fbpx

10 lời dặn quan trọng nhất cần nói với trẻ

So với việc cho con thừa kế tài sản, những lời khuyên dưới đây mới là món quà vô giá cha mẹ để lại, vì đó chính là tương lai của trẻ:

1. Đọc sách quan trọng hơn chơi game

Đối với đứa trẻ, việc đọc sách luôn khó khăn hơn là chơi game. Đọc sách chính là một quá trình rèn luyện. Còn game là sự hưởng thụ. Nhiều đứa trẻ có thể thiếu kiến thức xã hội, nhưng lại cực rành các game mới ra mắt.

Cha mẹ cần chỉ rõ con trả tiền để chơi game, nhưng trò chơi không trả tiền cho con. Con trả tiền để đọc sách, và rồi việc đọc sách sẽ “trả tiền” cho con trong tương lai. Lý do là tất cả những gì trẻ đọc được, chính là những kiến thức hữu dụng, là vũ khí con được trang bị trong cuộc sống.

Việc đọc là một hành trình dài mỏi mệt, nhưng nếu không dấn thân, con sẽ hối tiếc cả đời.

2. Ý kiến quan trọng hơn sự vâng lời

Trẻ cần nhớ: Cho dù người khác nói hay, nói tốt thế nào, thì những suy nghĩ của chính mình mới là quan trọng nhất.

Nhiều người có thể đặt câu hỏi là: “Trẻ em thì đã biết gì mà ý kiến, mà quan điểm cá nhân?”. Không phải vậy. Cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm rằng trẻ có thể xử lý các vấn đề trong cuộc sống của chúng, bao gồm các mối quan hệ với bạn bè, các vấn đề học tập.

Khi trẻ được trao quyền “đưa ra ý kiến”, trẻ sẽ dần trở nên thường xuyên lắng nghe những cảm xúc, suy nghĩ của trái tim mình. Trẻ trở nên có chính kiến, thay vì bảo gì nghe nấy. Hãy khuyến khích trẻ can đảm là chính mình, biết rõ điều mình muốn nói, và hiểu những gì bản thân mong muốn.

Trong cuốn sách “The Crowd: A Research of the Popular Mind“, tác giả Gustave Le Bon từng đề cập đến việc này. Tác giả nhận định: “Khi một người tham gia vào một nhóm, IQ của người đó bị giảm nghiêm trọng. Để được đón nhận, các cá nhân sẵn sàng từ bỏ đúng sai, từ bỏ việc sử dụng hiệu quả IQ cá nhân, để đổi lấy cảm giác hòa nhập, khiến họ cảm thấy an toàn”.

Rất nhiều người làm điều này, nhưng những đứa trẻ có ý tưởng thì không. Vì vậy, hãy để con bạn có tự do và can đảm để là chính mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

3. Hứng thú quan trọng hơn thành tích

Với trẻ em, điểm số là quan trọng, nhưng sở thích, đam mê quan trọng hơn. Khi còn thiếu niên, trẻ thích vui chơi, nghịch ngợm. Khi đã ở tuổi trung niên, người ta thích đọc sách. Đến tuổi già, hứng thú là thưởng trà. Bất cứ ở tuổi nào, mỗi người đều có những yêu thích riêng.

Bên cạnh đó, sở thích cũng cho thấy khuynh hướng thực sự của một người. Một người khi đã tập trung vào sở thích của mình trong một thời gian dài, tự nhiên sẽ xuất chúng hơn những người khác trong lĩnh vực đó. Đây chính là ý nghĩa của việc học, chứ không đơn thuần là thành tích thể hiện qua những con số. Vậy nên, điểm số không nên được sử dụng làm tiêu chí duy nhất để đánh giá chất lượng học.

4. Nhân phẩm giá trị hơn năng lực

Một người có thể không có năng lực, nhưng không thể không có nhân phẩm. Nếu không có nhân phẩm, người đó không thể nào được xã hội đón nhận và tồn tại, phát triển ở đó.

Cảnh sát Thượng Hải (Trung Quốc) gần đây bắt giữ một thạc sĩ xây dựng vì trốn vé tàu. Anh này trốn vé tổng cộng 480 lần trong thời gian kéo dài hơn một năm, số tiền khoảng 20.000 tệ (hơn 66 triệu đồng). Khi Dương bị bắt giữ, dư luận nhận xét: quả thực nhân cách kém cỏi, học vấn cao đến đâu cũng là vô dụng.

Người nghèo có thể cải trang thành giàu có. Nhưng người phẩm chất xấu không thể biến mình thành tốt, vì “cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra”.

5. Hạnh phúc quan trọng hơn là hoàn hảo

Ai cũng muốn có một cuộc đời hoàn hảo, nhưng sự thật là chẳng bao giờ có sự hoàn hảo thực sự. Tất cả chúng ta phải học cách bắt tay với cuộc sống. Cũng giống như dưới mặt trời cũng có bóng tối, cuộc sống không thể không tì vết. Thế nên, hạnh phúc quan trọng hơn là sự hoàn hảo mà mỗi người kiếm tìm.

6. Quá trình quan trọng hơn kết quả

Quá trình sống giá trị hơn rất nhiều so với kết quả. Người xưa nói: “Thành công là cả một quá trình, không phải là đích đến”.

Có một câu chuyện ngụ ngôn sau: Một thanh niên chẳng làm gì, mỗi ngày cứ ngồi thơ thẩn ở gốc cây, nhìn mọi thứ trôi qua. Một nhà thông thái đi qua hỏi anh ta: “Chàng trai trẻ, sao anh không kiếm tiền mà lãng phí thời gian thế?”. Anh nói: “Kiếm tiền rồi lại phải tiêu tiền, không phải là nhàm chán ư?”. Người thông thái lại hỏi: “Sao anh không kết hôn?”. Anh nói: “Rồi lại phải ly hôn ư, thật nhàm chán”. Người thông thái hỏi: “Sao không kết bạn?”. Anh nói: “Rồi bạn sẽ lại phụ mình, thật nhàm chán”.

Người đàn ông trao cho anh một sợi dây: “Sao anh không tự treo cổ đi, vì rồi đằng nào anh cũng phải chết. Tốt hơn là chết ngay bây giờ”. Anh nói: “Tôi không muốn chết”. Nhà thông thái mới nói: “Thế đấy, cuộc sống thì ai cũng biết kết quả cuối cùng. Nhưng sống là cả một quá trình, đâu phải chỉ là kết quả mà thôi”. Hiểu lời nhà thông thái, anh thanh niên đứng dậy, rời đi khỏi gốc cây.

Cuộc sống giống như một cuốn sách, mà ai cũng sẽ chọn đọc thứ tự từng chương, thay vì giở trang cuối để biết kết thúc. Cuộc sống giống như thế, nằm ở từng cánh hoa, từng khung cảnh, nụ cười. Hãy dừng lại và thưởng thức nó trong suốt cuộc đời mình.

7. Nhìn lại mình hơn là đi phán xét người khác

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Epicurus từng nói: “Biết sai lầm là bước đầu tiên trong việc dạy bản thân”. Con người ai cũng có lúc mắc sai lầm, nhưng điều khủng khiếp nhất chính là không nhận sai, sửa sai. Khi không biết cách nhìn lại bản thân, chúng ta sẽ đánh mất con người thật của mình. Phàn nàn không giúp giải quyết vấn đề, nhưng lòng biết ơn có thể giúp mọi thứ thay đổi.

8. Sức khỏe quan trọng hơn công việc

Đừng lấy sức khỏe ra đánh cược trong suốt đời mình. Bạn có thể có mọi thứ, nếu có sức khỏe trong tay. Nhưng chỉ một trận ốm suy nhược, một căn bệnh do làm quá sức, cuộc đời bạn có thể rẽ theo một hướng xấu.

9. Đức tin quan trọng hơn là sùng bái, tôn thờ

Nhiều người ngày nay tôn thờ các ngôi sao giải trí, trong đó người trẻ chiếm phần lớn. Không có chuyện đúng, sai trong việc này, bởi mỗi người đều có một nhiệt huyết, đam mê tuổi trẻ. Tuy nhiên thay vì mê cuồng sùng bái, theo đuổi các ngôi sao, cần tự hỏi rằng niềm tin của mình về đối tượng đó có tồn tại và có đúng chỗ hay không, đó mới thực sự quan trọng.

10. Hạnh phúc dài lâu quan trọng hơn là niềm vui nhất thời

Cuộc sống luôn là một hành trình dài trải nghiệm. Trước mắt bạn có thể là khó khăn, nhưng sau dư vị cay đắng, hẳn cuối cùng sẽ có ngọt ngào. Đời sống không phải lúc nào cũng luôn là những điều bản thân mong muốn. Nó có thể thậm chí là không công bằng, với vô số điều tồi tệ có thể đến. Nhưng chỉ cần bạn tin vào đích đến, có một ngày, bạn sẽ thực sự ở đó. Vì thế, đừng vội ngã lòng, hay chỉ vì niềm vui nhất thời mà buông bỏ hạnh phúc dài lâu.

Thùy Linh

Theo VnExpress/ Aboluowang

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/doi-song/10-loi-dan-quan-trong-nhat-can-noi-voi-tre-4034746.html

CÙNG CHUYÊN MỤC