Sau tình trạng sạt lở vách núi ở hạ lưu vai trái đập thủy điện Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế) xảy ra vào đầu tháng 12/2020, hiện chủ đầu tư nhà máy rất lo lắng cho sự an toàn của đập.

Sạt lở sát đập thủy điện

Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Nhà máy Thủy điện Hương Điền (thuộc Công ty CP Thủy điện Hương Điền), cho biết đơn vị này đang tiếp tục quan trắc, giám sát và có báo cáo các cơ quan quản lý khi có bất thường. Theo ông Khoa, kế hoạch năm 2021, công ty sẽ phối hợp với tư vấn thiết kế, khảo sát, đánh giá và đưa ra giải pháp để gia cố tổng thể toàn bộ vai trái của đập nhằm bảo đảm an toàn cho công trình.

sat-lo-nui-uy-hiep-thuy-dien
Sạt lở ở vai trái đập thủy điện Hương Điền

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ở khu vực nhà máy thủy điện này là do mưa lớn kéo dài. Theo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế, vị trí điểm sạt lở cách chân đập thủy điện Hương Điền chỉ 60-200 m, khoảng 5.000 m3 gồm phần đất đắp và một phần đất đá phong hóa bị sạt, đổ xuống lòng sông.

Theo đánh giá bước đầu của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế và chủ đầu tư thủy điện Hương Điền, với lòng sông rộng, có hố xói được thi công theo đúng thiết kế nên khối lượng sạt lở không gây co hẹp, tắc nghẽn dòng chảy. Do vậy không ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi chạy máy cũng như khi xả lũ.

Cụ thể, bờ trái thủy điện Hương Điền phần phía hạ lưu đập có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa gần như hoàn toàn, một phần là đất đắp để làm đường thi công trong giai đoạn thi công nên được để lại đợi đến khi mái ổn định hoàn toàn mới gia cố tổng thể.

Thủy điện Hương Điền gồm 3 tổ máy, tổng công suất 81 MW, mực nước dâng bình thường +58 m và được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu chủ đầu tư thủy điện này tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước…; khắc phục nhanh các sự cố, có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi điều tiết lũ.

Không ảnh hưởng đến đập?

Sau sự cố sạt lở vào ngày 12/10 vùi lấp khu nhà điều hành khiến 17 công nhân chết và mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu chủ đầu tư công trình này dừng thi công để đánh giá nguy cơ mất an toàn rất cao tại công trình. UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản đề nghị Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp – Bộ Công Thương hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá cụ thể về sự cố.

Ông Lê Văn Hoa, người nắm cổ phần nhiều nhất của Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 (chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3), thừa nhận yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đối với công tác này phải hoàn thành trước ngày 5/12. Tuy nhiên, ông Hoa cho biết công ty đang đàm phán với đơn vị tư vấn để thực hiện. “Chúng tôi cũng muốn triển khai nhanh việc đánh giá hiện trạng với yêu cầu làm đến nơi đến chốn” – ông Hoa khẳng định.

Theo ông Hoa, yêu cầu của tỉnh Thừa Thiên – Huế là tiến hành đánh giá lại toàn bộ hiện trạng để nếu cần thì bổ sung giải pháp phòng tránh nguy cơ sạt lở, bảo đảm an toàn công trình. “Khu vực đập và nhà máy nằm trên nền đá, chúng tôi đã khoan địa chất đánh giá hiện trạng chính xác trước khi xây dựng. Ở đây chỉ có động đất mới gây nguy cơ mất an toàn chứ mưa lũ thì không ảnh hưởng. Vụ sạt lở ở nhà điều hành là do địa chất yếu, mưa lớn và khu vực này nằm cách xa đập” – ông Hoa cam kết.

Thủy điện Rào Trăng 3 có công suất 13 MW, theo ông Hoa, hiện thi công cơ bản đã hoàn tất nhưng do sự cố sạt lở nên phải tạm ngưng chưa được đưa vào hoạt động thử. “Chúng tôi mong muốn sau khi đánh giá lại toàn bộ hiện trạng thì sẽ được cho phép hoàn thiện xây dựng để nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động” – ông Hoa bày tỏ.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, khẳng định công trình thủy điện Rào Trăng 3 có được thi công tiếp tục hay không, phụ thuộc vào quyết định của Bộ Công Thương sau khi có đánh giá tác động cụ thể.

Khắc phục sai sót thủy điện Thượng Nhật

Ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam – chủ đầu tư công trình thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế), cho biết công ty đang tiến hành khắc phục những thiếu sót tại công trình này theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Bộ Công Thương. Theo đó, đã thi công thông điểm sạt lở đường vận hành nhà máy; phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, lắp các biển cảnh báo xả lũ, khu vực sạt lở hạ lưu đập; hoàn thiện hệ thống camera giám sát đập truyền dữ liệu về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đối với nguy cơ trượt lở vách núi thượng lưu vai phải đập, ông Khoa cho biết đây là khu vực có nền đất cứng nên sẽ tiến hành đắp gia cố. Riêng về xử lý mỏm đá phía hạ lưu bờ phải đập, công ty đã trình phương án lên Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên – Huế để thẩm định.

Bài & ảnh: Quang Nhật

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/sat-lo-nui-uy-hiep-thuy-dien-20201215205507739.htm