Tìm thấy hóa thạch loài tê giác trong hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Hội Khảo cổ học Việt Nam xác nhận 3 mẫu vật hóa thạch trong một hang đá ở xã Thượng Hóa (thuộc địa phận Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) là hóa thạch của loài tê giác Rhinoceros siensis.
Đây là phát hiện quý giá để Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) khẳng định thêm về sự đa dạng sinh học của vườn trong lịch sử và hiện đại.
Ngày 4/10, ông Đinh Huy Trí, phó giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cho biết số hóa thạch này, gồm 2 chiếc răng cỡ lớn và một đoạn xương hàm còn có 4 chiếc răng, được hai người Rục (ngụ ở bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa) phát hiện trong một hang đá. Hang đá này rộng chỉ 2m, cao 15m và sâu 20m, cuối hang có một vũng nước ngầm.
Số mẫu vật hóa thạch này được vườn đề nghị Hội Khảo cổ học Việt Nam giám định và đã cho biết thuộc loài tê giác, có niên đại vài chục vạn năm. Trong đó, đoạn xương hàm là mẫu vật vô cùng quý giá.
Dự kiến trong tháng 10 này, Hội Khảo cổ học Việt Nam sẽ tiến hành khảo cổ trong hang động này để tìm thêm các hóa thạch khác.
Lam Giang
Theo Tuổi Trẻ Online