Tính triết học của hình ảnh
“A photograph shouldn’t be just a picture, it should be a philosophy.” — Amit Kalantri
Khi xem nhiếp ảnh như một bộ môn nghệ thuật, thì tự thân nhiếp ảnh có ngôn ngữ riêng của mình trong việc chuyển tải thông điệp đến cộng đồng. Và những thông điệp ấy, ngôn ngữ ấy sẽ chỉ có giá trị với cộng đồng, khi nó có được “khởi điểm” từ cộng đồng, từ xã hội…
Người ta nói đến tính triết học của hình ảnh, chính là để nói đến “khả năng truyền tiếp được những vấn đề của nhân sinh, xuyên qua cú pháp riêng của hình ảnh”. Trong mỗi nhà nhiếp ảnh đều có ẩn tàng “một triết gia” bên trong, và khi nhận diện được những “vấn đề” mang được đặc điểm nhận diện nào đó, có thể sẽ được cộng đồng tiếp nhận theo một định nghĩa mới nào đó…
Cũng là những chất liệu sống “bình thường mà mọi người đều nhận biết”, nhà nhiếp ảnh đã “thoáng nhận biết” được một yếu tố nào đó có thể là quan thiết đến đời sống, đến nhân sinh, mà ở góc nhìn bình thường dễ bị bỏ qua, hay lướt vội… Và nhà nhiếp ảnh đã chuyển tải “yếu tố không bình thường này” đến người xem, xuyên qua cấu trúc nhiếp ảnh. Đôi khi “chất khác thường kia cũng chẳng mới gì”, nhưng do bị lãng quên khá lâu, thì việc nhắc lại, cũng có thể được xem như là một yếu tố mới.
Nhiếp ảnh gia Trung Thu