fbpx

Nguyễn Trương Quý: Tiếng xình xịch chạy dọc đường Nam bộ

Cùng một loại phương tiện giao thông, có đến vài tên gọi: tàu hỏa, tàu lửa, xe lửa, hỏa xa. Tương tự là đường sắt, thiết lộ, đường ray… Những tên gọi khác nhau đó trong tiếng Việt gợi ra những sự biến đổi gì trong cách nhìn nhận phương tiện này, hay xa xôi hơn, những dấu vết văn hóa khi gọi tên thứ đã làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ XX?

nguyen-truong-quy
Ga Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) thời Pháp. Ảnh TL

Hãy bắt đầu từ hai tên gọi: hỏa xa và xe lửa. Từ khi nào hỏa xa trở thành xe lửa? Có lẽ do quan niệm một thời ở miền Bắc là “Việt hóa” các từ Hán Việt nên cái tên hỏa xa biến mất, cũng như từ thiết lộ chỉ tồn tại ở miền Nam. Tuy nhiên, nhà thơ nổi tiếng về những bài thơ Xuân tha hương hay Những bóng người trên sân ga là Nguyễn Bính chỉ dùng từ “tàu” hay “xe lửa” trong thơ.

Dường như những câu thơ lục bát hay bảy chữ mang giọng quê hợp với xe lửa hơn là hỏa xa. Hai từ “hỏa xa” có vẻ quá trịnh trọng trong những câu thơ than thở “đời mình chẳng khác chuyến tàu qua”.

Xe lửa qua Gôi, qua Ninh Bình
Lần lần xe lửa tuốt vô Thanh
Quay về đất Bắc em thầm nhủ
Nơi ấy quê ta, ôi, cảm tình!
(Nguyễn Bính – Lá thư về Bắc)

Một nhà thơ khác, Vũ Hoàng Chương, còn từng làm phó thanh tra ở Sở Hỏa xa Đông Dương, để lại câu chuyện về bài thơ liên ngâm nhân kỷ niệm ba tác giả “Tô Hoài, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương/ Còi thét vào ga Phủ Lạng Thương” đường đột lên thăm thi sĩ Bàng Bá Lân, người chưa từng gặp bao giờ. Chuyến đi lang bạt dẫu chỉ cách Hà Nội 60 cây số song qua câu chuyện các thi nhân thuật lại, ảo diệu chẳng khác Kinh Kha sang Tần.

nguyen-truong-quy
Ga Hà Nội, hay được gọi là ga Hàng Cỏ, thập niên 1950. Ảnh TL

Những chuyến tàu qua cặp mắt các thi sĩ cung cấp một phong cảnh đầy trữ tình cho tinh thần họ: “Điệp khúc đều đều và buồn nản của đường sắt như dâng từng đợt “tại sao” vào tâm hồn tê tái của Hoàng; đột nhiên đầu máy ré lên một hồi còi, lại càng như xoáy mãi cơn sầu trên da thịt kẻ “tình duyên lỡ dở”. Qua lại hàng trăm lần quãng thiết lộ này, Hoàng chẳng cần nhìn ra ngoài cũng thừa biết đây là ga Phủ Từ Sơn” (Vũ Hoàng Chương – Ta đã làm chi đời ta). Cả một loạt những bài thơ, câu thơ về những chuyến “tàu chạy hình như để chở buồn” (thơ Nguyễn Bính), song phản ánh một hiện thực rằng tàu thời xưa chạy chậm, hợp với nhịp sống uể oải và vô định của những kiếp người ôm mộng văn chương.

Vũ Hoàng Chương đã dùng cả từ “đường sắt” và “thiết lộ” trong cùng một đoản văn. Nhưng chắc chắn ông chỉ dùng duy nhất từ “ga”, phiên âm tiếng Pháp của gare, mà cũng như nhiều người, không mấy ai gọi là trạm xe lửa hay bến tàu hỏa, và dĩ nhiên ít thấy ai dùng “thiết lộ xa trạm” như cách tiếng Trung Quốc sử dụng, thứ tiếng trung chuyển cho việc dịch các thuật ngữ phương Tây vào Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Những từ như trạm, bến dù có ghép với tàu, xe cũng dễ lẫn với các phương tiện như ô tô chở khách hay bến tàu thủy.

