fbpx

Làng nghề xứ Quảng – Đầy những thăng trầm, lắm chuyện buồn vui!

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng trên dưới 50 làng nghề đang tồn tại ở xứ Quảng. Con số này luôn luôn dao động trên thực tế, và có xu hướng ngày càng mai một…

Làng nghề truyền thống xứ Quảng rất đa dạng. Từ những sản phẩm gắn bó thân thiết đến đời sống hàng ngày như làng chiếu Cẩm Nê, Bàn Thạch, làng lụa Mã Châu, làng rau Trà Quế, đến những vật dụng trưng bày như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng gốm La Tháp, cả đồ thờ cúng, mỹ nghệ tinh xảo cũng có làng đảm trách như làng đúc đồng Phước Kiều… Từ ăn vặt ăn chơi đến phục vụ bữa ăn chính có làng khô mè Cẩm Lệ, bánh tráng Túy Loan, nước mắm Nam Ô…

Những làng nghề hấp hối

Làng rổ Triều Châu ở xóm Bàu, thôn Vân Quật, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên hình thành từ hàng trăm năm nay. Thời điểm cực thịnh từng có gần 90% gia đình theo nghề đan rổ được làm từ tre nứa. Người dân nơi này cho biết, cách đây 5 năm còn khoảng 50 hộ đan rổ. Và hiện tại, ngay lúc này, khi tôi đến, chỉ còn 3 hộ. “Hồi xưa nhiều người dùng rổ tre, làm không kịp bán, bây giờ người ta dùng rổ nhựa nhiều hơn nên rổ tre khó tiêu thụ. Biết làm sao được, bây giờ xu hướng vật dụng gì cũng làm đồ nhựa cả, sản phẩm mình làm bán không chạy cũng phải thôi.”

Làng rổ Triều Châu.
Làng rổ Triều Châu.

Bà Nguyễn Thị Nhược, một trong những người còn sót lại của làng đan rổ cho biết: “Một cái rổ làm hết 7 công đoạn, một ngày một người đan trung bình được 4 cái, bán được 16 ngàn đồng. Nghĩa là một ngày đan miệt mài, tiền có được không quá 5, 6 chục ngàn”. Hàng xóm bà  Nhược góp chuyện: “Tiền kiếm được quá thấp nên không thu hút được thanh niên. Đám trẻ trong xóm đứa đi học xa, đứa làm công nhân, thợ công trình nên chỉ còn người già và con nít. Như tui, gần 60 rồi, chân đau không  làm gì được thì làm nghề này”.

Thu nhập thấp, lớp trẻ không mặn mà với nghề truyền thống cha ông, nghề đan rổ ở xóm Bàu dần đi vào ngõ cụt. Nơi đây không thuận tiện các tuyến tour, giải pháp nhờ du lịch vực dậy một phần làng nghề là chuyện khó. Làng nghề truyền thống hàng trăm năm này không có lối ra và chờ ngày hấp hối, chỉ hy vọng thói quen tiêu dùng thay đổi để vực dậy.

Số phận làng rổ Triều Châu không khác gì làng chiếu Cẩm Nê, ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, cách Đà Nẵng 14 km.

Đến làng chiếu Cẩm Nê, hỏi chuyện dệt chiếu ai cũng cười “chừ còn ai dệt chiếu nữa đâu, bỏ nghề hết từ lâu rồi”. Nhưng có lẽ vì thế mà hỏi nhà bà cụ Phan Thị Đào dệt chiếu, ai cũng biết. Bà là người cuối cùng dệt chiếu của cái làng này. Tôi không may khi tìm đến thì bà Đào vừa đi bệnh viện nằm điều trị một thời gian, chỉ có anh con trai út bà ở nhà tiếp chuyện, bên ngôi nhà mái tranh vách đất, nền cũng đất, xiêu vẹo cũ kỹ, nơi bà Đào dệt chiếu mỗi ngày. Đây là nơi hay được giới truyền thông, công ty du lịch bày quang cảnh dệt chiếu, phơi cói ra để ghi hình quảng bá tuyến tour. Còn thực tế, chỉ mình bà lụi cụi dệt chiếu mỗi ngày. Anh con trai bà bảo nhà không ai theo nghề cả. Anh cho biết: “Đi làm thợ nề hay thợ đụng thợ hồ cũng khá hơn là ngồi dệt chiếu.” Khách tới, con cháu bà chỉ biết phụ mỗi việc là lấy chiếu ra cho khách xem. Phụ việc bà Đào, là 2 người giúp việc khác trong làng. Bà thuê để giúp bà làm một số công đoạn, vì bà già rồi, không thể làm hết.

