fbpx

Mái ấm của những đứa trẻ đặc biệt

Nếu lần đó chị Thảo đưa cô bé lớp 5 ở Cà Mau về Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc sớm hơn, có thể em đã không tìm đến cái chết.

Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc là nơi nuôi dưỡng những trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Căn nhà có khuôn viên thoáng rộng với hơn 10 phòng, được bảo vệ bởi cánh cổng cao, chắc chắn, nằm trong con hẻm gần chợ Long Phước, quận 9.

Trưa một ngày đầu tháng 10, gần chục bé gái 5 – 6 tuổi mặc đồng phục học sinh ùa đến bên chị Nguyễn Yên Thảo (38 tuổi, Giám đốc điều hành Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc) nói cười rối rít. Không khí trước bậu cửa phòng ăn cứ thế rộn ràng khi cô bé nào cũng muốn khoe điểm 9, 10 để được nhận lời khen ngợi từ chị Thảo. Thật khó để nhận ra chúng từng là những đứa trẻ tự ti, khép kín với cả thế giới xung quanh.

Chẳng đứa trẻ nào muốn rời xa gia đình. Nhưng vì các em bị chính người thân xâm hại nên chúng tôi không thể để một bé nào tiếp tục sống trong môi trường như thế“, chị Thảo nói, hướng mắt về lũ trẻ đang túm tụm dọn dẹp sau bữa ăn trưa.

Chị Thảo (trái) bên các bé trong Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc.
Chị Thảo (trái) bên các bé trong Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến 2018 và 6 tháng đầu năm nay toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em. Trung bình 8 giờ có một em bị xâm hại, 93% thủ phạm là những kẻ quen biết với nạn nhân… Riêng tại TP.HCM từ năm 2017 đến quý một năm nay xảy ra 147 vụ.

Từ thông tin trên báo đài hoặc từ chính quyền địa phương, chị Thảo và những cộng sự biết đến nạn nhân bị xâm hại, tìm để trao đổi với gia đình. Có cô bé học lớp 5 nhưng thân hình chỉ như trẻ lớp 2, còm nhom. Xa cha mẹ, em ở với ông bà và bị chính ông mình xâm hại. Phát hiện sự việc, bà của em rất sốc, chới với vì không biết đưa cháu mình đi đâu. Được chính quyền địa phương giới thiệu, bà gửi bé vào Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc. Ngày chia tay cháu, bà khóc rất nhiều, không nỡ rời xa nhưng lại không thể tiếp tục để bé ở nhà.

Chị Thảo kể, gần hai năm trôi qua, song đến giờ vẫn còn day dứt chuyện cô bé lớp 5 ở Cà Mau tự tử sau khi tố cáo bị hàng xóm hiếp dâm. Bé mất trước hai ngày vào cơ sở này sống với các bạn cùng hoàn cảnh. “Giá ngày đó tôi quyết liệt hơn, đưa bé vào sớm hơn…“, chị Thảo bỏ lửng câu nói.

Để tránh xáo trộn cuộc sống của những đứa trẻ ở đây, người ngoài bị hạn chế vào thăm. Tổ chức, cá nhân muốn liên hệ phải ký giấy cam kết bảo mật thông tin, chính sách bảo vệ trẻ em; không chụp hình, quay phim; không tiết lộ thông tin; không hỏi trẻ những vấn đề nhạy cảm hoặc gợi nhắc chuyện xấu gặp phải…

Các bé vui chơi trong khuôn viên ngôi nhà.
Các bé vui chơi trong khuôn viên ngôi nhà.

Ở đây các em được đi học văn hóa, được dạy kỹ năng sống. Hoàn cảnh từng bé đều được chị Thảo trao đổi trước với nhà trường, cô giáo chủ nhiệm để các em được đối xử phù hợp. Mỗi tuần hai lần có chuyên gia tâm lý đến nói chuyện, vui chơi cùng các em. Trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý nặng chuyên gia sẽ đồng hành, theo dõi quá trình điều trị.

Điều trị tâm lý cho các em là một quá trình khó khăn, không phải ngày một ngày hai. Chúng tôi trong khả năng của mình hỗ trợ để các em được sống trong môi trường lành mạnh“, chị Thảo nói.

Thường, các bé ở đến năm 18 tuổi thì đi học nghề, hoặc cao đẳng, đại học tùy năng lực. Ở tuổi cập kê, các em cũng muốn bước ra ngoài để có nhiều bạn bè. Các bé ở đây được về thăm nhà vào các dịp lễ, tết. Nếu bé nào muốn về, hoặc gia đình yêu cầu cho bé về thì hai bên sẽ ký kết, làm thủ tục.

Năm 2009, tổ chức phi chính phủ của Mỹ OBV (One Body Village) thành lập Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc để giải cứu và nuôi dưỡng trẻ em bị khai thác, xâm hại tình dục. Cơ sở này hoạt động dưới sự quản lý của Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc (thuộc Trung ương Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam).

Sau ba lần chuyển địa điểm từ quận Tân Bình về Củ Chi, ngôi nhà mới ổn định tại quận 9. Trong 10 năm hoạt động, nơi đây đã đồng hành, nuôi dưỡng và hỗ trợ điều trị tâm lý cho hàng trăm bé gái bị xâm hại.

Bà Lý Lệ Hằng (Chánh văn phòng Hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam tại phía Nam) cho biết, suốt những năm qua cơ sở hoạt động rất tốt. Vào đây, các em được lo tiền khám chữa bệnh, ăn uống, học hành. Thậm chí, có những gia đình khó khăn không có tiền dẫn con từ quê lên cũng được hỗ trợ kinh phí.

Nếu không có những nơi như thế này, nhiều gia đình bế tắc không biết đưa trẻ đi đâu. Tôi từng dự đám cưới một cô bé lớn lên tại đây. Em quay về tổ chức đám cưới như một lời cảm ơn đến các cô. Các em khác cũng thường quay về thăm, giúp đỡ những đứa trẻ cùng hoàn cảnh như mình“, bà Hằng nói.

Chị Quỳnh Ngọc – người chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho các bé, cho biết, lúc mới vào đây trẻ còn ám ảnh chuyện bị xâm hại. Chúng lầm lì, trơ cứng nhưng giữa đêm lại la hét, khóc lóc. Có lần một bé gái chạy ào ra bờ sông đòi tự tử, may mà chị Ngọc đuổi kịp, đưa về.

Hay có cô bé bị bán qua Singapore, được giải cứu về trong tình trạng sang chấn tâm lý nặng. Suốt thời gian dài em thường xuyên la hét, gặp ác mộng, chạy tán loạn khắp nhà. Dần dần qua nhiều năm, em được yêu thương, điều trị tâm lý mà hồi phục. Hiện, cô đang hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

Uyên Trinh

Theo VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC