Người đàn ông cứu hàng trăm người trong lũ dữ
Ông Võ Văn Bình, 66 tuổi, đến dự Đại hội thi đua yêu nước bằng bộ comple đi mượn, toàn bộ tài sản của gia đình đã bị nước lũ cuốn trôi.
Người đàn ông quê xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, mang theo hai bộ quần áo ra Hà Nội dự đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, ngày 10/12. Đó là hai bộ quần áo lành lặn do các đoàn từ thiện tặng sau đợt lũ tháng 10.
Đứng trên sân khấu nhìn xuống hội trường 2.300 khách mời, ông Bình bối rối khi người dẫn chương trình giở chiếc áo ông từng mặc những ngày đi cứu người trong trận đại hồng thủy 41 năm ở Quảng Bình. Chiếc sơ mi đã khô cong, loang đổ vết nâu đỏ đất bùn.
“Cháu được sống thế này là lần thứ hai. Bác Bình, cháu cảm ơn bác”, dưới hội trường, một phụ nữ cất giọng. Đó là chị Nguyễn Thị Luyến, một trong số gần trăm người dân xã Hiền Ninh được ông Bình cứu sống trong lũ.
Nằm ngay ngã ba sông Long Đại hợp với Kiến Giang đổ về dòng Nhật Lệ, đêm 18/10, xã Hiền Ninh hứng lượng mưa hơn 300 mm, ngập sâu gần 2 m. Thấy nước dâng, chị Luyến cùng con trai chuyển dần đồ đạc lên sàn ghép bằng các thanh gỗ sát với mái ngói. Chập tối nước tràn vào nhà, nửa đêm đã lên ngang vách. Nhiều người kêu cứu trên mạng xã hội do nước lũ dâng quá nhanh.
Sáng ngày kế tiếp, ngôi nhà cấp 4 chỉ còn lộ mái ngói. Nhìn vạch pin chuyển sang màu đỏ, chị Luyến bấm số lãnh đạo xã cầu cứu. Nhưng sau ba tiếng đợi chờ, chị phát hoảng khi từng đợt sóng lũ vỗ ầm ầm như muốn xô đổ nóc nhà. Chị tiếp tục cầu cứu, nhưng điện thoại hết pin.
Hai mẹ con bơi qua bờ rào còn nhô lên mặt nước, nơi không bị cành cây che lấp, tìm kiếm hy vọng. Nghe tiếng máy nổ, rồi chiếc thuyền nhôm lướt qua, thấy ông Võ Văn Bình cùng cháu ngoại Võ Nhật Thanh đưa bà cụ hàng xóm thoát ra ngoài, chị cố gọi với theo hàng chục lần. Nhưng tiếng mưa, gió rít, sóng lũ, động cơ nổ ầm ầm át đi tiếng người đàn bà. “Mạ ơi, họ không quay lại nữa mô. Đừng cố chờ nữa”, nghe con trai nói, chị Luyến òa khóc.
Nhưng một lúc sau, ông Bình quay lại. Loay hoay tránh cành cây, tường rào, chiếc thuyền công suất 13CV tìm tới chỗ mẹ con chị Luyến. Cả hai sau đó được đưa đến chỗ cao ráo tránh nạn. Chiếc thuyền của ông Bình nhanh chóng rời đi.
Nghe chị Luyến kể, ông Bình run run xúc động nói: “Trong lũ bão, lực lượng của xã cứu hộ không xuể. Tôi cũng chỉ giúp chính quyền, bà con trong lúc nguy cấp thôi”. Ông cho rằng việc cứu người là lẽ thường tình và không nhớ đã cứu bao nhiêu người trong lũ dữ.
