Túi da mắc tiền giờ đã có phiên bản sợi nấm
Hãng thời trang cao cấp của Pháp được ghi nhận hợp tác với công ty vật liệu sinh học MycoWorks để mô phỏng lại chiếc túi xách Victoria bằng chất liệu da thay thế được trồng từ sợi nấm mycelium, có khả năng phân hủy sinh học khi bị bỏ đi.
Chiếc túi này sẽ có mặt trên thị trường từ cuối năm nay và có màu hổ phách làm từ sợi nấm.
Những tấm “da” từ sợi nấm được các nhà xưởng của Hermès ở Pháp hoàn thiện để chúng trông giống như da thật, tái tạo vẻ ngoài và cảm giác của da động vật từ nếp nhăn cho đến dải màu tinh tế.

Giải pháp thay thế khả thi cho da động vật
Chất liệu giả da từ thực vật này được đặt tên là Sylvania, đủ tiêu chuẩn sử dụng trong một sản phẩm mang tính xa xỉ lâu nay được biết đến là sản xuất từ da động vật cao cấp.
Với việc tung ra chiếc túi Victoria mới, Hermès tham gia cùng các hãng thời trang lớn khác trong cuộc đua tìm kiếm một giải pháp thay thế khả thi, đảm bảo không dùng chất liệu nhựa để thay thế da động vật, do những lo ngại về môi trường và đạo đức ngày càng gia tăng.
Hồi cuối năm ngoái, Adidas, Stella McCartney, Lululemon và công ty mẹ của Gucci là Kering, thông báo rằng họ đang đầu tư vào một chất liệu thay thế dựa trên sợi nấm khác có tên là Mylo. Những dòng sản phẩm đầu tiên được làm từ chất liệu này dự kiến được tung ra thị trường ngay trong năm nay.
Bền đẹp như da thật và có khả năng phân hủy sinh học
Sợi nấm đã được xác nhận là chất liệu khả thi mà các công ty vật liệu sinh học sẽ đẩy mạnh nghiên cứu trong tương lai, do cấu trúc của nó có thể được phát triển để đáp ứng hầu hết mọi hình dạng, kiểu dáng mà nhà thiết kế mong muốn.
Đại diện MycoWorks cho biết thêm, không giống như các loại da làm từ sợi nấm khác, chất liệu do họ tạo ra không cần phải nén để đạt được độ bền và hoàn thiện đồng nhất. Sợi nấm được trồng trong khay với quy trình lên men độc đáo cho phép chúng phát triển thành một cấu trúc dày đặc, đan xen, đồng nhất và có độ bền, đẹp như da thật một cách tự nhiên.
Chất liệu Sylvania là minh chứng cho thấy công nghệ sinh học có thể kết hợp với các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới để tạo ra một loại vật liệu với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất và các nhà thiết kế đã có thể nghĩ đến chuyện bỏ qua da động vật.
Chất liệu giả da cao cấp cũng được ghi nhận là kết quả của một tầm nhìn chung để phát triển các vật liệu mới mang tính bền vững hơn cho môi trường.
Đáng lưu ý, đây là vật liệu thuần chay, có thể phân hủy sinh học và có lượng khí thải carbon thấp hơn so với quy trình sản xuất da động vật, mặc dù các công ty công nghệ sinh học chưa tiết lộ cụ thể các thông số liên quan đến chất liệu mới.
Thiệu Kiệt
(theo GreenQueen)