rừng là ân nhân – 24h Sống xanh https://24hsongxanh.vn Hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn Fri, 05 Jul 2019 03:04:09 +0000 vi hourly 1 https://24hsongxanh.vn/wp-content/uploads/2019/10/cropped-icon-song-xanh-logo-03-32x32.png rừng là ân nhân – 24h Sống xanh https://24hsongxanh.vn 32 32 Tấm lòng của rừng https://24hsongxanh.vn/tam-long-cua-rung/ Fri, 05 Jul 2019 03:04:09 +0000 http://24hsongxanh.vn/?p=6990

Gia đình tôi ở Ba Lan, luôn xem rừng là một ân nhân. Ngày còn nhỏ, nơi tôi tìm đến mỗi khi buồn chán là những khu rừng. Mỗi góc rừng là một thế giới khác nhau với đầy màu sắc, âm thanh, hương vị cộng hưởng với sự tưởng tượng hồn nhiên của cậu […]

The post Tấm lòng của rừng appeared first on 24h Sống xanh.

]]>

Gia đình tôi ở Ba Lan, luôn xem rừng là một ân nhân. Ngày còn nhỏ, nơi tôi tìm đến mỗi khi buồn chán là những khu rừng. Mỗi góc rừng là một thế giới khác nhau với đầy màu sắc, âm thanh, hương vị cộng hưởng với sự tưởng tượng hồn nhiên của cậu bé tôi. Cứ như thế, tôi tha thẩn chơi đùa trong rừng không biết chán, còn nỗi buồn thì biến mất như chưa từng có mặt vậy.

Ông tôi, trung úy Czeslaw Rybnik, từng tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai ở châu Âu – cuộc chiến tàn khốc nhất thế kỷ 20. Vào năm 1943, khi nhóm của ông bị quân Đức phát hiện, họ buộc phải lẩn trốn thật sâu trong khu rừng rậm đông bắc Ba Lan. Rừng Puszcza Knyszyńska đã che chở cho họ trong suốt thời gian dài. Thế chiến kết thúc, ông trở về trong niềm vui khôn tả của cả gia đình vì họ từng nghĩ ông đã chết. Ở góc độ nào đó, rừng đã sinh ra ông một lần nữa.

Với cách nghĩ này, rừng cũng là ân nhân của nhiều gia đình Việt Nam và nền độc lập mà Việt Nam đang có. Dựa vào rừng rậm để đối phó với đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần đã trở thành một trong những nghệ thuật chiến tranh du kích ở Việt Nam, được nhiều chuyên gia quân sự thế giới nghiên cứu và phân tích.

Những tấm ảnh rừng Trường Sơn trơ trụi lá do chất độc da cam trong chiến dịch “dọn rừng” của tướng Westmoreland đã từng vô cùng ám ảnh tôi. Nhưng có lẽ còn đau lòng hơn là hình ảnh những cánh rừng bốc cháy ngùn ngụt ngay trong những ngày này ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế. Rừng cháy ngay trong thời bình, vì những lý do không đáng có từ lòng tham lam, sự thiếu hiểu biết, ích kỷ hay sự vô tâm bất cẩn của con người.

Để rồi ít ngày nữa thôi, hậu quả là nền nhiệt độ ở nhiều tỉnh thành tăng cao, vùng cao nguyên như Đà Lạt mà cũng bị ngập lụt, những cơn bão và lũ quét liên tục hoành hành dải đất miền Trung. Buồn hơn nữa là chúng ta chưa có cách dập cháy rừng hiệu quả. Mọi giải pháp vẫn manh mún, chủ yếu dùng sức người đi dập lửa bằng tay và thiết bị rất thô sơ. Chính vì thế, những đám cháy mùa khô vẫn lan rộng, còn con người thì khá bất lực.

Tôi thực sự buồn khi đọc những dòng chữ “rừng vẫn tiếp tục cháy”, “rừng đang chảy máu”, hay “màu xanh của rừng chỉ còn trong quá khứ”, có người chua chát “chúng ta gần phá xong rừng thành công”. Có một thực tế buộc tôi phải chấp nhận là rừng đôi khi chịu hy sinh vì sinh kế của con người hay sự tăng trưởng. Tuy nhiên, mọi điều trên thế giới này đều có giới hạn riêng của nó.

Chính phủ Việt Nam cũng muốn ngăn chặn việc phá rừng bằng việc đóng cửa một số khu rừng từ ba năm qua. Nhưng có vẻ con người luôn tìm đủ lý do để có thể lấy đi một cái cây. Tôi nghe nhiều người địa phương miền Trung và Tây Nguyên nói họ đang nghĩ đến việc khai thác rừng theo hướng du lịch sinh thái. Không rõ đây có phải là một hướng phát triển bền vững không khi tôi từng biết nhiều dự án resort, biệt thự nghỉ dưỡng ở Việt Nam được xây trên những mảng lớn rừng bị tàn phá.

Tôi không hiểu nhiều người muốn tạm thời lánh xa lối sống thành thị lại cố đem đúng những tiện nghi ở nơi ấy về rừng để làm gì. Trong khi về rừng là về với bản năng tự nhiên của chính mình, chỉ cần chìm đắm mình vào đó là đủ. Bạn chỉ cần nhìn ngắm thảm cây xanh mướt, lắng nghe từng bước chân của mình trên nền rừng ẩm ướt, cảm nhận sự trỗi dậy của cây cối trong lòng đất rừng, ngửi và nếm (nếu có thể) mùi vị của thực vật rừng. Thiên nhiên như người mẹ hiền, cứ thế ôm lấy bạn, vỗ về những mệt nhọc, khôi phục những điều trong sáng, hồn nhiên, đẹp đẽ nhất trong con người bạn.

Chúng ta dễ dàng quên rằng ngay cả khí oxy không nhìn thấy mà con người dùng trong từng giây phút của sự sống cũng được sản xuất từ cây cối. Nhiều thứ trong cuộc sống mất đi có thể khôi phục lại nhưng điều đó không đúng với trường hợp mất rừng. Rừng một khi đã suy thoái, không bao giờ đem lại những món qùa cho con người như đã từng trước đó.

Khi nguyên nhân rừng bị cạn kiệt là do con người thì không ai khác, chính chúng ta mới có thể xoay chuyển được tình thế. Rất khó để con người dừng hẳn mọi hoạt động khai thác rừng phục vụ cho mình, nhưng tôi nghĩ chúng ta không có nhiều lựa chọn. Đừng hy vọng rằng sau khi tàn phá Trái đất, con người cứ thế di cư lên sao Hỏa. Chưa kể đến điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của hành tinh ấy, tôi nghĩ tàu vũ trụ sẽ không đủ chỗ cho tất cả chúng ta.

Những gì ta có thể làm cho ân nhân là trả ơn họ, hoặc nếu không thể thì ít nhất cũng đừng làm hại họ. Mỗi cái cây trong rừng Puszcza Knyszyńska, cũng như mỗi cái cây trong rừng Việt Nam, đều là một nhân chứng lịch sử. Khi nghe người bạn Ê đê bức xúc về việc rừng Tây Nguyên ngày càng bị thu hẹp, tôi băn khoăn, không biết người ta đã nghĩ gì khi phá hủy những cái cây có thể đã hiện diện hàng ngàn năm trước chúng ta. Đối với tôi, đó là một sự vô ơn với lịch sử.

Trong nỗ lực để bảo vệ rừng một cách bền vững hơn, việc đầu tiên có thể làm ngay là thay đổi nhận thức về rừng và giáo dục trách nhiệm bảo vệ rừng. Đây không phải là sáng kiến gì mới mẻ, chỉ là một sự nhắc nhở cho một điều đang bị lãng quên.

Người Ê đê từ xa xưa đã nhận thức rõ và khuyên dạy cộng đồng của mình trong “Luật tục bảo vệ rừng” rằng: Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, kẻo đi hái củi, đi suối lấy nước mà không biết đi. E rằng đi rẫy mà cầm theo những đầu cây cháy dở có thể hủy diệt cả rừng. Nếu không thể làm gì để trả ơn rừng, cũng xin đừng là những kẻ vô ơn.

Jan Rybnik
Theo VnExpress

The post Tấm lòng của rừng appeared first on 24h Sống xanh.

]]>