Những điểm sáng của thị trường sách và văn hóa đọc
Thị trường sách thời gian gần đây có sự phát triển ấn tượng. Ở khía cạnh văn hóa đọc, ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực.
Theo dõi tình hình thị trường sách và những hoạt động liên quan đến phát triển văn hóa đọc trong thời gian gần đây, chúng ta thấy xuất hiện những tín hiệu đáng mừng. Đó là những điển hình của sự phát triển đúng hướng. Những điểm sáng này cần được quan tâm ghi nhận và phát huy lan rộng.
Đưa sách đến tận tay bạn đọc ở các vùng miền xa
Về thị trường sách, thời gian gần đây có sự phát triển ấn tượng, đầy tính hiệu quả của việc lưu hành, mang sách đến tay bạn đọc của các mạng lưới phát hành sách điện tử của các công ty thương mại điện tử. Công ty cổ phần Phát hành Sách tỉnh Khánh Hòa, một đơn vị phát hành cấp tỉnh phát triển hệ thống chuỗi 9 cửa hàng sách về tận huyện thị và phường xã, đang ăn nên làm ra.
Chỉ thị 42 của Ban bí thư Trung ương, ngày 25/8/2004 chỉ rõ tại điều 2.4 và 3.5 của chỉ thị: Đến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm. Lập kế hoạch xây dựng các trung tâm sách ở các thành phố lớn, các khu vực trọng điểm, khôi phục và xây dựng mới hệ thống cửa hàng sách cấp huyện.
Gần 10 năm qua, khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, các đơn vị sách quốc doanh tại các tỉnh thành, quận huyện trên cả nước gần như mất dần. Những nơi này dần trở thành những điểm hoạt động lưu hành các sản phẩm văn hóa, hay các hoạt động khác không phải là sách nữa.
Trọng trách này giao cho Công ty Phát hành sách TP. HCM, dù rất nỗ lực để hình thành trên 110 cơ sở, và trải dài khắp các tỉnh thành, nhưng cũng chỉ đến được các trung tâm lớn, thành phố lớn của các tỉnh thành mà thôi.
Nay với sự tiến bộ của công nghệ với loại hình thương mại điện tử đã hình thành các đơn vị phát hành sách trên internet như Tiki, Fahasa, Lazada, Shopee… đưa sách đến tận tay bạn đọc không kể khoảng cách gần xa, đến tận các vùng miền xa xôi một cách thuận tiện nhất.
Việc duy trì, phát triển hoạt động của các cửa hàng truyền thống của Công ty Cổ phần sách Khánh Hòa với chuỗi 9 cửa hàng đưa về tới tận huyện, thị, phường xã là đơn vị phát hành sách hiếm hoi làm tốt công tác phát hành trong các tỉnh thành hiện nay.
Đây là những tín hiệu đáng mừng, nên có thể xem là những điển hình cho những phương thức phát hành sách mới phù hợp trong bối cảnh thực tế hiện nay. Các cơ quan ban ngành cần khảo sát, tổ chức hội thảo để đánh giá, tìm ra một mô hình, phương thức kết hợp để đúc kết, chỉ đạo, phát huy, làm cho sự nghiệp phát hành sách được tiếp tục phát triển bằng những phương thức thích hợp như các nơi đã làm tốt nêu trên.
Hình thành thói quen đọc sách trong cộng đồng
Về phát triển văn hóa đọc có nhiều điểm sáng trên cả nước, tuy nhiên thời gian gần đây có hai hoạt động đang phát triển tích cực. Đó là Ngày sách được tổ chức thường xuyên 5 năm vừa qua nhân Ngày sách Việt Nam 21/4 hàng năm của Tỉnh Gia Lai và Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động hơn 6 tháng qua.
Hai hoạt động trên, có thể xem như là một, mô hình Hội sách thực hiện liên tiếp nhân Ngày sách 21/4 hàng năm và một mô hình Đường sách cũng diễn ra thành công tại hai địa phương vùng cao nguyên. Các cơ quan quản lý, phát triển ngành sách nên cho khảo sát, tìm hiểu để rút ra bài học về phương thức chỉ đạo, phối hợp, kết nối giữa địa phương với nhau và với các đơn vị xuất bản trung ương, thành phố lớn… Tìm hiểu cách thức phát triển văn hóa đọc ở vùng cao nguyên này sẽ có cơ sở để cơ quan quản lý chỉ đạo nhân rộng cho các tỉnh thành khác.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Vụ thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) phối hợp tổ chức, đang ngày càng lan tỏa và thu được những kết quả tích cực trên phạm vi cả nước.
Ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân làm công việc thiện nguyện như tổ chức Room To Read, Tủ sách Nhân Ái, Chương trình Sách hóa nông thôn, Dự án Sách hay dành cho học sinh tiểu học, Sách truyền tay, Tủ sách Nghĩa Dũng… đã mang một lượng sách khổng lồ, với giá trị hàng chục tỷ đồng về tặng cho các em thiếu nhi ở những vùng sâu vùng xa, những vùng kinh tế còn khó khăn… Đặc biệt, các chương trình có sự tham gia của nhiều mạnh thường quân là doanh nhân, doanh nghiệp bảo trợ với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng.
Việc tạo dựng thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho trẻ từ trên ghế nhà trường diễn ra tại các trường tiểu học, THCS và PTTH tại Hà Nội, TP. HCM, cũng như một số tỉnh thành khác… đang có những tín hiệu rất tích cực. Hình thức sinh hoạt vô cùng phong phú với cách làm như sự tương tác qua sách trong việc dạy và học của thầy và trò, việc hình thành tiết đọc sách cố định trong khung giờ chính thức của thư viện, trong lớp học.
Ngoài ra, tại TP. HCM đã diễn ra các hội thảo tọa đàm về việc tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ, mở các lớp tập huấn cho giáo viên phương pháp giúp học sinh đọc sách hiệu quả… tạo được sự quan tâm rất lớn trong đội ngũ quản lý, thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.
Các hoạt động trên mới xuất hiện trong thời gian gần đây, nhưng có sức thu hút dư luận xã hội rất tốt, vì ở tại những nơi đó, nó thực sự góp phần tác động đến việc hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
4 điểm sáng trên cần được lãnh đạo các cơ quan chức năng quan tâm, tác động, tạo sự lan tỏa để từ những điểm sáng trong một vài địa phương như hiện nay, sẽ trải rộng khắp các tỉnh thành, cũng như đi vào hầu hết trường học để tạo ra một hiệu ứng rộng khắp, thực sự góp phần thúc đẩy mạnh mẽ và phát triển cho hoạt động văn hóa đọc tốt đẹp hơn.
Lê Hoàng/ Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Theo Zing.vn