fbpx

“Nhà đầu tư” vĩ đại nhất là ai?

Khi thế giới nói về chuyện làm ăn, đầu tư kinh doanh, thị trường chứng khoán lên xuống trong mùa dịch… thì ta tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi khác: Có gợi ý gì để ta đầu tư… cho con?

Thời đại công nghệ nên 4 ông lớn (big four) đã giàu, nay đại dịch Covid-19 họ càng giàu thêm. Tưởng chừng như của nả trên thế gian này vào túi họ hết. Bao nhiêu lời còm. Ngưỡng mộ có, ganh tị cũng có, kiểu tâm lý ghét người giàu – “chỉ cần tẩy chay một năm thôi xem còn độc quyền hưởng lợi nữa không”… Nhưng nói vậy không công bằng. Người tài giỏi vẫn là mơ ước. Thử nhìn đại dịch vừa đến đó, không có công nghệ làm sao làm ăn, giao thương kết nối, hội họp học hành, bị nhốt trong nhà mà nhìn mà nói chuyện với cả thế giới?

Khi thế giới nói về chuyện làm ăn, đầu tư kinh doanh, thị trường chứng khoán lên xuống trong mùa dịch… thì ta tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi khác: Có gợi ý gì để ta đầu tư… cho con?

Chưa biết có giống gì với chuyện đầu tư của các ông lớn không, cũng chưa có ai đưa ra “công trình nghiên cứu” kết luận cuối cùng, mà vẫn còn bàn cãi nên ta thử lạm bàn.

nha-dau-tu-vi-dai-nhat-la-ai
Ảnh minh họa. Nguồn: Investo

Có nên dồn tiền bạc, tài sản của gia đình để đầu tư cho con cái đi học?

Riêng câu hỏi này đủ để… cãi nhau. Người trả lời dứt khoát: Nên quá đi chứ, vì trong nhà thì còn có ai quan trọng hơn con cái và tương lai của nó chính là tương lai của gia đình.

Thiếu gì chuyện cụ thể. “Tiền học một năm của nó tôi có thể mua cả mẫu đất ở Lâm Đồng”. “Lương 5 triệu thôi nhưng bố mẹ bán nhà lo cho con học”. Chuyện một gia đình ở Trung Quốc hối hận vì bán 3 cái nhà cho con học toàn diện – sau đó ly hôn, tan vỡ. Chuyện bà mẹ Mỹ chi bộn tiền cho con 4 tuổi thi nhan sắc. Cô bé đã 60 lần đoạt đủ loại vương miện. Mẹ bảo, để cho con tôi có được đức tính tự tin.

Giở “sử sách” ra thì có lời Tống Chân Tông nói về tầm quan trọng của đầu tư cho giáo dục: “Giàu có không cần mua ruộng tốt – Trong sách đã có lúa ngàn hộc. Giàu có không cần nhà cao rộng – Trong sách tự nhiên có kim ốc. Lấy vợ không lo người môi giới – Trong sách đã có Nhan Như Ngọc. Ra đường không lo thiếu người hầu – Trong sách ngựa xe như vỏ ốc…”. Học là có tất cả đó thôi!

Ở Việt Nam có con số: Cha mẹ chi 13% ngân sách gia đình cho con học ngoại ngữ. 40% cha mẹ Việt cho con học thêm ngoại khóa – chỉ đứng sau Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc trong khu vực.

Nielsen – hãng nghiên cứu thị trường của Singapore đưa ra nghiên cứu có 90% cha mẹ Sing sẵn sàng hy sinh tiền bạc dành cho con học trong khi 80% người trẻ – chính là con cái họ lại cho rằng cha mẹ nên tiết kiệm để lo cho tuổi già. 66% người trẻ nghĩ sẽ lo cho cha mẹ trong tương lai nhưng chỉ có 8% tự tin rằng mình có thể lo được. Họ có quá nhiều lo lắng trước thời đại nhiều cạnh tranh cam go công ăn việc làm.

