Nguồn vốn và thanh toán hiện đại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa tổ chức thành công chương trình Café Doanh nhân HUBA lần thứ 52 với chủ đề “Nguồn vốn và thanh toán hiện đại” tại Rex Hotel .

Chương trình có sự tham gia của ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch HUBA; ông Nguyễn Đức Lệnh – Trưởng phòng Tổng hợp kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM; ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch Đồng sáng lập Ví điện tử MoMo; bà Hoàng Thị Hồng Nhung – Trưởng phòng Kế hoạch và Nghiên cứu Phát triển Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC); ông Phạm Linh – Phó Tổng Giám Đốc Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank); ông Huỳnh Thiên Phú – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên HUBA
Phát biểu tại chương trình, ông Chu Tiến Dũng cho biết, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp đã có những kế hoạch tăng trưởng hiệu quả.
“HUBA luôn đồng hành kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Chúng tôi xác định trong giai đoạn tới, vấn đề kinh tế số, vấn đề doanh nghiệp chuyển đổi số là những vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng. Ngành ngân hàng được coi là mạch máu của nền kinh tế, hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển bền vững bằng những giải pháp tài chính của họ. Để vực dậy nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư 01 về các giải pháp hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Cùng với đó, một số ngân hàng thương mại đã ban hành các gói hỗ trợ về giảm lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy chương trình Café doanh nhân HUBA lần thứ 52 với chủ đề “Nguồn vốn và thanh toán hiện đại” là giải pháp để hướng tới đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng kinh tế số, doanh nghiệp số, ngân hàng số.” – Chủ tịch HUBA nhấn mạnh.

Đại diện NHNN Việt Nam, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, NHNN đã có chính sách cơ cấu lại nợ, miễn giảm và gia hạn nợ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, giảm lãi suất cho vay xuống mức trần 1%…

Trả lời cho câu hỏi liệu thị trường Việt Nam đã thực sự sẵn sàng cho việc thanh toán hiện đại, tiến đến không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Bá Diệp – đại diện Ví điện tử MoMo cho rằng việc này không chỉ phụ thuộc vào ngành tài chính ngân hàng mà còn liên quan tới bưu chính viễn thông. Và Việt Nam đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng viễn thông từ hơn 10 năm trước để hướng đến kinh tế số, tiền điện tử… Sự tiện lợi, nhanh chóng, thao tác đơn giản cũng như tính bảo mật thông tin cực cao là lợi thế lớn nhất của việc thanh toán điện tử. Ví điện tử MoMo đang dẫn đầu phân khúc thị trường với hơn 20 ngàn khách hàng, nhờ hệ sinh thái đa dạng và dễ sử dụng. Trong thời gian tới, Ví MoMo triển khai dịch vụ thanh toán thuế qua ứng dụng này, sẽ là lợi thế cực lớn cho các doanh nghiệp khi không phải tốn công sức di chuyển nhiều.

Đồng tình với ông Diệp, ông Huỳnh Thiên Phú – Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Sacombank cung cấp thêm góc nhìn từ một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ. Theo ông Phú, việc lưu trữ thông tin với thời hạn cực lâu khiến ngân hàng điện tử trở nên tiện dụng đối với các khách hàng cá nhân hay tổ chức mỗi khi làm việc với ngân hàng. Đó là lợi thế mà thị trường Việt Nam đang nắm bắt khi triển khai thanh toán không tiền mặt. Và nó sẽ giúp doanh nghiệp quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả nhất.
BTV