fbpx

Một “huyền thoại doanh thu” lung lay và sự dịch chuyển cần thiết

Từ lâu, chợ Bến Thành là ngôi chợ nổi tiếng đắt đỏ nhất Sài Gòn theo nhiều nghĩa. Giới tiểu thương ai cũng biết rằng đây là ngôi chợ có mặt bằng cho thuê đắt đỏ nhất, mà không hề dễ tìm được sạp để thuê, hay sang nhượng.

1. Chợ Bến Thành là ngôi chợ nổi tiếng sầm uất, thu hút du khách trong và ngoài nước đông nhất Sài Gòn. Đến mức có lúc người ta nói với nhau rằng chỉ cần có sạp ở chợ Bến Thành là đủ ăn quanh năm. Doanh thu của các sạp ở đây, dù không được tiết lộ chính thức, nhưng có thể nhìn thấy qua mức giá thuê – sang sạp ở đây. Cách đây khoảng 6 năm, giá sang sạp ở chợ này khoảng 1,5 – 3 tỷ đồng thì đến thời điểm tháng 2/2019 đã lên gấp đôi. Từng có sạp với diện tích 1,5 x 3m2, giá không dưới 7 tỷ đồng mà chủ cửa hàng không muốn sang.

Kinh doanh ở chợ Bến Thành đã không còn “ngon ăn” như xưa.

Thế nhưng, “huyền thoại đắt giá” này đã lung lay khi dịch Covid-19 hoành hành và nay thì, sau hơn một tháng rưỡi, kể từ khi dừng cách ly xã hội, có nguy cơ chấm dứt! Chợ Bến Thành hiện được ví von “vắng như chùa bà Đanh”. Trong hơn 3000 sạp hàng tại đây, có khoảng 50% sạp hàng chưa mở cửa trở lại, thậm chí một số sạp đã dừng hẳn việc kinh doanh, chờ sang nhượng. Đa số sạp này chuyên bán đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, thời trang, phụ kiện… nhắm đến đối tượng khách du lịch quốc tế. Tình hình buôn bán ế ẩm như thế này không cần nói cũng quá rõ lý do vì sao! Chưa kể trước đó, tình hình kinh doanh của các tiểu thương còn bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng nhà ga Metro gần chợ. Với những sạp hàng còn mở, theo nhiều chủ sạp cho biết, doanh thu sau giãn cách xã hội vừa qua không đủ trang trải tiền thuê mặt bằng, dù giá thuê đã được chủ mặt bằng giảm.

Thế nhưng, giá thuê mặt bằng vẫn trên trời. Giá sang nhượng hiện cũng dao động khoảng 0,8 – 1,5 tỷ đồng/sạp, tùy theo khu vực ngành hàng và vị trí sạp. Giá thuê cũng cao ngất ngưỡng. Một sạp hàng chừng 3m2 ở vị trí góc, gần cửa phía Tây chợ, khu vực vốn được coi là “VIP” của chợ, được báo giá đến 30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó là một số ki-ốt rộng chừng 1,5-2,5 m2 được báo giá 10-20 triệu đồng/tháng.

Các công trình thi công Metro cũng ảnh hưởng một phần chuyện kinh doanh của tiểu thương ở chợ Bến Thành.

Chị T., một tiểu thương lâu năm ở chợ, giờ đang bắt đầu công việc mới, làm đại lý bảo hiểm. Chị nói: “Sau Tết, tháng đầu tiên, tôi còn sốc vì doanh thu, tháng thứ 2 thì hy vọng hết dịch khách sẽ quay trở lại, tới tháng thứ 3 thì cầm cự không nổi. Tôi quyết định trả sạp, chấp nhận lỗ, chuyển nghề. Không phải mình đã hết hy vọng, mà là tôi nhận ra mình không thể cầm cự mãi. Mình phải hiểu một điều rằng dịch Covid-19 tương lai không biết thế nào thì không thể ngồi đó trông mong trở lại như ngày xưa. Giống như mình “sống chung với lũ” vậy. Phải thức thời chuyển nghề, dù công việc cũ tôi đã có thâm niên mười mấy năm”. Chị T. tâm sự, nhiều tiểu thương ở chợ khá lúng túng khi chấp nhận thực tế việc kinh doanh chợ Bến Thành không còn là con gà đẻ trứng vàng, và không biết phải chọn giải pháp nào khả thi hơn, khi đây từng là nguồn thu rất lớn của mình. “Tất cả những dự đoán này nọ về dịch Covid-19 chỉ có tính tham khảo thôi, không thể dựa vào đó mà chờ trở lại thời vàng son của chợ. Mình phải xoay sở để tồn tại. Sao cứ phải bám níu và hy vọng vào một thứ mình không chắc chắn. Thu nhập của công việc mới của tôi chắc chắn ít hơn, nhưng tôi tự tin hơn”. Chị T. nói.

2. H, một nữ phóng viên lâu năm mảng giải trí, thường xuyên gặp gỡ giao du với người nổi tiếng. Thời cách ly và hậu giãn cách vừa qua là lúc chị bận rộn nhiều nhất với công việc chị không bao giờ mình nghĩ sẽ làm được: ngồi bán hàng trái cây. Từ một việc muốn giải cứu giúp số lượng xoài nhà người bà con và hàng xóm quê nhà miền Tây, có thêm đồng ra đồng vào khi thu nhập bị thu hẹp, chị H. đã bán được đến hơn 1,5 tấn xoài và gần một tấn măng cụt chỉ trong vòng một tháng. Bán hàng online là điều mà chị H không ngờ tới và không tin trong trào lưu nhà nhà đều bán hàng online, mà doanh thu mình lại tốt như thế.

Chị H. tâm sự, chả có gì ngại ngùng xấu hổ với việc mới cả. Covid-19 là cơ hội để mình thức thời hơn, khám phá thêm những khả năng khác của mình, chẳng cao siêu gì, để tồn tại và sống bằng những mưu sinh chính đáng.

Chợ Bến Thành, bao giờ trở lại sầm uất như xưa?

3. Mảy Linh, chủ một homestay có tiếng, từng rất đông khách ở Cao Bằng rất tâm đắc khi nhắc lại câu chuyện mà nhiều cư dân mạng chia sẻ về Kosit Rattanasopon, 37 tuổi, ở Thái Lan. Khi hãng hàng không Thái Lan ngừng bay, lâm cảnh phá sản phải cầu cứu chính phủ, cũng là lúc anh này thay đổi đồng phục phi hành đoàn của mình thành đồng phục của một tài xế giao hàng. Anh vận chuyển thức ăn quanh Bangkok trên chiếc xe máy của mình, chấp nhận một công việc dưới đất và thu nhập dưới đất so với công việc trên trời và thu nhập đáng mơ ước trước đó. Kosit kiếm được khoảng 1.000 baht (khoảng 31,13 đô la) mỗi ngày, chỉ đủ để hỗ trợ cha và chị gái, người cũng đang nấu các bữa ăn đóng hộp để bán trực tuyến. Anh nói “Tôi biết sự khó khăn chỉ mới bắt đầu, chí ít một năm nữa cũng sẽ vậy, nhưng chúng ta hãy cùng cố gắng mọi người nhé.”

Mảy Linh nói, đây cũng là ý cô cũng muốn nhắn gửi các bạn làm dịch vụ du lịch như mình, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chọn thêm công việc phụ để có thu nhập trang trải cho gia đình, cá nhân và duy trì dịch vụ du lịch, để vượt qua thời gian đại dịch. “Mùa dịch này, Linh có thêm nghề tay trái là buôn bán thực phẩm. Đừng bao giờ ngồi kỳ vọng rồi mọi thứ sẽ hồi sinh như cũ, đừng ngần ngại thay đổi. Hãy luôn tự hỏi mình tồn tại như thế nào, cũng như nguyên tắc kinh doanh không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ quan trọng ra sao. Kinh doanh thời buổi này chưa bao giờ hết khó khăn, nhưng không có nghĩa là không có lối. Nghề nào cũng đáng trân trọng giữa mùa dịch Covid-19 này. Lao động là vinh quang! Câu này nghe có vẻ sáo nhưng thật đúng lúc và cần thiết trong mùa này”. Linh chia sẻ.

Sơn Trà

CÙNG CHUYÊN MỤC