Những ngôi chùa nổi tiếng xứ Phù Tang: Hòn đá bí ẩn thứ 15 của Long An tự
>> Những ngôi chùa nổi tiếng xứ Phù Tang: Ấn tượng chùa Bạc
>> Những ngôi chùa nổi tiếng xứ Phù Tang: chùa Vàng
>> Những ngôi chùa nổi tiếng xứ Phù Tang: Ngôi cổ tự đẹp nhất cố đô
Mỗi ngôi chùa nổi tiếng ở cố đô Kyoto cho du khách một cảm nhận riêng biệt. Chùa Ryoan-ji – Long An tự, là nơi người ta đến không hẳn chỉ để ngắm kiến trúc chùa. Đây là ngôi chùa đông đúc du khách, nhưng không gian luôn có một vẻ yên tĩnh đến ngạc nhiên…
Ngôi chùa cổ yên tĩnh
Ryoan-ji được xây dựng trên nền đất biệt thự của gia đình Fujiwara trong thời kỳ Heian (794 – 1185). Người đứng đầu lực lượng Shogun và lãnh chúa Hosokawa Katsumoto đã mua mảnh đất trên núi của dòng họ Tokudaiji này vào năm 1450 và xây dựng nhà ở của mình, rồi rước tu sĩ Phật giáo Gitengensho của chùa Myoshin-ji về và lập ra đền Ryoan-ji.
Ngôi chùa này từng bị phá hủy trong chiến tranh Onin, được xây dựng lại vào năm 1488, rồi đến năm 1797, Hojo (Phương trượng – phòng ở của sư trụ trì), Kaizando (Khai Sơn đường), Butsuden (Phật điện) đều bị cháy vì hỏa hoạn. Khi đó, Hojo của chùa Seigen-in (xây dựng từ năm 1606) được chuyển đến Ryoan-ji để thay thế và trở thành không gian chính của ngôi chùa này.
Thường thì nơi đây vắng vẻ hơn vào buổi sáng sớm. Vào trong chùa, bạn phải cởi giày mới được vào xem chùa và khu vườn đá ở phía tay trái. Điều này là bắt buộc. Những bước chân vì thế sẽ ít gây tiếng động hơn, phù hợp hơn với những du khách đang cần sự tĩnh tâm mà tìm đến với chùa. Và có như thế bạn mới thấm hiểu thêm đôi chút về ngôi chùa độc đáo này.
Chùa Ryoan-ji có một hồ cảnh lớn với những hòn đảo nhỏ giữa hồ cũng là một nét khác biệt của chùa giữa vô số đền đài quanh đây. Trong khuôn viên chùa có một nhà hàng nhỏ chuyên phục vụ những món đặc sản Nhật Bản. Nhưng đây không phải là điều níu chân tôi. Là chùa cổ có giá trị đã đành, Ryoan-ji ở Kyoto nổi tiếng với một vườn đá đặc sắc hàng nhất nhì của Nhật Bản.
Khu vườn đá bí ẩn
Đó là vườn Hojoteien (Phương Trượng Đình Viên) theo phong cách Karesansui – vườn khô không sử dụng nước rất nổi tiếng của Nhật Bản mà trong đó người ta sử dụng đá và cát để tạo thành.
Khu vườn Karesansui này trông như một cái sa bàn lớn, từ phía Đông đến phía Tây, khu vườn dài khoảng 30m và từ phía Bắc đến phía Nam là 10m. Mỗi khối đá trong khu vườn đều khắc những tên riêng Kotaro và Hikojiro, là những người đã xây dựng nên công trình này.
Trong khu vườn hình chữ nhật đó, các tảng đá nhỏ được bố trí theo từng nhóm, thoạt trông như là ngẫu nhiên. Có 14 hòn đá, được xếp thành 5 nhóm. Trông chúng như 5 hòn đảo giữa đại dương bao la. (Đại dương được mô phỏng bằng một lớp cát với những vạch chạy dài tạo hình làm người ta liên tưởng đến các gợn sóng trên những hòn đảo nhỏ). Điều thú vị nhất với du khách là các cụm đá được sắp đặt theo một bố cục độc đáo, dù ngắm từ bất kỳ vị trí nào, cũng luôn có một hòn đá bị che khuất.
