Michelle: ‘Tôi không muốn là món trang trí đỏm dáng bên Obama
“Tôi không muốn trở thành một món trang trí đỏm dáng xuất hiện tại các bữa tiệc và lễ khánh thành. Tôi muốn làm những việc có mục đích và có giá trị bền vững”, Michelle viết.
Chất Michelle (tên tiếng Anh: Becoming) là cuốn hồi ký của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama mới phát hành bản tiếng Việt. Trước đó, tác phẩm là hiện tượng xuất bản toàn cầu, được dịch sang 31 ngôn ngữ và trở thành cuốn sách bán chạy ở nhiều quốc gia trong năm 2018.
Chia sẻ mục đích thực hiện cuốn sách, Michelle Obama bộc bạch: “Hy vọng chính yếu của tôi là tạo ra một quyển sách có thể hữu ích với nhiều người, để trao cho họ điều gì đó mà họ có thể áp dụng trong cuộc sống. Vì lẽ đó, tôi tập trung kể lại câu chuyện đời mình một cách chân thực nhất có thể”. Và khi dũng cảm kể lại câu chuyện của chính mình, bà khiến những người dõi theo phải đối diện với câu hỏi lớn trong cuộc đời: Chúng ta là ai, và chúng ta muốn trở thành ai?
“Tôi chưa bao giờ thích chính trị”
Quá trình thực hiện hồi ký hóa ra lại là trải nghiệm đầy ý nghĩa với Michelle Obama, điều mà suốt một thập kỷ qua vị cựu Đệ nhất phu nhân ấy không đủ thời gian thực hiện kể từ khoảnh khắc bà gật đầu ủng hộ chồng đứng ra tranh cử vị trí tổng thống nước Mỹ.
Trong hồi ký, lần đầu tiên Michelle Obama vén màn những năm tháng đầu tiên của cuộc hôn nhân, khi bà cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình với sự nghiệp chính trị tiến triển quá nhanh của chồng. Đã có lúc, người phụ nữ ấy thầm mong chồng không tham gia tranh cử và hướng sự chú ý của truyền thông sang nơi khác: “Những đêm Barack ở Washington, tôi nằm một mình trên giường, cảm giác như thể đang chống cả thế giới. Tôi muốn giữ riêng Barack cho gia đình mình trong khi tất cả những người khác dường như muốn anh làm việc cho đất nước”.
Đi qua hơn nửa tập hồi ký, người ta chứng kiến sự thay đổi của bà, từ một người vợ giàu tham vọng luôn khao khát có một gia đình ổn định trở thành người sẵn sàng xuất hiện trước công chúng, mang con đi khắp các tiểu bang nước Mỹ để diễn thuyết nhằm tranh thủ từng lá phiếu cử tri ủng hộ chồng. Ở tuổi ngoài 40, Michelle Obama chọn gác lại sự nghiệp đang thăng tiến để chấp nhận đứng sau hỗ trợ cho người đàn ông đời mình. Ít ai biết, đằng sau quyết định hy sinh ấy là nỗi buồn xen lẫn những giọt nước mắt.
“Tôi từng bị mỉa mai và đe dọa quá nhiều lần, bị chèn ép vì là người da đen, là phụ nữ và vì là người dám lên tiếng. Tôi cảm nhận được sự giễu cợt nhằm vào cơ thể mình, về khoảng không gian tồn tại hữu hình của tôi trên thế giới này”, bà cay đắng nhớ lại. Michelle ý thức bản thân hoạt động năng nổ hơn nhiều vợ chồng các ứng viên tổng thống khác. Và đây chính là lý do khiến bà trở thành mục tiêu công kích của nhiều người.
“Tôi đâu lựa chọn những điều này. Chưa bao giờ tôi ưa chính trị. Tôi chọn từ bỏ công việc và danh tính của mình vì những điều này ư? Sức mạnh của tôi đâu mất rồi”, Michelle Obama
Vốn xuất thân là một luật sư tốt nghiệp từ Viện đại học Princeton và Đại học Luật Havard, bản năng của Michelle là đáp trả, lên tiếng vạch trần những điều mà bà cho là bất công. Tuy nhiên, những quy luật ngầm trong giới chính trị đã không cho phép bà làm điều ấy: Tốt nhất là đừng phản ứng, đơn giản là hãy chịu trận và cứ thế tiến lên. Chính việc phải chịu đựng những điều phi lý đó khiến bà cảm thấy khổ sở.
Cho đến tận bây giờ, Michelle Obama vẫn không dùng lời lẽ hoa mỹ để che đậy cảm xúc của mình về chính trị. Những trải nghiệm khó quên trong quá khứ đã cho bà ấn tượng rằng chính trường là nơi không có chỗ cho người tốt. “Tôi chưa bao giờ là người thích chính trị, và những gì tôi đã nếm trải suốt mười năm qua chẳng làm suy chuyển quan điểm này của tôi”.
Dù vậy, bà vẫn tin rằng ở góc độ tốt đẹp nhất, chính trị có thể là phương tiện để tạo ra nhiều sự thay đổi tích cực, mà bản thân bà là minh chứng rõ ràng nhất.
Từ một người chưa bao giờ được hướng dẫn cách ứng xử với truyền thông, một nhân vật thường xuyên gánh chịu nhiều chỉ trích, Michelle Obama đã biết lên kế hoạch cho mỗi lần xuất hiện trước công chúng, biết cách tạo ra sự xôn xao có mục đích lẫn việc tận dụng lợi thế của bản thân. Bà nghiệm ra, nếu không bước ra ngoài và khẳng định bản thân, bạn sẽ nhanh chóng bị người khác đánh giá sai lệch. Sức mạnh vốn nằm ở việc ta để cho bản thân được người khác biết tới và lắng nghe, trong việc sở hữu câu chuyện riêng của mình, sử dụng tiếng nói chỉ riêng mình có.
Với giọng văn duyên dáng, thẳng thắn và hài hước, bà cũng tiết lộ những câu chuyện hậu trường sống động về bước nhảy làm nên lịch sử của gia đình bà, một bước nhảy đã đưa gia đình Obama vào tâm điểm của thế giới và trải qua tám năm đáng nhớ trong Nhà Trắng. Đó cũng là quãng thời gian giúp bà hiểu hơn về nước Mỹ và để quốc gia đó hiểu bà nhiều hơn.
Vị đệ nhất phu nhân luôn đi ngược truyền thống
Không có cẩm nang nào hướng dẫn làm đệ nhất phu nhân Mỹ. Trên thực tế, đó còn chẳng phải là một công việc hay một chức danh chính thức trong văn phòng chính phủ. Trong mắt Michelle Obama, đệ nhất phu nhân Mỹ không hề được trả lương và cũng không có bổn phận rõ ràng nào cả. Nó chỉ là một chỗ ngồi phụ bên cạnh chiếc ghế tổng thống, một chỗ ngồi mà đến lúc bà nhận lấy thì từng có hơn 40 phụ nữ khác từng ngồi, mỗi người một kiểu.
Là đệ nhất phu nhân Mỹ gốc Phi đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng, Michelle Obama hiểu bản thân gần như được mặc định sự khác biệt trong mắt mọi người. Bà cũng từng có cảm giác háo hức và cảm thấy nhỏ bé khi nhận lấy danh xưng “đệ nhất phu nhân”, nhưng chưa một lần nghĩ đó là một vị trí dễ dàng và hấp dẫn. “Không một ai nghĩ như vậy khi họ có chữ ‘đầu tiên’ và ‘da đen’ gắn liền với mình”, bà viết.
Đó là quan điểm của bà và các con khi họ trở thành gia đình Mỹ gốc Phi đầu tiên sinh sống trong Nhà Trắng. “Chúng tôi biết rõ bất cứ sai sót hay khuyết điểm nào cũng sẽ bị phóng đại và trở thành điều gì đó to tát hơn bản chất của nó”, bà nhớ lại. Và càng dấn sâu vào những trải nghiệm ấy, bà càng cảm thấy mình cần lên tiếng chân thành và thẳng thắn hơn về ý nghĩa của việc bị gạt ra ngoài xã hội lý do chủng tộc hay giới tính.
Trong khi truyền thông mong chờ bà xuất hiện dưới hình ảnh một đệ nhất phu nhân với dáng vẻ nhẹ nhàng thanh lịch, dùng lòng tận tụy của mình để làm đẹp lòng tổng thống, và làm hài lòng công chúng bằng cách tuân theo những quy tắc lâu nay, thì người phụ nữ đặc biệt này lại chọn sử dụng tầm ảnh hưởng của mình nhằm những thay đổi tích cực trong xã hội, dù là nhỏ nhất.
Bản thân Michelle có sức ảnh hưởng nhất định đến người dân Mỹ khi họ truyền tai nhau về câu chuyện cuộc đời bà. Họ ngạc nhiên khi biết một cô gái da đen thành thị có thể với tới những ngôi trường đại học lớn ở Mỹ, làm tại công ty luật danh tiếng Sidley Austin, có được những công việc thuộc cấp quản lý chính quyền Chicago và sau đó là bước chân vào Nhà Trắng.
Đó là vị đệ nhất phu nhân đặc biệt, người chưa bao giờ phủ nhận bản thân là một người bình thường được tham gia vào một hành trình phi thường. Và bằng cách chia sẻ câu chuyện đời mình trong cuốn hồi ký, bà hy vọng có thể khơi gợi những câu chuyện khác, những tiếng nói khác để mở rộng con đường cho những con người xứng đáng.
Vân Thảo
Theo Zing.vn