Tự nhiên phải trả giá đắt cho những tấm ảnh đẹp của con người
Du khách thường rất thích cho động vật hoang dã ăn và chụp ảnh cùng. Thế nhưng, các nhà khoa học cảnh báo, những hành động này có thể ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe, tập tính và môi trường sống của các loài động vật.
Mất gần ba tháng, cuối cùng Jody Pinder đã thành công trong việc huấn luyện những con rùa biển xanh có nguy cơ tuyệt chủng (vốn thường nhút nhát, chỉ ăn cỏ biển và tảo) đến nhận những con mực mà ông và các công ty lữ hành địa phương khác cung cấp tại cảng Bottom ở Bahamas.
Ông Pinder nói: “Nếu bạn không cho chúng ăn, chúng sẽ không đến đủ gần để bạn nhìn thấy và chụp ảnh”. Trước đại dịch, ông Pinder và những người khác đã bán trải nghiệm phiêu lưu này cho một lượng khách du lịch đáng kể. Ngày này qua ngày khác, các con thuyền đổ về bến cảng Bottom. Khách du lịch nhảy xuống vùng nước nông màu ngọc lam, cầm những miếng mực trên tay hoặc trên những xiên gỗ. Bầy rùa sẽ đến lấy thức ăn, còn du khách chụp ảnh khoe trên Instagram.
Phương pháp này gọi là “tập quen mồi” và đó là một bữa ăn dễ dàng cho các sinh vật có vỏ. Tuy nhiên, các nhà sinh học bảo tồn bày tỏ mối quan ngại về ý nghĩa của nguồn thực phẩm này đối với sức khỏe thể chất và hành vi tự nhiên của không chỉ rùa mà cả các sinh vật biển khác, từ cá nhỏ ở rạn san hô đến cá mập khổng lồ. Owen O’Shea, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Đại dương ở Bahamas, nhận xét: “Tình huống này là một trong những thách thức lớn nhất trong khoa học bảo tồn”. Nhiều chuyên gia cho rằng, ở môi trường biển, các hoạt động cho ăn như vậy thường được quản lý kém, gây rủi ro cho các loài động vật hoang dã vốn đang bị suy giảm số lượng.
Cái giá cho “bữa ăn miễn phí”
Không có gì ngạc nhiên khi ngành du lịch hết lần này đến lần khác tìm cách “dụ dỗ” động vật hoang dã. Mark Orams, giáo sư về du lịch và giải trí biển tại Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), cho biết: “Từ quan điểm thương mại, điều mà du lịch động vật hoang dã cần là bán trải nghiệm, nơi du khách có thể nhìn thấy hoặc tương tác với các loài động vật hoang dã một cách đáng tin cậy. Cộng đồng địa phương và nền kinh tế ở nhiều quốc gia chắc chắn hưởng lợi từ hoạt động du lịch động vật hoang dã có sử dụng mồi nhử. Thế nhưng, hầu hết các nhà sinh học bảo tồn đều đồng ý rằng loại thức ăn này sẽ gây nguy hiểm đối với sức khỏe và sự an toàn của động vật hoang dã”.
Trong môi trường biển, hành động cho ăn sẽ đẩy nhiều cá thể hay quần thể động vật lại gần nhau. Valeria Senigaglia, một nhà sinh vật học biển tại Đại học Murdoch của Úc, giải thích: “Đột nhiên một loài động vật rất độc lập và đơn độc tiếp xúc gần với những loài khác, nghĩa là chúng dễ bị nhiễm ký sinh trùng hoặc virus hơn”.
Cách làm này cũng khuyến khích động vật hoang dã ăn thường xuyên thay vì gián đoạn, đôi khi khiến chúng lơ là nhiệm vụ theo dõi, săn bắt con mồi. Mặt khác, bản chất hung hăng và nỗi sợ hãi đối với con người dần mất đi; điều này có thể gây nguy hiểm cho động vật.
Đôi lúc, luật pháp quốc gia hoặc địa phương cấm con người cho động vật hoang dã ăn. Ví dụ ở Mỹ, việc cho động vật có vú ở biển ăn là hành vi quấy rối theo Đạo luật Bảo vệ Động vật có vú biển năm 1972. Nhưng, thói quen cho cá heo ăn bất hợp pháp của những người đi thuyền, du lịch giải trí và dân địa phương ở vịnh Sarasota, Florida, phần nào chỉ ra thách thức đối với việc thực thi pháp luật.
Tại Philippines – nơi thu hút hơn tám triệu khách du lịch mỗi năm trước đại dịch – luật pháp cấm cho cá mập voi ăn. Song, luật pháp đôi khi mâu thuẫn với các quy tắc phúc lợi động vật hoang dã địa phương, vốn chỉ nghiêm cấm hành vi quấy rối mà không đề cập cụ thể đến việc cho ăn.