Trong khi đó từ “ga” vang lên trong đầu người Việt trực diện hình dung về nhà ga xe lửa, mà không cần ghép với những hỏa xa, tàu hỏa hay xe lửa. Sau này có lúc các sân bay được gọi là ga hàng không thì vẫn ít ai nhầm lẫn với từ “ga” đứng độc lập. Chỉ có những nhà ga cùng địa danh đi vào đời sống: ga Hàng Cỏ, ga Kép, ga Cẩm Giàng, ga Phủ Lạng Thương…, những cái tên vô tình là bến đỗ của thi nhân mà trở thành ký ức của nhiều thế hệ.

nguyen-truong-quy
Ga đầu cầu Long Biên đầu thế kỷ XX. Ảnh TL

Điều này có thể nằm trong sự tùy biến về sử dụng cách mô tả đời sống của người Việt. Khi những từ vựng ngoại lai thuận tiện cho diễn đạt và sản phẩm được gọi tên đã trở nên thân thuộc trong đời sống thì họ dùng. Đáng chú ý là tất cả những cái tên này chỉ xuất hiện trên dưới một trăm năm. Trong địa hạt phương tiện giao thông, các từ xích lô, ô tô, xe buýt, ga, đường ray/đường rầy, ke, đề pô… chung sống với xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, xe đò, đường sắt, bến tàu, bến xe… Một mặt chúng cho thấy sự đa dạng trong hấp thụ văn hóa ngoại lai, mặt khác gây một ảo giác về sự “văn minh hóa” dễ dàng. Sự chiếm dụng mang màu sắc lãng mạn hóa là kết quả của một quá trình từng được gọi bằng cái tên Âu hóa, song sâu xa hơn là hệ quả của các cuộc khai thác thuộc địa.

Hà Nội thực sự trở thành một thành phố hiện đại mang yếu tố công nghiệp chính là nhờ sự có mặt của hệ thống nhà ga – đường sắt. Tuyến đường sắt được hoàn thành cùng cây cầu Long Biên đi xuyên qua thành phố đã góp phần biến đổi diện mạo cảnh quan đô thị mang tính cách mạng.

Sự kiện khánh thành cầu Doumer hay cầu Thành Thái, hoặc như bình dân gọi là “cầu sông Cái”, vào năm 1902 nằm trong số các thành quả kiến tạo đô thị Hà Nội và thiết chế quyền lực thuộc địa của Toàn quyền Paul Doumer. Thời gian này một loạt công trình ra đời theo mô hình một thành phố kiểu Pháp và những cuộc trưng bày được phô diễn như Đấu xảo quốc tế Hà Nội 1902, tất cả những quá trình này cần một sự hỗ trợ to lớn của hệ thống giao thông vận tải. Đường sắt đã đến đúng lúc.

nguyen-truong-quy
Toa khách trên tàu hỏa thời Pháp. Ảnh: TL

Khối lượng vật chất và hàng hóa đã từ cảng Hải Phòng, thương cảng lớn nhất miền Bắc, hay các vùng nguyên liệu theo những đoàn tàu băng qua sông Hồng vào thành phố đem lại cho Hà Nội một nhịp đập đồng hành với diễn biến cách mạng công nghiệp toàn cầu. Cho đến khi tuyến đường sắt Bắc Nam nối liền vào năm 1936, Hà Nội đã trở thành một điểm hội tụ lớn của đời sống giao thương.

Trong khi các đô thị khác hoặc là điểm giữa hoặc cuối của tuyến đường sắt, Hà Nội là một ngã tư giữa  tuyến xuyên Việt từ Lạng Sơn vào đến Sài Gòn và tuyến Hải Phòng – Lào Cai, mà cả hai tuyến này đều vươn nối sang Trung Quốc và đi xa hơn nữa, những Siberia, Moskva hay tận Berlin. Ngoài ra còn có tuyến đường sắt nối liền mỏ sắt Thái Nguyên hay mỏ than Uông Bí, Hòn Gai, những vùng khai thác của nền công nghiệp thuộc địa. Nó cũng đưa những dòng người tha hương đi phu cao su, đi phu mỏ, hay lưu lạc tận trời Âu, Tân Đảo…

Hỏa xa đã thể hiện sức mạnh vật chất của mình trong đời sống một đất nước hiện đại hóa trong tình thế thuộc địa. Phương tiện này vô hình trung nhấn mạnh sự quy tâm của vai trò Hà Nội đối với khung cảnh địa lý và hơn thế, khung cảnh văn hóa của một thời đại. Trong thiên truyện nổi tiếng Hai đứa trẻ của Thạch Lam, những chuyến tàu hỏa từ Hà Nội đi qua ga xép ở phố huyện đem đến cho những đứa trẻ và cư dân một sự xáo trộn nho nhỏ trong tâm trạng. “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua”.

nguyen-truong-quy
Quảng cáo Công ty Hỏa xa Đông Dương 1928. Đồ họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Các nhà ga, các toa tàu “mạ kền sáng choang” là những đốm sáng lan từ quầng sáng của “Hà Nội nhiều đèn quá” (những gì mà hai chị em Liên và An ghi nhận) hay những đô thị lớn khác về tới các vùng quê, và đến lượt các nhà ga ở thành phố lớn là những chân rết của một thế giới phát triển bên ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng như bên ngoài trường nhìn chật chội của người bản xứ. Thiên truyện của Thạch Lam là một hoài niệm của tác giả về thời nhỏ khi ở cạnh ga Cẩm Giàng, một ga xép chỉ cách Hà Nội chừng 40km, song như không khí câu chuyện những năm 1930 cho thấy, là khoảng cách phân chia hai thế giới.

Đồ sộ hơn những chuyến xe nhỏ bé trong khi thời của hàng không chưa đến, những chuyến tàu là sức mạnh cơ bắp của một xã hội đang tiến về tương lai song vẫn có lớp khói mờ bảng lảng phủ lên hư ảo. Nhà ga và đoàn tàu sương khói có thực tế sinh ra từ động cơ hơi nước đốt bằng than đá, một thứ cũng được nền khai khoáng thuộc địa tìm ra. Tiếng còi tàu, tiếng động cơ, những âm thanh trong đêm phụ họa vào sự huyền ảo của những chuyến tàu băng qua những làng xóm và ga xép.

“Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên bằng ngọn cau/ Me tôi ngồi khâu áo/ Bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo/ Phố xá vắng hiu hiu/ Trong đêm mùa khô ráo/ Tôi nghe tiếng còi tàu” (Phạm Duy – Kỷ niệm). Tiếng còi len vào tâm trạng đứa trẻ mới lớn, như một sự báo động về thế giới sôi động ngoài kia, cũng như tiếng còi đoàn tàu đi qua phố huyện Cẩm Giàng của hai đứa trẻ gợi về một thế giới đặc biệt nhất mà chúng có thể hình dung được – Hà Nội với những que kem lạnh.

Nỗi “hoài niệm còi tàu” tăng lên khi những cuộc chiến tranh hủy hoại không thương tiếc hệ thống đường sắt, vốn là huyết mạch các nền kinh tế cũng như đường tiếp vận cho các hoạt động thời chiến. Cuộc giằng co ưu thế của những cung đường sắt trả bằng máu của vô vàn con người. Trên thế giới, cây cầu đường sắt bắc qua sông Kwai cùng tuyến đường sắt Thái Lan – Miến Điện do quân Nhật bắt tù binh Đồng minh xây trong thời gian ngắn không tưởng và điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt đã trở thành một dấu tích lịch sử. Đồng thời khi người Nhật vào Đông Dương, các tuyến đường sắt đã bị dùng cho mục đích quân sự và chịu oanh tạc nặng nề.

nguyen-truong-quy
Bia kỷ niệm nhân công Việt Nam chết khi làm đường sắt Thái – Miến tại Kanchanaburi (Thái Lan). Ảnh TL

Đường sắt và những chuyến tàu qua những cuộc binh lửa đã phủ một màu bi tráng của chiến tranh. Chuyến tàu mộng mơ thời thơ ấu đã nhường chỗ cho mục đích thực dụng, cho dù vẫn man mác vẻ lãng mạn của thời kỳ kháng chiến chống Pháp: “Lột sắt đường tàu/ Rèn thêm đao kiếm” (Hồng Nguyên – Nhớ, 1948). Đường tàu từ chỗ là một thiết chế đầy chắc chắn đã trở nên mong manh và dễ bị hủy hoại, nhất là khi bị đánh bom như tuyến đường sắt qua cầu Long Biên đã bị đánh sập bởi không quân Mỹ những năm 1967-1972.

Tiếng còi tàu quả có sức gợi cảm khi xuất hiện trong cả những câu thơ và bài hát cách mạng. Âm thanh ấy làm mềm những hô hào cổ động. Nó có thể khiến cho nhà thơ chuyên viết những bài thơ tuyên truyền như Tố Hữu cũng có những câu bàng bạc hơi thơ tự sự: “Tôi viết cho ai bài thơ 61?/ Đêm đã khuya rồi, rét về tê buốt/ Hà Nội rì rầm… còi thổi ngoài ga/ Một chuyến tàu chuyển bánh đi xa/ Tiếng xình xịch, chạy dọc đường Nam bộ…” (Bài ca mùa xuân 61).

Đường Nam bộ là con đường đi vào Nam chạy qua cửa ga Hà Nội, ngày nay là đường Lê Duẩn. Tiếng còi tàu thổi ngoài ga và tiếng động cơ xình xịch hiện diện như một báo hiệu của sự sống, từ những “Nghe tiếng còi xa vang lòng chúng ta vui lên rộn ràng/ Niềm vui sướng dâng ngập tràn tàu chúng ta xuôi vô hướng Nam” (Lưu Cầu – Về đây với đường tàu, 1966). Ở miền Nam, những chuyến tàu luôn là thổn thức của “tàu đêm năm cũ”, “chuyến tàu hoàng hôn”, “chuyến tàu tiễn biệt”, mà tiếng còi tàu là niềm hy vọng: “Trắng đêm tôi chờ nghe, tiếng tàu đêm tìm về” (Trúc Phương).

Cầu sông Kwai có phần được đại chúng hóa sau khi bộ phim của David Lean ra đời năm 1957. Cái tên Kwai là một cách đọc sai của từ Khwae Noi, dòng nước nhánh của sông Mae Klong, song đã phổ biến trong văn bản phương Tây đến độ ngành du lịch địa phương của Thái Lan cũng chấp nhận khai thác như một cái tên chính thức. Ở thành phố Kanchanaburi, nơi có tuyến đường sắt và cây cầu, quanh khu vực nhà ga đầu cầu, có những con đường mang tên các nước Đồng minh. Có đến vài nghĩa trang của tù binh Đồng minh.

Gần con đường nhỏ mang tên Việt Nam là một khu tưởng niệm các phu người Đông Nam Á, với đài tưởng niệm ở giữa do chính người Nhật dựng vào năm 1944. Có đến 180.000 phu dịch các nước xung quanh đi làm tuyến đường này đã chết, con số quá lớn so với 12.600 tù binh Đồng minh tử vong. Ở một góc khuôn viên tưởng niệm, có một tấm bia bằng tiếng Việt “kỷ – niệm vong – linh những nhơn – công Việt – Nam chết khi làm đường thiết – lộ Thái – Miến”.

Tôi gặp từ “thiết lộ” chính là ở đây. Những chữ khắc trên bia đá được tô nhũ vàng bằng một thứ phông chữ có lẽ của thập niên 1950-1960 gợi niềm hoài cổ. Những từ hỏa xa, thiết lộ… vang lên trong óc như tiếng còi từ quá khứ. Những từ ghép Hán Việt có gạch nối ở giữa, thứ ngữ pháp của giữa thế kỷ trước, trong trường hợp này như muốn nói “chúng tôi chính là lịch sử”.

Nguyễn Trương Quý

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-tieng-xinh-xich-chay-doc-duong-nam-bo-26018.html

CÙNG CHUYÊN MỤC