Con số thật đáng lo buồn cho tương lai.

Cuối cùng thì cũng tạm có đáp số: chỉ 8% cho rằng nên coi việc học của con là khoản đầu tư lớn nhất. Còn đa số kết luận, nên đầu tư cho con nhưng không nên chiếm quá nhiều ngân quỹ. Dồn hết tiền cho con học có thể là một sai lầm.

Một giám đốc tài chính tại Singapore thì nói chung về cách tăng tài sản giàu có và lâu dài phải: “Tiết kiệm và đầu tư càng sớm càng tốt”.

Những gợi ý đầu tư “càng sớm càng tốt”

Có rất nhiều nội dung về dạy dỗ giáo dục theo khoa học kiểu thai giáo, mẹ nghe nhạc khi mang thai. Rồi “đầu tư giai đoạn vàng 5 năm đầu đời hình thành tính cách và thể chất”, đòi hỏi cha mẹ bận rộn kiếm tiền không được quên phải quan tâm, vui chơi tương tác với con chứ không “dí” cho cái Ipad, “vừa ăn vừa xem tivi cho mày yên tao nhờ”.

Ti tỉ những lời khuyên như thế, kèm theo lời “kể tội”: 3 sai lầm của cha mẹ Việt: Chiều quá mức, phó mặc cho trường, không chú ý kỹ năng sống… Thôi thì còn nhiều nhiều kiểu “dấu hiệu cha mẹ… độc hại” áp đặt con phải giỏi toàn diện, suốt ngày phê phán mắng mỏ, dùng bạo lực, làm thay quá nhiều, áp đặt sở thích, tham gia quá sâu vào cuộc sống của con…

Cũng đầy các tấm gương và phát biểu của tỷ phú… rất khó học theo. Nghe còn… sợ:

“Không có thành công nào là miễn phí” (không lẽ phải luôn… sạt nghiệp?)

Phải chăm chỉ gấp 2, 3, 10 lần người khác. Khi bạn bè đi ngủ con phải làm việc. Nếu sa vào mê các trò giải trí, cả đời con sẽ phải vật lộn về tài chính” (lời Bezob) (Cha mẹ ôi, ai đi chơi với cả nghiện game giùm con đây!)

Con không cần đứng đầu lớp. Con hãy vào top giữa chứ đừng kém. Chỉ những học sinh tầm trung mới có thời gian rảnh học những kỹ năng khác”, Jack Ma nói. (Cha mẹ ôi, đừng đứng đầu thì… khoái quá, con làm dễ ợt, nhưng lại phải học kỹ năng khác chứ không phải… ăn chơi, thì con… cụt hứng!)

Rồi cha mẹ Bill Gates tôn trọng sự độc lập, đồng ý cho con bỏ cả Đại học Harvard. (Ôi… bỏ học thế thì sướng quá) nhưng để là Bill Gates, lập công ty Microsoft thì… eo ơi khó quá!

Tức là con chúng ta khoái học theo cái dễ, mà làm việc khó để thành người thì con ta thấy… không theo được. Nên nhớ, cha mẹ Bill Gates cho con độc lập nhưng đồng thời họ cũng không cho phép con từ bỏ những thứ chúng không giỏi. Ngoài ra họ dạy con tầm quan trọng của cộng đồng và luôn làm từ thiện.

Phải chăng, đó chính là những “gợi ý cho ta đầu tư” – bên cạnh lo cho học, còn chính cha mẹ và gia đình phải là nhà sư phạm và nhà đầu tư lớn nhất và sớm nhất. Khó cũng phải làm.

Là bởi vì loài người giờ còn nảy sinh thói “lười làm cha mẹ” nữa đấy. Thế hệ sau nhiều người đã chẳng cần kết hôn cũng chẳng muốn sinh con. Làm cha mẹ thật hạnh phúc, và phải là nhà đầu tư lớn cho hạnh phúc đó.

Quảng Yên

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC