fbpx

Tiến sĩ mù cải thiện đời sống người mù bằng công nghệ

Bị mù từ tuổi 14, TS Chieko Asakawa đã dành trọn ba thập kỷ qua để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, giúp đổi đời những người mất thị lực.

Ứng dụng Home Page Reader do TS mù Chieko Asakawa sáng chế, đã giúp những người mù lướt web, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Ứng dụng Home Page Reader do TS mù Chieko Asakawa sáng chế, đã giúp những người mù lướt web, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Các sáng chế Asakawa đã tác động đến hàng triệu người trên thế giới. Là nhà khoa học máy tính gốc Osaka, bà là một trong số 19 nhà sáng chế được giới thiệu vào cơ quan National Inventors Hall of Fame của Mỹ tại Washington hồi tháng 5. “Đó là một vinh dự lớn, một vinh dự bất ngờ đầy kinh ngạc. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sáng chế của mình có thể được thừa nhận theo cách đó. Tôi hy vọng phần thưởng sẽ mở rộng các khả năng và ứng dụng tiếp cận nghiên cứu và công nghệ”, Asakawa, giáo sư viện Robotic của đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, nói.

Sáng chế mang tính đột phá Home Page Reader của bà, được phát triển vào năm 1997, đầu tiên bằng tiếng Nhật và sau này bằng nhiều thứ tiếng khác. Nó trở thành hệ thống web-speech (trang web nói) được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. “Tôi cực kỳ muốn giúp người mù truy cập vào internet, và tôi tìm ra cách để làm cho trang web thành giọng nói tổng hợp, đơn giản hoá đáng kể giao diện người dùng”, bà nói.

Asakawa, 60 tuổi, chưa bao giờ theo đuổi một sự nghiệp khoa học, nhưng bị lôi cuốn vào bởi tiềm năng mà công nghệ đổi đời cho nhiều người. Hồi nhỏ, bà luôn mơ ước trở thành vận động viên Olympic, nhưng sau khi bị thương tổn mắt trái do va vào cạnh hồ bơi lúc 11 tuổi, bà bắt đầu mất thị lực. 14 tuổi, bà bị mù. Asakawa nhớ lại bà phải khổ sở thế nào khi phải nhờ hai anh trai đọc sách giáo khoa thật lớn để bà chuyển chúng thành chữ nổi. “Thiệt khổ và chẳng vui, vì tôi chỉ muốn tự chủ. Tôi rất lo lắng cho tương lai của mình, vì không biết một người mù có thể làm được gì. Không có công nghệ, công việc dành cho người mù thực sự hạn chế”, nhà khoa học này nói.Năm 2013, bà được Chính phủ Nhật Bản tặng huân chương Dải Băng Tím.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn học Anh tại đại học Otemon Gakuin của Osaka năm 1982, Asakawa bắt đầu theo học khoá lập trình máy tính dành cho người mù trong hai năm. Sau đó bà làm nhà nghiên cứu bán thời gian cho IBM tại Tokyo, ở đó bước đột phá đầu tiên của bà vào nghiên cứu tiếp cận đã có một tác động lớn đối với sự nghiệp của bà.Bà vào làm chính thức cho hãng máy tính khổng lồ vào năm 1985. “Tôi thực sự may mắn. Họ đang tìm một nhà nghiên cứu phát triển một hệ thống chuyển đổi tiếng Anh sang chữ nổi. Điều đó làm thay đổi cuộc đời tôi hoàn toàn”, bà nói. Thuở đó, Asakawa là nhà nghiên cứu khiếm thị duy nhất trong một phòng lab với một vài nhà nữ khoa học.

Các nỗ lực nghiên cứu ban đầu của Asakawa đem lại cho người mù dùng internet ở Nhật tiếp cận nhiều thông tin ngoài sức tưởng tượng của họ. Các phát triển tiên phong của bà gồm một bộ xử lý từ dành cho các tài liệu bằng chữ nổi, và sau đó là một trình duyệt Netscape bổ trợ chuyển đổi văn bản thành tiếng và trở thành một sản phẩm của IBM vào năm 1997. Trở thành Fellow của IBM, một chức vụ danh dự cao nhất dành cho nhân viên năm 2009, bà tin rằng các công ty công nghệ ngày càng ý thức đến tầm quan trọng của sự đa dạng hơn khi lần đầu tiên bà bước vào ngành. “Khi tôi phát triển ứng dụng Home Page Reader, những người quanh tôi không có ý tưởng về trang web có thể được đọc hoặc hiểu bằng giọng nói. Nhưng là một nhà nghiên cứu mù, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng trang web sẽ trở thành một loại mới về tài nguyên thông tin dành cho chúng tôi, và tôi có thể thuyết phục những người khác”, bà nói.

Nhờ vào những thành tựu nghiên cứu của Asakawa, những người tật nguyền có đầy cơ hội để chia sẻ câu chuyện của họ, đồng thời các thành tựu đó cũng tác động đến những phát triển công nghệ mới. Bà nói: “Tôi tin rằng chúng ta có thể vượt qua tật nguyền trong tương lai, nhưng cuộc cách mạng sẽ từng bước”.

Dự án mới nhất của bà là tạo ra một robot điều hướng trọng lượng nhẹ có tên là “AI suitcase” (vali AI). Nó sẽ hướng dẫn một người mù qua các phi trường, cung cấp thông tin cập nhật các chuyến bay và đổi cổng, cảnh báo chủ vali xách vali lên khi đến gần cầu thang.

Khởi Thức
Theo Thế Giới Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC