Nạn nhân mới nhất của rác thải nhựa là lạc đà
Sau những sinh vật biển, nạn nhân mới nhất của vấn nạn rác thải nhựa được ghi nhận là loài lạc đà sống tại hoang mạc Ả rập.
Lâu nay, lạc đà Dromedary lang thang trên các sa mạc ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, kiếm ăn ở bất cứ nơi nào chúng có thể tìm thấy. Rắc rối lớn nhất là loài động vật móng guốc thường nhầm lẫn các mảnh vụn và mảnh rác nhựa là thức ăn. Sự nhầm lẫn tai hại này đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe và mạng sống của chúng.

Chết sau khi nuốt 64 kg chất nhựa vào bụng
Hiện tại, rác thải nhựa đã tràn ngập khắp hành tinh từ những đỉnh núi cao nhất đến tận đáy biển. Chúng cũng thâm nhập ngay cả những khu vực tương đối xa xôi và dân cư thưa thớt như sa mạc Ả rập. Một nghiên cứu tại khu vực này cho biết, chỉ riêng ở Dubai, trong số 30.000 con lạc đà được theo dõi hành trình kể từ năm 2008, có tới 300 con đã chết vì nạn ô nhiễm nhựa.
Các bác sĩ thú y địa phương phát hiện ra rằng ruột của những con vật này chứa đầy rác thải nhựa, dẫn đến tắc nghẽn đường tiêu hóa, nhiễm trùng huyết, mất nước và suy dinh dưỡng.
Thậm chí một số con chết vì đã nuốt gần 64 kg chất nhựa.
“Chúng tôi đã khai quật được khối nhựa này, và thực sự kinh hoàng. Tôi không thể tin rằng một khối lượng nhựa lớn bằng một chiếc vali cỡ vừa, tất cả là túi nylon, lại có thể nằm bên trong bụng con vật,” Marcus Eriksen, tác giả cuộc nghiên cứu của Viện 5 Gyres, tổ chức phi lợi nhuận về giải quyết rác thải nhựa, cho hay.
Theo ông Eriksen, trước đây, con người chỉ biết rằng các loài động vật biển có vú, sư tử biển, cá voi, rùa và chim biển bị ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải nhựa. Nhưng bây giờ, thảm họa này không còn là vấn đề đại dương mà là mối đe dọa với các sinh vật sống trên đất liền.

Giải pháp là các lựa chọn thay thế cho bao bì nhựa
Các sa mạc có vẻ giống như môi trường tương đối hoang sơ vì có rất ít người sinh sống ở đó, nhưng rác thải nhựa cuối cùng đã xâm nhập ngay cả những khu vực khắc nghiệt này.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, trong đó có Dubai, số lượng lớn túi nylon, bao bì nhựa và màng nhựa được ghi nhận thường xuyên tràn ra khỏi các thùng rác và bãi chôn lấp. Những cơn gió mạnh thổi bay chúng qua các sa mạc rộng lớn.
Theo các chuyên gia môi trường, túi nylon có thể được gió thổi đi hàng trăm dặm.
Và khi chúng đến sa mạc, những mảnh nylon và mảnh nhựa rất dễ bị các loài động vật như lạc đà nhầm thành thức ăn trong môi trường ít dinh dưỡng. Chất thải nhựa sau đó tích tụ trong dạ dày của động vật móng guốc theo thời gian, gây tắc ruột. Tình trạng này khiến lạc đà cảm thấy no giả tạo và khiến chúng chết đói từ từ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, giải pháp cho vấn nạn rác thải nhựa nằm ở việc cải thiện quản lý chất thải và các lựa chọn thay thế cho bao bì nhựa để lưu trữ cũng như vận chuyển hàng hóa.
Thiệu Kiệt
(theo Dezeen)