fbpx

Vì sao gốm Chăm xứng tầm di sản nhân loại?

Đây là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra khi biết tin gốm Chăm – mà chủ đạo là gốm Bàu Trúc – đang được đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Không phải để trả lời câu hỏi trên, mà là để nhìn vào bên trọng diện mạo của gốm Chăm, Nét Quảng trân trọng giới thiệu góc nhìn của nhà thơ Tuệ Nguyên, một người Chăm có để tâm đến gốm Bàu Trúc.

Làng Bàu Trúc (tiếng Chăm gọi là palei Hamu Craok) thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Được xem là một trong làng gốm lâu đời nhất còn lại của nghề gốm Đông Nam Á. Nghề gốm Bàu Trúc được gìn giữ nhờ truyền đời qua các thế hệ.

Tổ nghề

Tương truyền, vị tổ nghề gốm của làng Bàu Trúc được Po Klaong Can từ thời Po Klaong Giray (khoảng cuối thế kỷ 12-13) truyền dạy. Có lẽ do thời cuộc, do chiến tranh và những cuộc di tản, do xa rời bến cảng Champa xưa để giao thương nên những kỹ thuật làm gốm, thành phẩm không có bước tiến. Bàu Trúc vẫn giữ nguyên nét cổ truyền của nghề gốm.

Lối vào làng Bàu Trúc ngày nay. Ảnh: TL

Vì vậy mà, Bàu Trúc giá trị nhất về kỹ thuật cổ xưa còn lưu giữ. Nó không hẳn vì không biết kỹ thuật bàn xoay, mà như một bản năng hoặc quan điểm nghề, nên sống và tồn tại như vậy.

Chất đất và hình thức nung phù hợp với nó cũng là trường hợp đặc biệt. Tiếp theo là tạo tác và tạo hình đậm tính đời sống, như thuở đầu các hàng hóa vốn gắn với đời sống.

Gốm Chăm bây giờ khá đa dạng sản phẩm

Gốm Bàu Trúc được làm từ chất liệu đất sét dẻo, mịn, có độ kết dính cao và đặc biệt là phải đủ độ tuổi. Hiện nay nguồn đất sét này được lấy từ bờ sông Quao ở tỉnh Ninh Thuận.

Làm gốm, nhưng không dùng bàn xoay. Ảnh: TL

6 công đoạn cơ bản

Về cơ bản thành phẩm gốm Bàu Trúc được tạo tác qua 6 công đoạn sau:

1. Xử lý đất: Đất sét được mang về đập nhỏ, phơi khô, ngâm nước cho rã ra. Trộn đất sét với cát và nước theo tỷ lệ tùy theo mẫu, tùy theo tay nghề từng nghệ nhân. Sau nhào trộn cho đều, nhuyễn. Công đoạn này rất quan trọng để thành phẩm khi nung không tạo lỗ, nứt, nổ vỡ làm hỏng thành phẩm.

2. Tạo hình: Tùy mẫu mã, tùy vào bàn tay khéo léo, tinh xảo của từng nghệ nhân mà cách tạo hình làm nên giá trị riêng của thành phẩm. Điều lạ là các nghệ nhân ở đây không dùng bàn xoay, họ xoay chuyển mình quanh sản phẩm. Chính điều này tạo nên sự khác biệt và giá trị của thành phẩm gốm Bàu Trúc, nhất là các thành phẩm về nghệ thuật đã tạo cho từng thành phẩm trở thành độc nhất. Chẳng có thành phẩm nào giống thành phẩm nào, dù cùng một mẫu.

3. Xử lý bề mặt và trang trí: Làm bề mặt thành phẩm bóng láng hoặc thô ráp, trang trí gốm theo các họa tiết được khách yêu cầu hoặc theo cách nghĩ của từng nghệ nhân. Ban đầu các nghệ nhân ở đây hay dùng vải cuộn nhúng chút nước để chà láng mặt gốm; để trang trí họ hay dùng đến que, vỏ sò, lược chải, các vật dụng phù hợp để tạo hoa văn, họa tiết trên bề mặt gốm.

4. Chỉnh sửa: Gốm được để khô sẽ se lại, lúc này các nghệ nhân chỉnh sửa lại hình dáng cho chuẩn trước khi phơi khô và nung.

5. Phơi khô và nung: Các mẫu làm xong đợi phơi khô sau đó mới nung. Gốm Bàu Trúc nung ở ngoài trời, thoáng khí. Chất liệu nung thường là rơm, củi, trấu…, với nhiệt độ dao động từ 800-900 độ C. Gốm được nung khoảng 4-6 giờ đồng hồ.

Nung gốm lộ thiên. Ảnh: TL

Gần đây gốm nhà Ciet và vài nghệ nhân Bàu Trúc kết hợp với một nghệ nhân gốm cổ truyền Thái Lan qua tạo ra một lò nung chỉ bằng cách đào lỗ rảnh nhỏ và xếp gạch để nung thử gốm Bàu Trúc, kết quả khá ổn. Hiện nay các cơ sở gốm ở đây cũng đang bắt đầu tìm hướng khác để nung: lò nung trong xưởng được ưu tiên nhiều hơn. Vì nung ở ngoài trời phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nhất là mùa mưa.

6. Tạo sắc màu cho bề mặt gốm, chống thấm.

Màu thô đặc trưng của gốm Bàu Trúc là đỏ nâu, tùy vào chất đốt sẽ cho vết loang nâu đen. Ngoài ra để tạo sắc màu cho bề mặt gốm, người làng cũng dùng đến chất nhuộm màu được chiết xuất từ thực vật như: cây thị, cây dông, nhựa hạt điều…

Gốm Chăm vẫn giữ được hầu hết các công đoạn thủ công. Ảnh: TL

Tùy chất liệu đốt thành phẩm của gốm sẽ cho vết loang của sắc màu khác nhau. Qua các thử nghiệm của các nghệ nhân họ nhận thấy màu sắc mộc của gốm phụ thuộc vào nhiệt độ nung (trường hợp nung trong lò). Điều này cho ta thấy một yếu tố quan trọng là do các hợp chất trong đất sét mang về và cả tỷ lệ trộn.

Một sản phẩm gia dụng thường gặp

Chống thấm: Trước kia có kỹ thuật chống cho các thành phẩm đựng nước hoặc nấu ăn, chất chống thấm chủ yếu bằng mủ hoặc chất chiết xuất từ thực vật. Hiện nay, công nghệ chống thấm mới tiện nghi hơn nên nhiều doanh nghiệp đã áp dụng và mỗi vị đều có phương pháp riêng.

Câu chuyện thành phẩm

Thuở trước, các thành phẩm gốm Bàu Trúc chỉ trao đổi, buôn bán phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt của người dân quanh vùng, nên mẫu mã cũng đơn giản như lu đựng nước, tráp đựng gạo, chum đựng các vật dụng, nồi, niêu, ấm để đun nấu. Đặc biệt các mặt hàng như lò than, lò củi, lò bánh xèo, bánh căn được thấy nhiều ở Ninh Thuận và vài tỉnh thành miền trung.

Một sản phẩm đậm chất trang trí, nghệ thuật, nên hiếm gặp

Trước thập niên 1990 của thế kỷ trước chúng ta sẽ thấy nhiều bà mẹ Chăm còn đội gốm đi bán dạo ở các làng Chăm, làng Kinh xung quanh. Chính nhờ phẩm luôn được người dân sử dụng nên ngành nghề gốm Bàu Trúc vẫn tồn tại đến ngày nay. Và hiện giờ những thành phẩm này vẫn bán khá chạy.

Mô phỏng tượng thần

Sau này, ngoài các mặt hàng truyền thống cho sinh hoạt, các nghệ nhân chế tác các mẫu như bình, lọ, lồng đèn, áp treo, tượng đến các mẫu tâm linh, phong thủy như mô phỏng tượng thần, phù điêu, tiểu cảnh… để trang trí nhà cửa, quán cà phê, khách sạn. Truyền thông nhất là mạng văn hóa và du lịch đã để lại dấu ấn cho du khách về một làng nghề Chăm còn tồn tại, về nét văn hóa riêng biệt của dân tộc Chăm.

Bày bán, tiếp thị và truyền thông vẫn là khâu còn khá yếu kém của gốm Chăm. Ảnh: TL

Xét về mặt bằng chung, hiện nay gốm Bàu Trúc tụt quá xa so với các làng gốm nổi danh khác như Bát Tràng, Bình Dương, Chu Đậu… về mẫu mã, về kỹ nghệ, về kiểu hình trang trí, về kỹ thuật sản xuất và đặc biệt là truyền thông. Chính những yếu tố đó nên sự lan tỏa, sức cạnh tranh khi ra ngoài thị trường của gốm Bàu Trúc có vẻ rất non!

Khi giá thành phẩm quá rẻ, nhiều người chỉ xem gốm là một ngành nghề tay trái để giữ truyền thống làng nghề! Còn ai, chắc chỉ có các nghệ nhân, chính họ mới là nhân tố quan trọng nhất để tìm tòi và phát triển nghề gốm Bàu Trúc. Giá trị của các thành phẩm gốm chính là bàn tay và khối óc của các nghệ nhân, người thổi hồn vào đất để tạo tác giá trị.

Vậy hướng đi tương lai cho làng gốm Bàu Trúc? Một làng nghề sẽ phát triển như thế nào nếu không có nét đặc trưng? Việc cải tiến các công đoạn có làm mất đi bản sắc gốm bản xứ? Và đặc biệt đâu là thị trường tiêu thụ?

Không! Bản sắc chẳng thể trơ lỳ, nhìn phi-thời, trong khi xu thế thời đại đang thay đổi. Và cũng lại là nghệ nhân, chính họ phải vác mang khuôn mặt mới của làng nghề.

Tuệ Nguyên

Theo Nét Quảng

CÙNG CHUYÊN MỤC