Có nhiều cách lý giải khác nhau về ý nghĩa của vườn đá – vườn thiền này. Nó vốn có 15 hòn đá. Nhưng hiện tại chỉ có 14 hòn. Còn một hòn nữa, người xưa lưu truyền lại rằng, dành cho thiền nhân đến đây hành thiền tự mình khám phá và xác định. Điều này đã vô tình thách thức và gợi tò mò cho rất nhiều du khách tìm đến đây, thành điểm hấp dẫn nhất của ngôi chùa này.
Tìm gì từ hòn đá thứ 15?
Người ta thường nói rằng các tảng đá này được sắp xếp khéo léo sao cho người thưởng ngoạn bình thường không thể nào thấy toàn bộ 15 hòn đá dù ở bất kỳ vị trí nào. Người ta cũng bảo rằng thật ra, vẫn có vị trí mà ta có thể thấy hết. Vấn đề ở chỗ đó, làm sao bạn đủ hiểu biết, kiên nhẫn, suy ngẫm để tìm ra vị trí có thể nhìn được hòn đá thứ 15. Đây cũng là mối bận tâm của rất nhiều du khách khi đến và đi khỏi nơi này, mang theo thắc mắc trăm năm chưa lời giải.
Nơi đây có khán đài nhỏ bằng gỗ bên hông chùa để khách tham quan ngắm vườn, thì thào bàn luận, chỉ trỏ hoặc chỉ đơn giản là ngồi lặng yên chiêm nghiệm. Không ít người còn ngồi thiền ở đây. Lẫn trong những khách già có trẻ có, là những tốp học sinh Nhật đi tham quan thành từng nhóm, đoàn. Chúng có vẻ rất tò mò và say sưa quan sát khu vườn theo lời thầy hướng dẫn. Tự nhiên tôi thấy vui chen ghen tị với những lũ trẻ ấy. Được dạy, chỉ dẫn những bài học thực tế sinh động như thế, nhất định sẽ rất bổ ích cho quá trình hình thành nhân cách của những thiếu niên.
Tất cả những hình ảnh tạo nên một bức tranh tĩnh – động khi bên này là những lao xao của con người, bên kia là những cụm đá nằm yên hàng trăm năm đó nhưng vẫn liên tục gợi lên những suy tưởng không nguôi…
Tôi cũng như nhiều du khách, khi rời đi vẫn chưa khám phá được hòn đá thứ 15. Nhưng có lẽ quãng thời gian được yên bình hít thở không khí trong lành và ngắm sự tĩnh tại ở khu vườn, có lẽ cũng đã đủ làm một dấu lặng cần thiết trong những ngày miệt mài ngược xuôi trên xứ Phù Tang.
Từ ga JR Kyoto bạn sẽ đi city bus số 50, dừng ở trạm cuối Ritsumeikan Daigaku Mae rồi đi bộ khoảng 7 phút, hoặc city bus số 59 cho đến khi dừng Ryoan-ji Mae. Hoặc dùng Keihan Electric Railway, dừng ở ga Sanjo rồi đi city bus, xuống trạm Ryoanjimae đi bộ khoảng 1 phút. Nếu đi xe điện thì dùng Keifuku Railroad, dừng ở ga Ryoan-ji Michi đi bộ thêm 7 phút. Giờ mở cửa: Tháng 3 – Tháng 11: 8:00 sáng đến 5:00 chiều. Tháng 12 – Tháng 2: 8:30 sáng đến 4:30 chiều. Vé tham quan cũng bằng giá tham quan các chùa nổi tiếng khác của cố đô: 500 yên. |
Bài & ảnh: L.M.Hạ