Tài xế giúp sinh viên “mở chân trời mới”
Những câu chuyện đầy nghị lực, vượt qua khó nghèo học giỏi, nhưng lại chông chênh trước giảng đường đại học… luôn được tài xế Trần Anh Vũ (43 tuổi, TP Quảng Ngãi) ghi chép trong hành trình mỗi ngày của mình.
10 năm qua, anh Vũ thầm lặng kết nối những tân sinh viên khó khăn đến với học bổng Tiếp sức đến trường.
Chắp nối những vụn vặt
10h trưa 24/8, sau khi kết thúc công việc, anh Vũ đến điểm hẹn dẫn phóng viên Tuổi Trẻ đi xác minh trường hợp của tân sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM Đào Thị Ngọc Hồng. Trên đường từ TP Quảng Ngãi về xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành), anh Vũ kể sơ qua hoàn cảnh của Hồng: “Ba Hồng chạy thận chục năm rồi, con bé phải làm thêm và cố gắng nhiều lắm, nay đậu ĐH nhưng khó tứ bề. Anh em vào nhà sẽ rõ“.
Hồng là sinh viên nộp hồ sơ nhập học muộn nhất tại Quảng Ngãi đợt tiếp sức này và anh Vũ chính là người lên tận nhà khảo sát và đến chính quyền xã Hành Thịnh ký giấy xác nhận hoàn cảnh, làm tất cả thủ tục của Hồng và mang hồ sơ xuống Tỉnh đoàn Quảng Ngãi nộp khi cô gái đầy nghị lực đã tự vay tiền vào TP.HCM nhập học. “Bốn hôm trước, tôi nghe bạn kể hoàn cảnh của Hồng, tôi hỏi địa chỉ rồi tìm đến làm thủ tục. Thư đề đạt nguyện vọng, tôi nói bé Hồng bổ sung sau” – anh Vũ nói.
Chiếc xe dừng lại trước căn nhà nhỏ nhìn thẳng về núi Đình Cương. Ông Thưởng, cha Hồng, bước ra niềm nở chào anh Vũ. Chạy thận lâu ngày, tay ông Thưởng chai vênh nổi từng cục to dọc cánh tay, sức khỏe ông yếu ớt, hơi thở khó nhọc, chục năm rồi ông chẳng kiếm được đồng tiền nào. Cái quán hớt tóc ngày xưa từng giúp ông nuôi sống gia đình lâu ngày không đụng đến đã hỏng phần mái, dụng cụ hoen gỉ.
“Tôi không giúp được gì, đi học nó tự mượn tiền hết. May sao anh Vũ tìm đến giúp đỡ, hôm qua nghe anh điện báo hồ sơ bé được chọn rồi, tôi mừng lắm. Cảm ơn anh Vũ nhiều” – ông Thưởng chia sẻ.
Gần như các hoàn cảnh anh Vũ giới thiệu đến báo Tuổi Trẻ từ năm 2008 đến nay đều được chọn, chỉ duy nhất một hồ sơ “lọt sàn”. Anh Vũ bảo có duyên với học bổng Tiếp sức đến trường nhờ việc chắp nối những vụn vặt của cuộc sống. Lần đầu anh giới thiệu tân sinh viên cho học bổng Tiếp sức đến trường là con một góa phụ ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Anh Vũ không nhớ tên tuổi cụ thể nhưng nhà vẫn nhớ chính xác.
“Hôm đó tôi đi làm, ngồi uống cà phê ven đường thấy một cô bé đi ngang qua, tay quệt nước mắt. Tôi tò mò hỏi chị chủ quán thì biết bé đậu ĐH nhưng nhà nghèo quá, mẹ không cho đi học. Thế là tôi nhờ chị chủ quán dẫn vào nhà, xem xét xong tôi giới thiệu cho báo Tuổi Trẻ. Phải nói học bổng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời con bé, giờ ra trường đi làm rồi, lương khá lắm. Hôm trước tôi đi qua thấy căn nhà dột nát hồi đó đã được sửa sang” – anh Vũ chia sẻ.
Chở yêu thương trên những chuyến xe
Những tân sinh viên hụt hơi, không biết vào giảng đường bằng cách nào được anh Vũ giúp đỡ qua mỗi năm lại nhiều thêm. Trong số đó có người anh chẳng thể nhớ tên, cũng có người lại tường tận vì hoàn cảnh cực kỳ bi thương và nghị lực vươn lên tuyệt vời.
Như cô sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng tên Ly, hiện bước vào năm ba. Anh Vũ bảo cả đời chẳng thể quên, bởi trong một ngày anh gặp Ly làm đến ba công việc khác nhau. Buổi sáng phụ quán cà phê, trưa đã thấy bưng cơm, tối thấy cầm vé số đi bán. Đó là những ngày Ly cố hết sức để có tiền đóng học phí nhập học.
Anh Vũ biết Ly tình cờ, vậy mà anh lại quan tâm hỏi han rồi sau đó lên tận nhà tìm hiểu. Hóa ra bao nhiêu năm qua Ly thay người cha đã mất gánh vác gia đình, vừa học vừa làm thuê kiếm tiền chăm sóc người mẹ cụt chân, lại bệnh tật. “Tôi quý nghị lực phi thường của Ly, đến giờ con bé vẫn đi học và làm thêm nuôi mẹ” – anh Vũ trải lòng.
Tài xế Trần Anh Vũ giờ được nhiều người biết đến. Kênh thông tin tân sinh viên khó khăn bạn bè gọi đến giúp anh có cơ hội làm cầu nối đến học bổng nhiều hơn. Nhưng anh Vũ bảo rằng đôi khi cũng nhọc sức bởi nhiều hồ sơ gửi đến, đọc thấy bi thương, khi tìm hiểu thì khác hoàn toàn. Từ ngày có duyên với học bổng Tiếp sức đến trường, anh Vũ luôn đến tận nhà tìm hiểu cặn kẽ, khi thông tin rõ ràng mới tiến hành giới thiệu.
“Tôi không muốn học bổng trao nhầm người. Đó là lý do trước khi mang hồ sơ đi nộp tôi phải tìm hiểu từ hàng xóm đến chính quyền địa phương và cuộc sống thực tại gia đình các sinh viên” – anh Vũ nói.
Anh Vũ tận tâm, hết mình và đầy trách nhiệm đồng nghĩa với thời gian dành cho gia đình hạn hẹp hơn. Thế nhưng anh bảo thấy mình may mắn. Vợ anh cũng chẳng khi nào phàn nàn việc anh bỏ thời gian lo chuyện thiên hạ, ngược lại còn ủng hộ chồng. Đó là động lực lớn để anh Vũ “chở yêu thương” trên những chuyến xe của mình trong 10 năm qua.
“Tôi thấy mình may mắn” Hạnh phúc lớn nhất người tài xế này nhận được cũng giản dị như suy nghĩ của anh, nhiều lần đi làm ghé ngang những “ngôi nhà cũ”, hỏi thăm cô cậu sinh viên khó nhọc ngày đó giờ thế nào và nhận được tin tốt lành. Cả ngày đó anh Vũ bảo không cần ăn cơm cũng no. Niềm vui khiến con người ta có niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn. “Tôi quá may mắn bởi đó cũng là câu chuyện để tôi kể cho con mình nghe, các cháu cũng vì thế mà thấy mình đủ đầy, chăm lo học tập. Ở cuộc sống này, giúp người cũng chính là giúp mình. Ít nhất cũng khiến cho tâm hồn thanh thản vì không vô cảm trước những bất hạnh của cuộc đời” – anh Vũ cười hiền. |
Trần Mai
Theo Tuổi Trẻ Online