Tìm giải pháp đột phá xử lý nước thải
Xử lý nước thải chỉ đạt 13,2%
Hiện tại, trên địa bàn TPHCM có 2 nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động, gồm Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng công suất 141.000m3/ngày và Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 46.000m3/ngày. Tỷ lệ xử lý nước thải đô thị của thành phố hiện chỉ đạt 13,2% tổng lượng nước sinh hoạt.
Ngoài 2 nhà máy trên, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát hiện đã và đang từng bước đưa vào vận hành xử lý khoảng 10.000 – 15.000m3/ngày đêm trong tổng công suất giai đoạn 1 là 131.000m3/ngày đêm. Đây là dự án xử lý nước thải đầu tiên trên cả nước xử lý nước thải đạt loại A trước khi thải ra môi trường, đồng thời cũng là nhà máy duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này sử dụng hệ thống pin năng lượng Mặt trời để hoạt động.
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền (chủ đầu tư) cho biết, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát được xây dựng với công nghệ hiện đại, trong một khuôn viên xanh, sạch, không có mùi và không ảnh hưởng cuộc sống người dân trong khu vực. Tổng diện tích xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy rộng 2,3ha, ít hơn so với Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có công suất 141.000m3/ngày đêm rộng gần 14ha.
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, để trở thành đơn vị xử lý nước thải đầu tiên tại TPHCM cũng như trên cả nước xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam loại A, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát đã sử dụng công nghệ xử lý sinh học SBR cải tiến là công nghệ bùn hoạt tính tuần hoàn dạng mẻ nhằm tăng cường xử lý nitơ, phốt pho bên cạnh xử lý các chất hữu cơ có trong nước thải.
Nước thải sau khi xử lý được khử trùng bằng tia cực tím đảm bảo an toàn môi trường, được tái sử dụng trong sinh hoạt và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà máy. Với công suất 250.000m3/ngày, khi đi vào hoạt động sẽ xử lý nước thải lưu vực Tham Lương – Bến Cát gồm quận Gò Vấp, một phần quận Bình Thạnh và quận 12, với dân số khoảng 700.000 người vào năm 2025 nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước vệ sinh môi trường, nâng cao điều kiện sống cho người dân trong khu vực.
Bên cạnh nhà máy trên, TP.HCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè, có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới 450 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng của thành phố. Dự án sau khi hoàn thành đưa vào vận hành sẽ xử lý nước thải đạt công suất 480.000m3/ngày đêm.
Cần thu hút đầu tư
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên cơ sở quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, các sở ngành liên quan tại TP.HCM đã và đang khẩn trương rà soát quỹ đất, cắm ranh mốc tại các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị theo quy hoạch. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương và chủ đầu tư các dự án để đẩy nhanh tiến trình thực hiện dự án…
Thành phố đang kêu gọi đầu tư xây dựng tổng cộng 12 nhà máy xử lý nước thải, quyết tâm đến năm 2025 đạt mục tiêu theo quy hoạch với tổng lượng nước thải cần xử lý khoảng 3 triệu m3/ngày.
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM kêu gọi nguồn vốn ODA và các nhà đầu tư trong nước thực hiện một số dự án phục vụ xử lý nước thải tại các lưu vực thuộc khu vực phía Tây thành phố.
Cụ thể, các dự án mời gọi đầu tư gồm Nhà máy Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày; Nhà máy Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Nhà máy Xử lý nước thải Bình Tân) công suất 180.000m3/ngày.
Song song đó, Sở Xây dựng sẽ tập trung điều chỉnh các nhà máy Tây Sài Gòn (công suất 150.000m3/ngày), Tân Hóa Lò Gốm (công suất 300.000m3/ngày), Bình Tân (công suất 180.000m3/ngày) thành 1 nhà máy tại Bình Hưng Hòa để đầu tư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lĩnh vực xử lý nước thải, để thực hiện được mục tiêu trên, thành phố cần có cơ chế đột phá đủ mạnh mới thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Công Thành, cố vấn kỹ thuật của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), cho rằng, thời gian qua giới đầu tư tư nhân chưa mặn mà với thị trường xử lý nước thải là do khả năng thu hồi vốn đầu tư thấp. Trong khi đó, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải yêu cầu kinh phí cao và liên tục. Do đó, cần có những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về đất, bù giá về vốn đầu tư cho các dự án.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Công, chuyên gia về xử lý nước thải, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cũng cho rằng: Nếu không có chính sách, cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách đang thay đổi, thì câu chuyện không có vốn, không có nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung và phi tập trung sẽ còn kéo dài.
Để giải quyết vấn đề này, nhất thiết phải có cơ chế, chính sách khuyến khích trong việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải trong tình hình nguồn vốn ngân sách còn hạn chế.
Mới đây, TP.HCM ban hành lộ trình thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước sinh hoạt. Theo đó, từ năm 2022 giá nước sinh hoạt tăng 15%, mỗi năm tiếp theo tăng thêm 5%. Mục đích của nguồn thu này nhằm tái đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. |