Thành phố Thủ Đức sẽ là khu vực khác biệt và đáng sống
TP.HCM sẽ lấy ý kiến người dân về việc thành lập thành phố (TP) Thủ Đức. Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết khi trao đổi với VietNamNet về tương lai TP này.
Ông Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh, khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông chính là cơ sở để thành lập TP Thủ Đức – như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nói.
Nơi đây sẽ là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của TP và là khu vực dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và hợp tác phát triển.
Việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Bản thân ba quận này đã có sẵn các nền tảng mang tầm TP và khu vực, để hình thành các trọng điểm của TP.HCM.
Cụ thể, khu đô thị mới Thủ Thiêm: Phát triển trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số của TP.HCM.
Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc: Phát triển thành trung tâm thể thao, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan.
Khu công nghệ cao: Phát triển các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm, sản xuất mẫu thử, sản xuất sản phẩm sáng tạo công nghệ cao.
Khu ĐHQG TP.HCM: Phát triển dịch vụ học tập và đào tạo, hợp tác quốc tế, không gian sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, vườn ươm khởi nghiệp.
Khu đô thị mới Tam Đa: Phát triển công nghệ nhà ở thích ứng môi trường, năng lượng tái tạo, nông trại cao tầng, đa dạng sinh học…
Khu đô thị Trường Thọ: Xây dựng một hình mẫu về đô thị tương lai để sống, làm việc và nghỉ ngơi với sự thử nghiệm hạ tầng cơ sở lý tưởng; quản lý đô thị bằng công nghệ và dữ liệu chung, thích nghi biến đổi khí hậu, ứng dụng sáng tạo vào các ngành nghệ thuật, giải trí; công nghệ xây dựng và vật liệu sinh thái.
Không đơn giản là việc gom ba quận
Các khu vực trọng điểm như ông vừa nói đã đủ yếu tố để hình thành nên một TP trong tương lai?
Để xây dựng đề án thành lập một thành phố, mà cụ thể là TP Thủ Đức phải có đầy đủ các yếu tố – chứ không đơn giản là việc gom ba quận lại rồi thay đổi cái tên.
Nhìn lại thì có thể thấy, ba quận nói trên là ba trung tâm lớn của TP.HCM, dân số cộng lại đã bằng một tỉnh lớn.
Các trọng điểm như tôi kể trên là những trọng điểm mang tầm thành phố; chúng ta có khu ĐHQG tập trung, kết nối với các trường ĐH lân cận, tạo nên một khu giáo dục chất lượng cao; khu thể thao có sân vận động Rạch Chiếc mang tầm khu vực.
Các khu trọng điểm như Thủ Thiêm, khu công nghệ cao… đã vượt tầm quy mô quận, huyện. Nếu để nằm riêng trên địa bàn ba quận, việc quản lý sẽ quá nặng nề với TP.HCM. Do đó, phải thành lập TP Thủ Đức để các trọng điểm này có thể kết nối với nhau, tương tác với nhau về không gian, hoạt động và về phương thức quản lý… Để từ đó, phát huy hết tiềm năng của những trọng điểm sẵn có.
Còn về Trung tâm hành chính, ý tưởng quy hoạch của đề án đã đề xuất chọn Khu đô thị Trường Thọ như đã nói trên. Đây chính là khu đô thị hình mẫu và đáng sống trong tương lai tại TP Thủ Đức…
Vì sao đề án lại chọn Trường Thọ (quận Thủ Đức) làm khu đô thị trung tâm TP Thủ Đức, lựa chọn này dựa trên những yếu tố nào, thưa ông?
Đây hoàn toàn dựa trên ý tưởng của nhà thiết kế đoạt giải cuộc thi, họ làm một cách độc lập, Hội đồng quốc tế đánh giá cao toàn diện các giải pháp, ý tưởng của họ.
TP không đưa ra yêu cầu nào phải chọn Trường Thọ hay những địa điểm cụ thể nào.
Từ ý tưởng của nhà thiết kế được cụ thể hóa bằng cách điều chỉnh quy hoạch. Qua rà soát pháp lý, đất đai… thì các hoạt động kho bãi ở đó không còn phù hợp, TP đã có quy hoạch di dời ra những địa điểm thuận tiện hơn.
Sự khác biệt căn bản của TP Thủ Đức so với các khu vực còn lại của TP.HCM là gì, thưa ông?
Rõ ràng như tôi phân tích ở trên, chỉ riêng trọng điểm khu vực Trường Thọ thì có thể minh chứng cho một đô thị sáng tạo và TP Thủ Đức sẽ là bước tiến lớn, khác biệt lớn có tính toán, chứ không phải là làm cho có.
Khu ĐHQG là trọng tâm tri thức và chất xám. Ở đây khác là gì, khi chúng ta có hạ tầng kết nối, có đô thị tương tác cao, có 5g, 4g… thì sự tương tác được thực thi hiệu quả hơn. Những công trình nghiên cứu từ khu ĐHQG sẽ không nằm trên giấy mà đưa vào thực nghiệm tại Khu công nghệ cao, sau đó thương mại hóa vào đô thị Thủ Thiêm…
Trung ương rất ủng hộ
TP Thủ Đức trong tương lai muốn phát triển bền vững thì phải giải quyết được các vấn nạn như ô nhiễm, ngập nước, kẹt xe… mà TP.HCM đang phải đối mặt hiện nay, giải pháp cho những vấn đề này được tính toán ra sao?
Yếu tố bền vững thì còn rất dài, ở đây mình chỉ đặt ra các tiêu chuẩn như: hạ tầng, không gian sống phải như thế nào… Ba yếu tố, môi trường, kinh tế và thích ứng nâng lên sẽ tạo ra sự phát triển bền vững.
Trong TP Thủ Đức, các chỉ tiêu nói trên được nâng lên cao hơn theo hướng nhìn xa, bền vững về môi trường.
Khi chúng ta đặt ra các chỉ tiêu bền vững thì có thể giải quyết được các vấn nạn hiện nay.
Ví dụ như xây dựng hệ sinh thái xanh, giao thông xanh sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; quy hoạch đường xá rộng rãi, với hơn 50% phương tiện giao thông công cộng, điều khiển bằng các mô hình, trung tâm giao thông thông minh sẽ giải quyết vấn nạn kẹt xe; về ngập nước, TP Thủ Đức có quy hoạch khu ngập nước để điều tiết tự nhiên…
Nói chung, TP Thủ Đức sẽ trở thành một TP tiên tiến về hạ tầng xã hội, có các khu tương tác thông minh, sáng tạo để phát huy hết tiềm năng sẵn có.
Ông có thể cho biết sau khi xem xét đề án hình thành TP Thủ Đức, Trung ương lưu ý những vấn đề lớn nào?
Đây là mô hình lạ, tinh thần là Trung ương rất ủng hộ, sẵn sàng lắng nghe. Đã có nhiều cuộc họp và góp ý rất chân tình, chứ không phải chỉ là những tràng vỗ tay.
Các bộ, ngành góp ý, đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa mà đôi khi rất khó giải quyết, cho thấy đấy là sự quan tâm thực chất và ủng hộ một cách thực tiễn.
Trung ương cũng đồng ý đề án TP Thủ Đức là động lực mới, động lực mạnh mẽ để phát huy hết tiềm năng của khu Đông nói riêng và TP.HCM nói chung.
Hồ Văn (thực hiện)
Theo vietnamnet.vn
Link nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tp-thu-duc-se-la-khu-vuc-khac-biet-va-dang-song-675020.html