Những vết sẹo từ nguy cơ tiếp xúc gần với con người
Dân làng ở Tan-awan, trên đảo Cebu ở Philippines, quản lý điểm du lịch cá mập voi lớn nhất thế giới. Trải nghiệm cho loài động vật đang bị đe dọa toàn cầu này ăn bằng tay là trọng tâm của hoạt động du lịch.
Cá mập voi ở đây vốn không tụ tập gần bờ biển cho đến năm 2011. Các ngư dân địa phương có thể đã truyền cảm hứng cho các nhà điều hành tour sử dụng tôm để dụ những gã khổng lồ dưới nước này tìm đến vùng nước nông.
Kể từ đó, ngành công nghiệp cho cá mập ăn đã phát triển vượt bậc. Chính quyền địa phương tạo ra một địa điểm tương tác cách bờ khoảng 50m, rộng gần 12 sân bóng đá, có dây kẽm vây quanh, nơi ngư dân cho cá mập voi ăn và du khách bơi hoặc lặn để chụp ảnh “tự sướng” với cá, miễn sao tuân thủ quy định: không dùng thuyền có động cơ và chỉ những ngư dân được chỉ định mới có thể cho bầy cá ăn mỗi sáng, trong ranh giới được đánh dấu.
Ngoài ra, còn có giới hạn về số lượng người tương tác và khoảng cách họ có thể tiếp cận cá mập voi. Việc chạm vào hoặc cưỡi cá bị cấm và thời gian mỗi du khách được ở trong khu vực chỉ 30 phút. Thế nhưng, có một cái giá mà nhiều con cá mập voi phải trả.
Viện Nghiên cứu động vật có xương sống ở đại dương của Philippines đã tìm thấy những vết sẹo trên 144/152 con cá mập voi mà họ chụp ảnh trong giai đoạn 2012-2015 gần Tan-awan, có thể do tiếp xúc với dây thừng, thuyền nhỏ hoặc chân vịt. Tại địa điểm tương tác, họ phát hiện một số con cá mập voi sống ở vùng nước ấm trên bề mặt lâu hơn sáu lần so với bình thường và lặn sâu hơn vào cuối buổi cho ăn, có thể là để hạ nhiệt – một hành vi dễ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của chúng.
Ngoài ra, bất chấp nhiều quy tắc, các nhà nghiên cứu quan sát thấy nhiều du khách vẫn đến quá gần cá mập voi. Một số thậm chí còn chạm vào chúng.
Chấn chỉnh ngay từ lúc manh nha
Tại một số địa điểm du lịch, các cơ quan chính phủ và các tổ chức bảo tồn đã làm việc cùng nhau để chấm dứt việc tập cho động vật “quen mồi”.
Tại vịnh Laganas ngoài khơi đảo Zakynthos của Hy Lạp vài năm trước, những người điều hành tàu du lịch địa phương đã ném cà chua, cam và các loại trái cây, rau quả khác xuống vùng nước xanh lấp lánh để dụ những con rùa loggerhead nổi lên mặt nước.
Bà Panagiota Theodorou, điều phối viên bảo tồn tại Archelon, Hiệp hội Bảo vệ rùa biển ở Hy Lạp, cho biết: “Điều này hoàn toàn không phù hợp vì sau đó động vật bắt đầu hung dữ với con người”. Bà Theodorou và các đồng nghiệp đã làm việc với lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương để nâng cao nhận thức về vấn đề này giữa các công ty lữ hành và khách du lịch. Họ đã viết thư và phát hành các bản tin để giải thích những mặt trái của việc cho ăn. Lực lượng bảo vệ bờ biển cũng đưa ra những cảnh báo nghiêm ngặt đối với các công ty du lịch. Việc “huấn luyện” dường như đã ngừng vào năm 2018.
Trở lại Bahamas, Tiến sĩ O’Shea và Fee Smulders, một nghiên cứu sinh ngành sinh thái biển tại Đại học Wageningen, Hà Lan, quan sát thấy những con rùa xanh được đề cập cũng tỏ ra hung dữ với nhau khi tranh giành thức ăn. Smulders nói: “Nếu mật độ rùa tăng cao, một ngày nào đó, cá mập có thể xuất hiện. Điều đó sẽ gây nguy hiểm cho khách du lịch”.
Nếu không có quy định, việc “tập quen mồi” có thể sẽ kéo dài. Ông Pinder nói nếu số lượng rùa suy giảm, ông sẽ xem xét lại. Còn hiện tại, những sai lệch trong hành vi của rùa tự nhiên dường như vô nghĩa đối với người dân.
Ngọc Hạ
Theo phunuonline.com.vn/ NY Times
Link nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/tu-nhien-phai-tra-gia-dat-cho-nhung-tam-anh-dep-cua-con-nguoi-a1437378.html