Sống bên những dòng kênh khô
Sau vụ lúa Đông Xuân, kênh Trùm Thuật ở xã Khánh Hải (Trần Văn Thời, Cà Mau) nhiều đoạn đã trơ đáy, những khúc còn lại thì đục ngầu vì nước rút tới lớp bùn đen.
Lê Văn Vàng (37 tuổi, ở xã Khánh Hải) làm nghề bốc lúa, kiêm tài công chở lúa bằng đường sông cho thương lái từ các xã Khánh Hải, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây đến nơi khác bán đã 15 năm.
Chừng này năm ngoái, những chiếc thuyền còn chở những bao lúa xanh, vàng, đỏ, êm ru nối đuôi nhau thong thả như bầy trâu nước. Còn bây giờ, quanh các khúc kênh nước đã rút xuống thấp, có đoạn chỉ còn dưới một mét, ghe xuồng cứ như bầy cá mắc cạn.
Giữa trưa nắng trên 35 độ C, Vàng khởi động máy từ chiếc ghe chở đầy ắp lúa. Chân vịt máy vừa quăng xuống kênh, độ 5 phút đã phải kéo lên gỡ rác. Các túi nylon, bao tải, dây thừng vốn nằm dày đặc dưới lòng kênh lâu nay, phát lộ khi kênh khô cạn, trở thành nỗi ám ảnh của người đi ghe xuồng.
Nửa giờ sau khi nổ máy, liên tục vục chân vịt xuống nước, xới tung bùn lên, thuyền của Vàng mới đi được vài chục mét. Đoạn kênh này còn gần chục cây số nữa mới tới đường lớn, để chuyển lúa đến địa điểm tập kết mới.
Nhưng “tài công” không phải là công việc chính của Vàng trong mùa thu hoạch này. Những dòng kênh khô cạn là khởi nguồn của việc ra đời một nghề mới: nghề “ship” lúa bằng xe máy.
Những “shipper bất đắc dĩ” chính là những người nông dân đã xong vụ mùa, làm thêm cho thương lái để kiếm thu nhập, nhưng chủ yếu là những người làm nghề bốc vác, tài công chở lúa như Vàng “kiêm nhiệm”.
Đội shipper của Vàng có 10 người, anh cùng các thành viên khác phải làm việc từ 7h đến 21h mới về đến nhà, thay vì làm theo giờ hành chính như các năm trước.
Quy trình chở lúa các năm là neo thuyền đến điểm tập kết gần kênh, gác một tấm ván làm cầu, rồi vác lúa từ điểm tập kết xuống. Năm nay, những phu bốc vác kiêm shipper này phải bỏ sức ra gấp ba lần. Đầu tiên là chở lúa qua những con đường đan nhỏ, đến đoạn kênh nào thuyền còn neo được, sau đó mới bốc lúa xuống thuyền, rồi chạy ra lộ lớn để đến điểm tập kết, bốc lên xe tải.
Để chuẩn bị cho một ngày làm việc, các thành viên trong đội ship lúa của Vàng phải đổ đầy bình xăng, rồi dự phòng thêm hai can nhựa vắt hai bên xe. Họ chia ra hai tốp, một tốp bốc lúa lên xe, một tốp ship lúa rồi thay phiên nhau cho đỡ nhọc.
Sau khi chất đầy một bao lúa 50 kg ở ba ga trước, hai bao lúa 50 kg mỗi bao ở yên sau, chiếc xe nặng đến 150 kg chưa kể người. Cột xong dây cao su, các shipper lên ga phóng đi trên những con lộ “xịt khói đen” và những cây cầu cong vút bắc qua kênh rạch.
“Một ngày té bao nhiêu lần?” – “Nhóc (nhiều)“, Vàng trả lời với cái cười lạc quan, rồi khoe chiếc quần bị lủng lỗ chỗ. Hôm ấy, ba shipper trong đội của Vàng té cùng một chỗ. Họ gom lại những đống lúa vung vãi, cột lại miệng bao rồi tiếp tục phóng đi trên con lộ bêtông. Những hôm khác, mỗi khi thấy xe chở lúa bị ngã, người dân ở gần đó chạy tới xắn tay giúp các shipper.
Cao Văn Quang, người thuê đội shipper này đã làm nghề buôn lúa 15 năm. Lê Văn Vàng là người gắn bó nhất với anh. Để tập hợp một đội làm việc ổn định như này không hề dễ. Quang luôn giúp đỡ Vàng những lúc khó khăn, có thể là mua cho nhà Vàng một chiếc tivi mới, hay cho anh mượn tiền cho con đóng học phí.
Các anh em khác cũng là người cùng ấp, cùng xã hay “anh em góp” trong hành trình Quang đi mua lúa. Phần lớn họ chỉ “mần thuê kiếm sống”, không có của để dành nên “ngày nào xào ngày đó”. Sau khi trừ tiền cơm nước, nhậu lai rai, Quang trả công cho đội shipper mỗi người 200-600 nghìn đồng tùy lúc lúa ít hay nhiều.
Khi thuyền chở lúa còn đi được khắp các kênh rạch, một chuyến ghe của Quang (Vàng làm tài công) có thể chở đến 100 tấn. Còn bây giờ một xe tải chỉ chở được khoảng 20 tấn, giảm gấp 5 lần.
Những chiếc xe tải chở lúa, chỉ có thể chờ ở những con lộ lớn, chưa bị sụp lún. Vì chỉ trong vài tháng, đường xã Khánh Hải đã bị lở 164 điểm với tổng chiều dài hơn 4 km.
Những con lộ giao thông nông thôn đều bị giăng dây, cắm biển đỏ: “Đường nguy hiểm do sụp lún, sạt lở”. Quang nhẩm tính, vụ này chi phí chở lúa tăng đến ba lần.
Chi phí chở lúa tăng, lái buôn như Quang thường bị mang tiếng là “ép giá nông dân”. Nhưng ông Nguyễn Ngọc Hưng (60 tuổi), chủ 6 công lúa, vừa bán cho Quang thì hiểu cảm thông.
Ông Hưng nói, năm nay lúa đang làm đòng thì bắt đầu “đói nước”, nên chất lượng và năng suất đều giảm, chỉ được 72 bao. Những năm trước, một công thu hoạch được 40 giạ lúa thì năm nay chỉ còn 30 giạ. Giá lúa giảm từ 5.000 đồng xuống 4.800 đồng một kg.
Ngược lại với giá lúa, thu nhập của Vàng và những shipper khác không giảm, thậm chí còn tăng lên vì phải làm thêm ca tối. Nhưng khi nhảy lên chiếc cân, Vàng mới thấy anh chỉ còn 59 kg, sút 4 kg so với đầu tháng. Nhẩm ra, cứ một tuần vác lúa Vàng sút một kg.
Vàng cao gần 1,8 m, vốn đã gầy gò lỏng chỏng, giờ lại “ròm” thêm vì vác lúa. Nhưng trên vai anh, không chỉ là bao lúa nặng 50 kg, mà còn có cha già, vợ và hai con nhỏ.
Ở nhà, vợ của Vàng đang phơi lúa thuê. Chị cứ đinh ninh rằng chồng chỉ làm tài công chứ không vác lúa, vì “cái giò của ảnh bị gãy hai năm trước khi làm phụ hồ”. “Vàng dễ thương lắm, việc gì cũng làm để kiếm tiền nuôi vợ con. Em ở nhà phơi lúa, làm cá, cắt cỏ mướn để phụ ảnh“.
Những ngày ấy, Vàng thường về khuya. Về nhà là không ăn cơm nổi, chui vô mùng 5 phút đã ngáy khò khò. “Hai đứa con quý cha lắm, thường hỏi bao giờ cha về“. Có lần mẹ bảo 20h cha về mà chờ mãi không thấy cha đâu, chúng trách mẹ nói dối.
Rồi sáng sớm, sau một giấc “ngủ không biết trời đất”, Vàng lại bắt đầu một ngày mới khi hai đứa con còn chưa thức dậy.
Căn nhà Vàng đang ở là của Tím, anh ruột Vàng nhường lại nhà cho em khi lên Bình Dương làm mướn. Vàng và vợ đang dành dụm những đồng tiền làm mướn để mua đất xây một căn nhà mới.
Giá đất thì cao, cơm áo gạo tiền xoay vòng cũng thấm mệt, và còn thêm tiền thuốc than cho người cha bị bệnh phổi, nên Vàng tính thế thôi chứ không biết bao giờ mới xây được nhà.
Xã Khánh Hải của Vàng vừa là điểm nóng của khô hạn, vừa là nơi “báo động đỏ” về sụp lún. Nhưng nơi này không phải là địa phương duy nhất chịu ảnh hưởng của thiên tai kép, khi từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 1.140 vụ sụp lún, tổng chiều dài hơn 25.000 m. Trong đó, bảy vị trí sụp lún trên những tuyến đường lớn do tỉnh quản lý, 1.136 điểm trên đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 24.700 m. Nặng nhất là đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc, đường đê biển Tây.
Chị Lê Thị Sáu (47 tuổi), nhà cách kênh Trùm Thuật vài trăm mét. Tưởng đã yên tâm khi cất nhà phía trong con lộ bêtông nông thôn gần kênh, nhưng sụp lún khiến con đường phía trước nhà chị thành một con dốc gấp khúc. Đất lở ngay bên hông làm cho căn nhà vốn đã tạm bợ lại càng chông chênh.
Chị Sáu quê ở Phụng Hiệp, Hậu Giang, người chồng đầu đã mất vì bệnh tật. Chị về đây theo người chồng thứ hai đã 5 năm. Vợ chồng chỉ cất được căn nhà nhỏ như một cái lán, bằng gỗ bạch đàn và dừa, với “tổng đầu tư” 10 triệu đồng.
Chồng mới của chị làm nghề “đi bạn” (đi biển thuê) xa bờ, chung thuyền còn có con trai riêng của chị. Mỗi chuyến đi dài đằng đẵng, phải ba trăng (ba tháng) họ mới vào.
Đợt Tết, chồng và con trai chị Sáu sắm một chiếc xe máy cũ, giá 2 triệu đồng, để khi thuyền xuất phát thì chở nhau ra bến gửi đó, chờ về bờ thì lấy xe về nhà cho tiện, khỏi tốn tiền xe ôm.
Chị Sáu chưa biết đi xe máy, nên tính đợt này sẽ tập lái luôn. Chẳng ngờ, chưa kịp tập chạy thì con lộ trước nhà đã sụp. Từ hôm đường khoét hàm ếch, nhà chênh vênh bên đất lở, chị Sáu không đêm nào ngủ đủ giấc, nhất là những đêm giông gió, vì sợ sập lúc nào không hay.
Con đường bị lở trước nhà dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười. Rất nhiều người đi qua té ngã vì nó quá dốc, nhất là phụ nữ. Bị viêm khớp, nhưng chị Sáu không thể đứng yên khi có người nhờ đẩy xe từ phía dưới dốc lên, hay kéo khi xe chạy từ trên dốc xuống.
Trương Công Bảo, cháu chồng được chị Sáu nuôi khi cha mẹ đi làm xa, thì hay nghịch ngợm cùng lũ trẻ khác trên cái dốc này. Chúng chơi trò chạy nhảy, trèo lên trượt xuống khiến người lớn phải vừa la vừa canh chừng.
Đêm nào chị Sáu cũng nhẩm ngày đếm trăng, đã hai con trăng rồi, còn một con trăng nữa là chồng chị về.
Những ngày đó, lãnh đạo UBND xã Khánh Hải mỗi ngày đều nhận 5-10 tin báo về những điểm sạt lở như chỗ nhà chị Sáu. Ông Nguyễn Trường Giang, Bí thư xã Khánh Hải thống kê, từ sau Tết đến cuối tháng 2, toàn xã bị sụp lún 164 điểm, ảnh hưởng 181 hộ.
Tình trạng khô hạn làm đất mất phản áp của nước, trong khi đó, thuyền dưới kênh không thể đi lại làm lưu lượng xe cộ trên các tuyến đường ngày càng lớn, khiến tình trạng sụp lún ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhưng khi cống Trùm Thuật Nam (cống ngăn mặn) gặp sự cố, nước mặn lòn vào do rò rỉ ở đáy cống, thì các tuyến đường không còn sụp lún nữa, đồng ruộng của người dân cũng không bị thẩm thấu nước mặn.
Sự cố tràn nước mặn ở cống Trùm Thuật Nam, tạo hiệu quả bất ngờ với việc chống sụp lún, đã gợi ý cho UBND tỉnh Cà Mau một phương án “táo bạo”: Đưa một lượng nước mặn vào các kênh trục vùng ngọt để đất không còn co ngót, tạo phản áp ngăn chặn sụp lún tiếp lan rộng.
Sau khi tham khảo nhiều chuyên gia và nghiên cứu kỹ lưỡng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất đưa mặn vào đoạn sụp lún trên đê biển Tây (từ Đá Bạc đến Kênh Mới) và tuyến đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc chạy dọc Kênh xáng Minh Hà. Nhưng, đề xuất này đã không được Tỉnh ủy Cà Mau đồng ý.
Làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cuối tháng 2, ông Nguyễn Tiến Hải cảnh báo, nếu sụp lún xảy ra tại vị trí đê không còn đai rừng phòng hộ, sẽ kéo theo vỡ đê, không gì có thể cứu kịp. “Và chỉ cần 30 phút thì toàn vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời sẽ tràn ngập nước mặn lên tận ruộng vườn, hậu quả để lại sẽ rất khủng khiếp, khó khắc phục”, ông Hải nhấn mạnh.
Phương án chống sụp lún chưa được chốt, tỉnh Cà Mau vẫn đang “cầu cứu” các chuyên gia và cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau thành lập 18 năm trước, ban đầu chia làm 5 tiểu vùng, hiện chỉ còn lại tiểu vùng 2 và 3 còn giữ được ngọt hóa, có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha bao gồm một phần diện tích huyện Thới Bình, phần lớn diện tích huyện Trần Văn Thời và toàn bộ huyện U Minh. Trong đó, có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp. Vùng ngọt hóa có 120 km đê, 69 cống xây dựng cơ bản, 4 trạm bơm và hơn 2.200 km kênh các cấp. Trước khi có chủ trương ngọt hóa, người dân vùng này chủ yếu nuôi thủy sản nước mặn, hiện đã chuyển sang trồng lúa hai vụ, hoặc lúa xen tôm.
Việc nước mặn tràn vào nhưng không xâm mặn đồng ruộng như ở kênh Trùm Thuật Nam, xã Khánh Hải, là điểm cân bằng lý tưởng trong bài toán chi phí – lợi ích, nếu đưa nước mặn vào kênh rạch vào để chống sụp lún. Nhưng trên thực tế, chọn “đưa hay không đưa” nước mặn vào đều phải giá. Trong khi một số chuyên gia hiến kế phương án “đưa”, các ý kiến lo ngại cho rằng đưa mặn vào sẽ khiến vùng ngọt bị xâm mặn nặng nề hơn. Ngoài ra, nếu đưa mặn vào kênh ngọt, thì phải tính ra giải pháp rửa mặn vào mùa mưa.
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho rằng, Cà Mau là vùng đất “mặn từ trong đất”. Dải đất cực Nam hình thành từ phù sa ở cuối dòng Mekong trôi ra biển rồi bị biển đánh dạt vào. Khi thực hiện các dự án rửa ngọt, ngăn mặn trước đây, nhà nước chưa lường đến việc nước từ Mekong không còn cung cấp đủ cho hệ thống thủy lợi như bây giờ.
Với thực trạng này, ông Tuấn nhìn nhận, thay vì thực hiện dự án ngọt hóa, chống mặn, nhà nước có thể áp dụng những giải pháp “phi công trình”, trồng trọt, hay nuôi những loài thích ứng với mặn.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy không chỉ xảy ra vùng ngọt hóa Trần Văn Thời, mà là câu chuyện điển hình cho việc tìm giải pháp ứng phó hạn mặn, sụp lún ở miền Tây.
Trong khi nhiều nông dân đang thất mùa với hơn 18.000 ha lúa toàn tỉnh bị thiệt hại, nhiều người lại lo nơm nớp bên những con đường lở, “shipper” Lê Văn Vàng vẫn không bị “giảm lương”. Nhưng thay vì vui, Vàng lại lo, vì chỗ sụt lún phía trước nhà chị Sáu, chỉ cách nhà Vàng mấy trăm mét.
Bài & ảnh: Phạm Linh – Hoàng Nam
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/song-ben-nhung-dong-kenh-kho-4081592.html