Lựa chọn Xanh – xu hướng mới của thế hệ Millennial
Với những bạn trẻ thuộc thế hệ Millennial (Gen-Y), lựa chọn Xanh đang trở thành làn sóng mới, phong cách mới.
Một thế hệ trẻ sở hữu tư duy “xanh”
Millennial (Y) là cụm từ được dùng để gọi thế hệ trẻ sinh ra trong khoảng 1981 – 2000 (theo tạp chí Times), một nhóm người chiếm 24% tổng dân số toàn cầu và đạt tỉ trọng tới 38% tổng dân số tại Việt Nam.
Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Y thích dành thời gian khám phá những điều mới lạ xung quanh, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và đề cao tư duy “sống xanh”, họ cũng sẵn lòng chi trả mức giá cao hơn cho các hình thức du lịch xanh.
Theo các các báo cáo của giới chuyên môn, phần lớn lý do du lịch xanh thu hút được sự quan tâm của thế hệ Y bởi các hoạt động của chuyến đi ấy giúp họ nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của thiên nhiên, sự tác động qua lại giữa hệ sinh thái và chất lượng sống của con người.
Bảo vệ màu xanh của Trái đất
Ô nhiễm môi trường là thông tin chúng ta bắt gặp hàng ngày trên mọi phương tiện thông tin đại chúng: Trái đất nóng dần nên, các khối băng ở Bắc cực và Nam cực tan nhanh hơn, lụt lội, khói xe, bão cát…diễn ra liên tiếp và đạt ở mức đáng bảo động. “Lá phổi xanh” cũng ngày một bị thu hẹp lại. Rác thải nhựa có mặt ở khắp các ngõ ngách.
Tại Việt Nam, ước tính mỗi người dân tiêu thụ khoảng từ 30 đến 40kg nhựa/năm và là một trong bốn quốc gia tại châu Á (sau Trung Quốc, Indonesia và Philippin) phát sinh chất thải nhựa nhiều nhất. Nếu khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni-lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon bị thải ra môi trường đã xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Và một những những nguyên nhân gây ra sự ùn ứ rác thải và ô nhiễm này là từ việc phát triển nóng của ngành du lịch và thói quen của con người. Khi đi chơi xa, mọi người thường sẽ hạn chế đồ đạc lỉnh kỉnh và tìm tới các giải pháp gọn nhẹ, “dùng một lần xong rồi vứt”, không cần dọn dẹp, không cần lau rửa. Tuy nhiên, việc xử lý các loại rác thải sử dụng một lần đó lại chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận thức được sự “tổn thương” mà môi trường đang phải hứng chịu, những bạn trẻ thế hệ Y đã đồng lòng lựa chọn hình thức Du lịch Xanh, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng và địa phương. Và một trong những thách thức đầu tiên trong quá trình đó chính là dần loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần thông thường ra khỏi các hoạt động thường nhật.
Lựa chọn Xanh: sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn
Sau một khoảng thời gian dài tung hô và ưa chuộng túi ni-lông và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, giờ đây con người đang sợ hãi và tìm cách hạn chế “quyền lực” của nó. Có rất nhiều giải pháp và sản phẩm được đưa ra như sử dụng túi giấy, túi vải, túi dứa dùng nhiều lần hoặc túi vi sinh phân hủy hoàn toàn (compostable).
Nếu như nhựa có nguồn gốc từ các sản phẩm hóa dầu nên rất khó phân hủy (thời gian kéo dài trên 100 năm) thì những sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn (compostable) lại có nguồn gốc hữu cơ như tinh bột bắp (ngô), lúa mì, khoai sắn….
Giống như tên gọi, các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn có thể phân hủy hoàn toàn thành CO2, nước và phân mùn hữu cơ trong vòng 6 tháng đến 1 năm với các điều kiện chôn lấp tự nhiên hoặc ủ công nghiệp, không sản sinh ra vi nhựa ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường sống.
Không đơn giản như sản xuất một chiếc túi ni-lông thông thường, để có được một sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn đạt tiêu chuẩn quốc tế, các nhà cung cấp phải đầu tư dây chuyền tiên tiến kết hợp cùng công nghệ hiện đại và được giám sát, kiểm định kĩ lưỡng rồi mới được trao tới tay người tiêu dùng.
Một trong những chứng chỉ uy tín nhất đối với các sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn là chứng nhận OK Compost. Đây là chứng nhận được cấp bởi TUV (tại Áo) – tổ chức kiểm định và chứng nhận được Hiệp hội Nhựa sinh học Châu Âu ủy quyền để đưa ra kiểm định và chứng nhận mọi vấn đề liên quan đến an toàn kỹ thuật, chất lượng và bảo vệ môi trường.
Mỗi sản phẩm compostable vượt qua được vòng kiểm định của TUV Austria sẽ nhận được cấp chứng nhận OK Compost cho mỗi điều kiện phân hủy riêng, ví dụ: OK HOME COMPOST (khả năng phân hủy tại môi trường chôn lấp tự nhiên, tại nhà), OK COMPOST Industrial (khả năng phân hủy trong môi trường ủ công nghiệp).
Nhờ sự “khắt khe” trên, một tỉ lệ lớn các bạn trẻ thuộc thế hệ Y đã và đang gắn kết các sản phẩm thân thiện này đồng hành cùng hình thức du lịch xanh, nỗ lực đầy lùi thói quen sử dụng đồ nhựa khó phân hủy không chỉ trong các chuyến du lịch mà còn cả trong cuộc sống hàng ngày.
Trẻ trung, năng động và có nhận thức tốt, thế hệ Millennials chắc chắn sẽ thay đổi diện mạo của Trái đất hiện nay và phủ lại màu xanh tươi tốt như ngày nào. Tư duy xanh, hành động xanh, lối sống xanh… là những cụm từ sẽ còn được nhắc tới rất nhiều trong tương lai.
S.C
Theo Tuổi Trẻ Online