Nhà ông Bình nhìn ra sông Long Đại. Mươi ngày sau nước rút, bàn ghế vẫn chỏng chơ ngoài sân, ngấn nước lũ còn in trên vách tường cao quá đầu người. Căn nhà chỉ có ông và cháu ngoại 15 tuổi chăm lo cho nhau. Thằng bé đã nghỉ học từ năm lớp 7, đi làm xưởng đá cách nhà gần chục km. Ông Bình mở quán bún ốc, bán cho học sinh. Từng là cán bộ ngành thuế, làm việc ở Đông Hà (Quảng Trị), thời bao cấp, ông xin nghỉ sớm, ra ngoài tìm việc nuôi vợ con.
Dăm năm trước, ông gom tiền sắm chiếc thuyền nhôm 50 triệu đồng, tranh thủ chở học sinh, khách du lịch đi thăm cảnh đẹp Quảng Ninh. Tiền công mỗi chuyến 300.000 đồng tính cả xăng. Lần cuối cùng chở khách, ông nhớ là hồi tháng 8, đưa đoàn học sinh nghỉ hè đi thăm hang động. Con thuyền cứ neo ở bến trước nhà, cho đến ngày nước lũ tràn về.
Trong ký ức của cháu ngoại Võ Nhật Thanh, sáng ấy “ông già nghe một cuộc điện thoại, rồi nhảy lên thuyền nổ máy đi”. Qua cổng ngập nước lũ, ông hô với vào nhà “Tau phải đi cứu người. Mi đi không?”. Thấy nó lắc đầu, cố chuyển nốt đồ lên gác, ông Bình nổ máy đi thẳng, không thèm ngoái đầu lại xem nhà mình ra sao.
Một ngày mưa gió vần vũ, ông Bình trở về nhà lúc chập tối. Nhai sống gói mì tôm, mặc nguyên quần áo ướt, ông buông mình xuống sàn gác xép ngủ. Cô con gái trong Sài Gòn gọi về hỏi han, biết bố đi cứu người, liền đăng lên mạng xã hội “Hiền Ninh, Đồng Tư. Ai cần cứu hộ thì gọi ba em” kèm theo số điện thoại. Ông Bình nhận hàng chục cuộc điện thoại gọi đến sau những dòng chia sẻ.
5h hôm sau, ông Bình men theo nóc nhà đi tiếp. Thằng cháu cũng nhảy lên thuyền theo ông. Hai ông cháu đầu trần, kệ mưa táp vào mặt, cứ thế đi tìm người. Họ men theo dòng nước lũ, tìm đến từng ngóc ngách. Ông Bình cầm lái tránh sóng lũ, Thanh tìm cách tiếp cận ngôi nhà, đưa người lên thuyền. Có nhà chỉ còn hai ông bà già, có hộ kèm theo vài đứa trẻ. Người dân được đưa đến chỗ cao ráo, trên đường mòn Hồ Chí Minh, cách làng 4 km.
“Người làng người nước với miềng, không đi cứu mần răng mà yên dạ. Toàn ông bà già với mấy đứa nhỏ, thanh niên đi làm ăn hết, có còn ai mô”, người đàn ông cất giọng nằng nặng, giải thích lý do đầu trần, thuyền chả có phao cứu sinh, nhưng vẫn quyết tâm đi cứu người.
Cho đến một buổi sáng, ông không nhớ ngày, chỉ nhớ vừa đi mua xăng sau một chuyến cứu nạn. Qua ngã ba sông gặp dòng nước xoáy, thuyền quay như chiếc lá quay vòng vòng, mặc ông Bình cố chuyển hướng. Sóng lũ sau đó nhấn chìm thuyền. Ông Bình kịp nhảy thoát thân, rồi được người dân cứu. Chiếc thuyền nhôm bị lũ xô vào thành cầu, móp gập phần thân, một đầu vỡ tan.
Công việc cứu hộ của ông Bình tạm ngừng. Thuyền chìm, điện thoại cũng hết pin, ông ngồi một chỗ chờ nước rút. Những ngày sau đó trời ngừng mưa, dăm hôm thì nước rút. “Chắc là vẫn có người gọi, nhưng miềng không biết”, ông Bình trầm ngâm.
Phong Linh
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-dan-ong-cuu-hang-tram-nguoi-trong-lu-du-4206182.html