hiền chia sẻ.
Trong một vụ tai nạn nghiêm trọng ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào giữa tháng 6, nhiều người ở bệnh viện Đa khoa tỉnh vô cùng xúc động khi chứng kiến một người lạ chăm nạn nhân như người thân.
Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong và 29 người bị thương. Trong đêm, xe chuyển bệnh nhân bị thương đến bệnh viện, nghe tiếng bệnh nhân khóc lóc, la hét, anh là Phạm Xuân Trường (35 tuổi) đang bán hàng gần đó đã chạy sang để giúp đỡ. Bác sĩ thấy anh chạy đôn chạy đáo chuyển bệnh nhân này chụp CT, lát sau thấy đóng viện phí, ký tên và cho bệnh nhân khác đi truyền máu… Bác sĩ hỏi “Người nhà bệnh nhân à?”, anh lắc đầu.
Gia đình nạn nhân ở xa, cách bệnh viện hơn 200km trong khi đường sá, xe cộ đi lại khó khăn. Khi biết người thân mình được anh giúp đỡ, họ đã nhận anh làm anh em kết nghĩa. Riêng anh Trường cảm thấy ấm lòng với tình cảm được nhận lại và cho rằng chuyện giúp đỡ là bình thường vì trong hoàn cảnh đó ai cũng làm như anh.
Đám cưới vào một ngày tháng 5-2019 là cái kết cổ tích cho chú rể Nguyễn Quốc Hoàng, 29 tuổi và cô dâu Phạm Nhữ Kiều Duyên, 25 tuổi ở Lâm Đồng.
Duyên từng là cô gái chọn đánh đổi hạnh phúc của mình để cứu lấy một đứa trẻ bị bỏ rơi. Cuối năm 2014, trong lần đi khám bệnh, Duyên biết một cô bé 14 tuổi đang muốn phá cái thai đã 6 tháng. Duyên thuyết phục cô gái cố gắng thêm 3 tháng nữa sinh ra, Duyên sẽ nhận nuôi đứa bé. Tháng 1-2015, em bé chào đời, Duyên mang về nhà nuôi luôn. Khi đó, Duyên mới kết hôn.
Hai tháng sau, Duyên mới biết đứa trẻ bị tim bẩm sinh. Rồi bác sĩ nói bé bị dị tật đường ruột do mẹ bé từng uống thuốc phá thai nhưng không phá được. Hai tuổi, bé lại phát hiện bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối.
Những ngày tháng sau đó, Duyên dành toàn bộ tiền bạc, thời gian để chữa bệnh cho con. Ban ngày đi làm, tối về Duyên thức đêm chăm con. Lần lượt tài sản của riêng mình, Duyên bán hết. Cô đã bán 7.000m2 đất gần nhà, bán luôn mảnh đất ở Di Linh (Lâm Đồng). Mâu thuẫn giữa Duyên và chồng từ đó nảy sinh. Cuối cùng, Duyên chọn cứu lấy đứa trẻ và chấp nhận đổ vỡ hôn nhân.
Để cứu đứa con không do mình sinh ra, người mẹ trẻ lặn lội từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, ra Hà Nội rồi vào lại Sài Gòn tìm cách chữa trị cho con. Đứa trẻ hồi sinh từng ngày.
Nhà văn nữ khuyết tật Trần Trà My hơn nửa năm qua vẫn miệt mài với dự án tặng sách Tin vào điều tử tế của cô đến bao phận người đang cố gắng vượt qua bóng tối ở trại giam.
Vượt qua nhiều thủ tục khó, cô gái méo mó, nói không tròn chữ đã thuyết phục và đưa được những cuốn sách với dòng chữ “tử tế” nhũ đỏ của mình đến trại giam.
Trà My đã gửi hàng chục thùng sách đến các trại giam khắp cả nước và đích thân đến giao lưu, gặp gỡ các phạm nhân trên đôi chân khó nhọc. Cũng từ những chia sẻ của cô, nhiều phạm nhân đã khóc, đã nhìn thấy được lỗi lầm của mình và nhìn về tương lai sáng hơn đầy hy vọng.
Việc làm tử tế của Trà My càng chứng minh thêm điều cô nói: “Mỗi người sống trên đời không có ai hoàn hảo. Ai cũng có khuyết điểm cần khắc phục, nhưng ai cũng có những giá trị riêng mình để cống hiến cho xã hội, cho cuộc đời bằng sự tử tế.
Anh Lê Xuân Huy, 37 tuổi, một tài xế xe buýt đã đánh lái húc ngã nhóm cướp xe máy tại khu vực dốc cầu Kênh Tẻ, quận 4, TP.HCM vào một ngày giữa tháng 7.
Khi thấy một cô gái vẫy tay chạy theo chiếc xe máy do nữ giới bên đường yếu ớt và hoảng loạn, bản năng từng bắt nhiều vụ cướp và móc túi, anh Huy quan sát thấy phía sau cô bé là một nam giới chạy xe máy kề theo. Linh tính bảo anh đây là nhóm cướp, nên sau khi quan sát trên đường, thấy vắng xe, anh Huy đánh lái ép người phụ nữ trên vào lề đường.
Anh Huy chia sẻ từ lúc chạy xe buýt tuyến 54 đã bắt nhiều vụ móc túi và cướp giật. Cũng vì lý do này, không ít lần anh bị đe dọa cắt cổ, dọa giết. Vợ anh từng rất lo, khóc lóc, trách móc anh làm việc “bao đồng” không nghĩ tới vợ con.
Anh Huy bảo rằng nghĩ làm việc tốt thì sẽ nhận lại nhân quả tốt và quả thực phép mầu đã đến với anh vào chiều tối ngay hôm đó. Sau thời điểm anh đánh lái giúp lấy lại xe cho cô gái bị cướp không lâu, con anh nuốt phải bóng đèn LED của chiếc điện thoại đồ chơi vẫn còn hai khoen sắt.
Tài xế xe ôm công nghệ Trần Văn Quý (32 tuổi) với chiếc biển chạy xe ôm miễn phí giúp người nghèo khiến nhiều người chứng kiến thấy ấm lòng.
Nhiều người gọi là “thằng hâm” nhưng bất kể nắng mưa, Qúy vẫn miệt mài chở miễn phí khắp các ngõ ngách Sài Gòn. Dòng chữ “Xe từ thiện chở học sinh, sinh viên, người tàn tật. 5km không thu phí” được dán gọn gàng khiến người đi đường không khó nhận ra anh.
Chàng trai quê Đồng Tháp ấy chỉ mới học hết lớp 8 thì phải nghỉ học lên Sài Gòn mưu sinh phụ cha mẹ nuôi các em đi học. Suốt mười mấy năm bôn ba, anh nhìn thấy quá nhiều mảnh đời bất hạnh, những người nghèo khó đến mức tiền đi xe ôm cũng không có mà đi. Nhiều lần, chứng kiến các cụ già vì tiếc tiền xe ôm phải đi bộ mấy km về nhà anh liền chở giúp. Từ đó, anh nung nấu ý tưởng chở miễn phí cho những ai cần.
Đến đầu năm 2018, anh Quí bén duyên với nghề chạy Grab. Cũng từ đây, anh có cơ hội thực hiện nguyện vọng của mình. Nhưng cũng chính tấm biển chở miễn phí người nghèo đó lại khiến anh mất kha khá khách. Nhiều người đã hủy chuyến vì không thích xe gắn biển miễn phí.
Anh Qúy không hề nản chí mà còn quyết tâm hơn đến các cổng bệnh viện thường xuyên với mong muốn sẽ gặp những người thực sự cần chuyến xe miễn phí của mình.