Những nốt lặng
Được hiểu như chút thoáng dừng của dòng chảy tư duy, nơi đó người ta cố tìm những mảnh mún của sự đồng cảm, từ những tâm trạng, những trở trăn, những bức xúc, hay thân phận con người…
Khi chợt cắt một dòng chảy tự nhiên nào đó, ta như “xen vào” những gì đang hiện hữu của khoảnh khắc đó, từ chất liệu chủ thể, hậu cảnh đến những trạng thái tâm cảm của nhân vật trong đó…
Việc chọn không gian tối (hay tạo ra bằng các thao tác kỹ thuật trong các phần mềm xử lý) làm tăng cảm giác nhấn nơi nhân vật, hay chủ thể, bên cạnh đó lại tạo cho người xem về một “không gian trống vắng”, “tối đen”, “nặng nề”, “không có gì”. “cô đơn”, “quạnh vắng”…
Khi chọn được góc nhìn để có được ánh sáng tạt ngang với khe sáng hẹp, ta đã dễ dàng hơn trong việc tạo nhấn cho chủ thể, với khoảng sáng “được điều tiết” để chỉ những chi tiết quan trọng nhất được đẩy lên đến ngưỡng nhấn.
Trên là việc chọn bối cảnh cũng như góc nhìn. Kế đến là chọn thù pháp thể hiện. Nếu có thể được thì những ống kính tele với khẩu độ mở lớn dễ tạo ra được sự tách biệt giữa chủ thể và bối cảnh, và việc giữ bối cảnh như một sự bổ sung tâm cảm sẽ được điều khiển bằng khẩu độ (điều khiển vùng ảnh rõ – DOF).
Yếu tố quan trọng nhất, vẫn là chờ đợi những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, mang được những trang thái biểu cảm, đánh động được đến lương tri, lòng thương xót, sự đồng cảm, ưu tư, ray rứt… mà thường nó khá tương đồng với tâm cảnh của tác giả.
Nhiếp ảnh gia Trung Thu