fbpx

Nguồn cá trên hồ cạn kiệt, dân Campuchia chuyển qua trồng cây

Thời đánh bắt cá không xuể trên hồ Tonle Sap hồi thập niên 1990 đã qua, bây giờ đa số người dân sống trên nhà nổi phải mưu sinh bằng nghề trồng cây.

Hạn hán và các con đập đã đẩy hồ Tonle Sap vào tình trạng suy giảm lượng cá đến mức báo động. Không những đe dọa nguồn sống của con người mà còn tác động xấu đến các khu rừng đầm lầy và các đầm nuôi cá trong khu vực.

Các đầm nuôi cá trong khu rừng ngập nước xung quanh Tonle Sap đang gặp khó khăn do hạn hán và nạn phá rừng

Từ bỏ nghề đánh cá

Anh Hun Sotharith nhớ lại thời điểm gia đình chuyển đến sinh sống trên hồ Tonle Sap vào đầu những năm 1990. Khu rừng đầm lầy nước ngọt nơi anh đánh bắt dày đặc đến mức khiến Sotharith phải mất một ngày rưỡi để tìm đường trở lại ngôi làng nổi.

Hồi đó, trong mùa mưa kéo dài sáu tháng, vùng đất ngập nước rộng lớn trở thành nơi kiếm ăn, sinh sản và ẩn náu của rất nhiều loài cá, trong đó có loài cá da trơn khổng lồ sông Mê Kông bây giờ được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp. 

Ngày nay, chỉ còn sót lại chút tàn tích của thế giới rừng và cá ở Koh Chivang, 5 làng ở cuối phía Tây Bắc của hồ. Một trận hỏa hoạn vào mùa khô năm 2016 đã thiêu rụi 80% diện tích rừng ngập nước ở đây, phá hủy môi trường sống quan trọng của loài cá và khiến nhiều người trong số 13.000 cư dân, những người sống trong các ngôi nhà nổi, từ bỏ nghề đánh cá, chuyển sang trồng ớt và các loại cây trồng khác.

Những cánh rừng trơ trọi ở tỉnh Preah Vihear, phía Bắc Campuchia

Ảnh hưởng sinh kế hàng triệu người

Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra xung quanh Tonle Sap, hồ lớn nhất Đông Nam Á và là trung tâm của ngành thủy sản nội địa có năng suất cao nhất thế giới. 

Nhiều nơi tại Campuchia giờ đang chứng kiến cảnh tượng đất nông nghiệp cằn cỗi trong lúc mùa nước lũ những năm gần đây đến muộn bất thường. Các đám cháy do đốt đồng càng làm giảm diện tích rừng ngập nước.

Nhiều nhà bảo tồn cảnh báo rằng Tonle Sap, khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, đang đối mặt với một mối đe dọa ngày càng lớn. Nạn phá rừng và suy thoái môi trường có khả năng gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho gần một triệu người Campuchia sống quanh hồ và hàng triệu người khác sống phụ thuộc vào hồ để đánh bắt cá.

Nhiều cư dân sống trên hồ Tonle Sap đang tuyệt vọng vì nguồn cá ngày càng cạn kiệt

Tình hình phá rừng càng thêm tệ hại khi Prey Lang, khu bảo tồn thiên nhiên ở miền Trung Campuchia và một trong những khu rừng thường xanh đất thấp cuối cùng còn sót lại ở Đông Nam Á, bị ảnh hưởng bởi nạn khai thác gỗ trái phép trong lúc chính quyền làm ngơ.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy Tonle Sap mất 31% diện tích rừng ngập nước kể từ năm 1993.

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng rừng ngập nước có nhiều tiềm năng hấp thụ carbon hơn rừng khô, có nghĩa là chúng có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu bằng cách loại bỏ một lượng lớn carbon dioxide khỏi khí quyển và lưu trữ nó.

Các nhà nghiên cứu thuộc dự án “Kỳ quan sông Mê Kông” của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cảnh báo môi sinh ở Campuchia đáng lo ngại, vì còn rất ít rừng ngập nước, loại rừng đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của hệ thống thủy sinh.

Một hệ sinh thái độc đáo bị tàn phá sẽ kéo theo nhiều hệ lụy: Các loại động vật hoang dã bên bờ vực tuyệt chủng, nguồn thủy sản cạn kệt và sinh kế của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.

Hồi trước thập niên 1950, Campuchia được đánh giá cao về mảng thực vật. Mặc dù có diện tích đất nhỏ hơn các nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam, quốc gia này có nhiều khu rừng nguyên vẹn hơn. Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu phát triển vào đầu những năm 2000, tỷ lệ phá rừng cũng tăng theo. Một kế hoạch của chính phủ đã chuyển hơn 10% lãnh thổ của quốc gia cho các công ty nước ngoài toàn quyền khai thác, chủ yếu là các đồn điền cao su, được cho là dẫn đến sự tàn phá môi trường trên diện rộng.

Thiệu Kiệt

(theo National Geographic)

 

CÙNG CHUYÊN MỤC