fbpx

Ngừng lãng phí thức ăn cũng là cách giúp thế giới  

Giới khoa học cho biết, đã đến lúc con người phải đẩy mạnh tái tạo rác thải như một nguyên liệu thô để bắt đầu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, thay vì tìm tài nguyên trong lòng đất. Bạn có thể góp phần vào việc đó chỉ bằng hành động nhỏ: Ngừng lãng phí lương thực.

Một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc cho thấy nhiệt độ toàn cầu có thể vượt qua ngưỡng nguy hiểm chỉ trong vòng 5 năm tới, là tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng. Vậy thì giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là gì?

Trên toàn cầu, 1/3 thực phẩm được sản xuất cho con người bị lãng phí

Thói quen lãng phí làm cạn kiệt tài nguyên  

“Một lời khuyên khẩn cấp là mọi người trong chúng ta hãy ngừng lãng phí dưới mọi hình thức. Ngừng lãng phí điện năng, thực phẩm, đồ nhựa. Đừng lãng phí – đây là một thế giới quý giá,” chuyên gia David Attenborough nói.

Rác thải rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề môi trường. Thậm chí có nhà vận động môi trường còn gọi chất thải là “mẹ của mọi vấn đề môi trường”. 

Vài năm trước, một nhóm nhà khoa học đã đặt ra chín ranh giới để duy trì “không gian hoạt động an toàn cho nhân loại”. Theo đó, con người chỉ nên phát triển trong giới hạn tài nguyên hữu hạn của trái đất. Việc vượt ngoài ranh giới có thể đẩy chúng ta tới một loạt các điểm giới hạn kéo theo hệ lụy là các thảm họa đối với sự tồn tại của loài người. 

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã vi phạm 4/9 điều: Mất đa dạng sinh học, chuyển đổi đất, tăng lượng phân nitơ và phốt pho và biến đổi khí hậu. Chỉ riêng chất thải thực phẩm được coi là nguyên do ảnh hưởng đến cả bốn ranh giới này.

Thống kê cho thấy, trên toàn cầu, 1/3 thực phẩm được sản xuất cho con người bị lãng phí, trong lúc con người đang chuyển đổi các khu rừng nhiệt đới đa dạng sinh học, nơi hấp thụ carbon từ khí quyển, thành nhiều đất nông nghiệp hơn để sản xuất thực phẩm và bón phân nitơ và phốt pho.

Theo giới khoa học, chỉ cần mỗi người trong chúng ta thay đổi thói quen thường ngày bằng cách ngừng lãng phí thức ăn, sẽ thấy tác động ngay lập tức đến cả bốn ranh giới. 

Rác thải nhựa ở đại dương là một hiểm họa cho sức khỏe con người khi ăn hải sản

Khi bãi rác trở thành nguồn tài nguyên mới

Và không chỉ là thức ăn. 2/3 khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch và các vật liệu khác mà chúng ta lấy từ trái đất được ghi nhận trong tình trạng bị lãng phí trên phạm vi toàn cầu. Ước tính có 47 loại xơ sợi nguyên thủy được dùng trong ngành công nghiệp thời trang nhưng chúng không có trong thành phẩm sau cùng khi đến tay người tiêu dùng.

Con người sắp cạn kiệt helium, nguyên liệu cần cho máy quét MRI nhưng chúng ta vẫn đưa nó vào các quả bóng bay trang hoàng các bữa tiệc, sự kiện giải trí. Chúng ta đang loại bỏ, đốt cháy và chôn vùi những tài nguyên quý giá mà chúng ta khai thác từ trái đất đến mức có nhiều đồng trong tro còn sót lại sau khi chúng ta đốt rác hơn là quặng được khai thác theo cách truyền thống. Thậm chí, có ý kiến của giới khoa học cho rằng, các nguồn tài nguyên chúng ta cần không còn nằm trong lòng đất nữa mà đang ở bãi rác.

Ghế thư giãn được làm từ rác thải nhựa

Nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các hệ thống và sản phẩm hoàn toàn không tạo ra chất thải – và điều đó rấ có ý nghĩa. Có đến 80% tác động đến môi trường của một sản phẩm được đưa vào ở giai đoạn thiết kế, vì vậy đối với các sản phẩm và quy trình mới, chúng ta phải bắt đầu loại bỏ hoàn toàn chất thải.

Bằng cách tái tạo chất thải làm nguyên liệu thô, chúng ta có thể từng bước đem lại sự thay đổi bền vững hơn. Chẳng hạn, Aimee Bollu, nhà sản xuất hàng thiết kế thu thập các mảnh vụn của cảnh quan đô thị, tức là những thứ bị coi là rác rưởi, và nâng cấp nó từ rác đường phố thành đồ vật. Các thành phẩm của họ thách thức nhận thức về những gì chúng ta thẳng tay vứt bỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Nhà thiết kế người Hà Lan Sanne Visser phát hiện một chất liệu tự nhiên chưa được tận dụng – tóc của con người. Lập tức cô đi thu gom tóc rơi vãi tại các tiệm cắt tóc, sau đó kéo thành sợi dây thừng, dùng kỹ thuật thắt nút, macrame và dệt để làm túi, lưới, dây leo núi và thậm chí cả xích đu.

Những ý tưởng tái chế chất thải như vậy giúp chúng ta thực hiện một bước quan trọng hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, để đáp ứng nhu cầu của hiện tại, đồng thời đảm bảo rằng các thế hệ tương lai cũng còn cơ hội sống bền vững.

Thiệu Kiệt

(theo Dezeen)

CÙNG CHUYÊN MỤC