fbpx

Vì sao có thể xem Bhutan là hình mẫu về zero waste? 

Làm thế nào một sự kiện môi trường có thể tổ chức đều đặn hàng tháng và thu hút nhiều người dân tham gia làm điều tốt cho môi trường? Bạn có thể tìm thấy câu trả lời ở Bhutan.

Vào năm 2020, Bhutan được ghi nhận là “quốc gia duy nhất không âm carbon trên thế giới”. Điều này có nghĩa là nước này đang loại bỏ nhiều khí nhà kính khỏi bầu khí quyển hơn là lượng khí thải ra. Tuy nhiên, những nỗ lực bảo vệ môi trường của Bhutan không dừng lại ở đó. 

Trong thời điểm diễn ra “Giờ không rác thải”, người dân có quyền làm điều gì đó đơn giản như dọn sạch rác thải xung quanh họ

Mục tiêu “xã hội không chất thải trước năm 2030”

Mặc dù lượng dân số chưa đầy 1 triệu người của Bhutan cho phép lượng khí thải carbon thấp hơn, nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến nước này phát thải thấp. Một điều khoản trong Hiến pháp của Bhutan ghi rằng tối thiểu 60% diện tích đất phải được rừng che phủ. 

Từ năm 2019, Hoàng gia Bhutan đã khởi động dự án “Giờ không chất thải” để tiến tới có một “xã hội không chất thải trước năm 2030”. Sáng kiến ​​này cho thấy Bhutan tiếp tục là một hình mẫu về một quốc gia thân thiện với môi trường. Theo đó, Bhutan dành ngày 2 hàng tháng cho “Giờ không chất thải”. Trong khoảnh khắc này, tất cả mọi người trên khắp đất nước, cho dù họ đang ở trường học hay nơi làm việc, phải làm sạch môi trường xung quanh. Sáng kiến ​​này nhằm thúc đẩy người dân tham gia vào các hành động nhỏ, thiết thực với môi trường.

Đáng lưu ý, sự kiện này được tổ chức đều đặn mỗi tháng nhưng không mang tính hình thức. Bộ Văn hóa làm việc với các quận huyện và nhiều nhóm, tổ chức phi lợi nhuận… để duy trì sự kiện. Mỗi khu vực sẽ nộp một báo cáo hàng năm để đảm bảo “Giờ không chất thải” có sự tham gia của nhiều người dân và có hiệu quả.

Các hoạt động bảo vệ môi trường, nhặt rác nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng

Khuyến khích người dân không lãng phí

Trong thời điểm diễn ra sự kiện, người dân có quyền làm điều gì đó đơn giản như làm sạch môi trường xung quanh họ trong một giờ mỗi tháng.

Mặt khác, Bhutan cũng có cách tiếp cận độc đáo đối với các chính sách tập trung vào hạnh phúc của công dân. Trong khi hầu hết các quốc gia chú trọng vào chỉ số GDP, Hoàng gia Bhutan áp dụng khái niệm Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) bao gồm điều khoản bảo tồn môi trường. Phương pháp này cho thấy việc cải thiện môi trường trở thành một ưu tiên ở Bhutan.

Bên cạnh “Giờ không chất thải”, Bhutan còn có chiến dịch khuyến khích người dân không lãng phí đồ đạc, thực phẩm và biết cách quản lý chất thải. Do chính phủ cung cấp điện cho người dân sử dụng miễn phí, người dân không phải sử dụng các nguồn năng lượng chất đốt cũ như than, củi gây hại đến môi trường.

Chính quyền Bhutan cũng xây dựng một dự án giúp người dân thay thế các loại phương tiện giao thông cũ kỹ. Những chiếc xe buýt và xe hơi điện cũng dần được đưa vào sử dụng với các trạm sạc điện được lắp đặt ở nhiều tuyến đường trong thành phố.

Thiệu Kiệt

(theo Dezeen)

CÙNG CHUYÊN MỤC