Bà Đào đã trên 80 tuổi rồi, không biết sống được bao lâu nữa. Mà nếu lỡ bà có chuyện gì, thì coi như làng chiếu Cẩm Nê xóa sổ.

Làng hồi sinh từ một truyền nhân  trẻ

Tôi có hai cảm xúc trái ngược nhau khi đến làng lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Khác với hình dung về một làng làm lụa từng nổi tiếng nhất xứ Quảng Nam, sản phẩm từng có thời gian chỉ phục vụ cho giới quý tộc cung đình, hiện tại làng lụa Mã Châu tiêu điều xơ xác. Hơn 2000 ha trồng dâu nuôi tằm giờ chỉ còn khoảng 2 ha. Cả làng chỉ còn một cái vỏ cho người ta biết nơi đây từng là làng lụa, mà đại diện là các dãy nhà cũ của hợp tác xã dệt lụa Mã Châu đã từ lâu không hoạt động, cho đến khi một thành viên, ông Trần Hữu Phương mua lại nơi này, để tiếp tục giấc mơ từng được cho là viển vông của truyền nhân đời thứ 18 một dòng họ làm nghề nổi tiếng ở làng Mã Châu. Một giấc mơ khiến ông từng bị cô độc cả với người thân: làm hồi sinh làng lụa Mã Châu. Ông Phương đã kiên trì ăn ngủ, buồn vui và có lúc tưởng khánh kiệt với niềm đam mê ấy, cuối cùng cũng nhận được những tín hiệu vui của bạn đồng hành. Không đâu xa, chính là cô con gái đầu lòng của ông – Trần Thị Yến. Một cô gái còn rất trẻ, mới 27 tuổi đời, không quan tâm gì đến việc của cha cho đến một ngày, như là duyên nghiệp, cô bỏ hết để về quê phụ cha mình một tay, cùng một quyết tâm: phải hồi sinh lại làng lụa Mã Châu, khi cả làng giờ chỉ còn cha con cô theo nghề.

Làng lụa Mã Châu.
Làng lụa Mã Châu.

Bên trong những ngôi nhà cũ kỹ ấy là hai cha con và những máy dệt cũ có, mới có, tự sáng chế mày mò cũng có. Sau nhiều năm, với nhiều tự tin và không ít thất bại, loay hoay tìm lối ra cho lụa, rốt cuộc thì kỳ vọng của cha con ông Phương đã nhận được những tín hiệu khả quan từ thị trường. Chút tự hào, chút hy vọng đó đến từ những ưu việt rất riêng của lụa Mã Châu và những ngày làm việc quên ăn của hai cha con ông.

Khi hàng Trung Quốc xâm nhập ồ ạt, lụa Mã Châu đứng trước nguy cơ mai một. Bây giờ, lụa Mã Châu đã gắng gượng đứng dậy và bước tới. Chưa hẳn vững chãi, nhưng tự tin hơn vì đã có hướng đi”, Trần Thị Yến kể. Đi lần hồi từng bước một để níu, để giữ cái nghề của cha ông, ý nguyện và mục đích của cô không chỉ là để mình trụ được với thị trường, bán được hàng, mà quan trọng hơn, lụa Mã Châu, từ công ty của cha con cô, nếu thành công, dân làng Mã Châu, những nghệ nhân của làng đang tản mác sẽ quy tụ về với nhau, cùng gầy dựng lại tên tuổi mà ngày xưa lụa Mã Châu đã có. Những bước đi được Yến tính toán cụ thể mà không hấp tấp, không dành cho riêng mình mà cho cả khát khao hồi sinh làng nghề của cha ông, càng khiến tôi tin rằng, làng nghề có từ thế kỷ XVI này vẫn đang có những truyền nhân, cũng như tin là làm nghề truyền thống không chỉ có người già!

Làng sống khỏe quanh năm

Nếu như một số làng nghề mà sự đặc thù khiến nó có nguy cơ lụi tàn bởi nhu cầu biến thiên của cuộc sống thì cũng có một số làng nghề sống rất tự tin. Chẳng hạn như làng đá mỹ nghệ Non Nước, gốm Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều, rau Trà Quế…

Làng rau Trà Quế.
Làng rau Trà Quế.

Hình thành từ hơn 400 năm trước, làng rau Trà Quế có hơn 20 loại rau nổi tiếng là thơm, ngon và an toàn. Rau làng sản xuất ra không kịp bán và cung cấp cho các nơi, từ siêu thị, nhà hàng, khách sạn, người dân Hội An, Đà Nẵng. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhu cầu tiêu dùng lớn đã đưa làng rau Trà Quế lên hàng đầu trong những làng nghề sống khỏe ở Quảng Nam là điều dễ hiểu.

Một người dân ở làng rau cho biết, mỗi ngày ông bán khoảng trên dưới 30kg rau với giá trung bình từ 30 – 40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lời từ 500 ngàn đồng/ngày trở lên. Ngoài việc đồng áng, không ít người lanh lợi tham gia kinh doanh du lịch, kết hợp với các hãng lữ hành bày ra nhiều sản phẩm du lịch, níu chân khách đến đây. Một ngày, tiền hoa hồng từ công việc này có thể dao động 300 – 400 ngàn đồng. Dĩ nhiên không phải ở làng rau ai cũng làm du lịch, nhưng nếu nhà nào có cả hai khoản thu nhập này cộng lại là một con số đáng kể không chỉ với dân quê mà cả với không ít cư dân đô thị, và càng là một con số không tưởng khi so thu nhập với nhiều làng nghề truyền thống khác.

Làng đúc đồng Phước Kiều.
Làng đúc đồng Phước Kiều.

Cũng có thu nhập rất ổn định, là những nghệ nhân của làng đúc đồng Phước Kiều ở Điện Bàn. Làng có một thế mạnh lớn nhất so với các nơi khác, thành đặc trưng nổi tiếng riêng là có các sản phẩm cồng, chiêng. Bên cạnh bí quyết pha hợp kim trong chế tác sản phẩm đồng, nhiều nghệ nhân ở làng còn có kỹ năng thẩm âm, mà nghệ nhân đúc đồng kỳ cựu làng Phước Kiều Dương Quốc Thuần là một đại diện. Thậm chí rất nhiều đồng bào dân tộc sau khi mua chiêng, cồng luôn phải nhờ nghệ nhân này trực tiếp đến nơi chỉnh âm cho chuẩn xác khi sử dụng. Đôi tai tinh nhạy, sự am hiểu và cả kinh nghiệm giúp cho ông tạo ra những sản phẩm cồng chiêng phù hợp với từng vùng dân tộc thiểu số ở miền Trung và Tây Nguyên. Khi tôi hỏi nghệ nhân Dương Quốc Thuần về sự tồn tại của làng nghề Phước Kiều trong tương lai, ông nói chắc như đinh đóng cột: “Làng này không thể chết được. Nếu các bản làng dân tộc Tây Nguyên, miền Trung còn, thì làng đúc đồng Phước Kiều sẽ còn. Toàn bộ cồng chiêng Tây Nguyên đang sử dụng đều được đặt hàng, đúc ở đây cơ mà!”.

Mẫu số chung không mấy vui

Có đi mới thấy người làng nghề truyền thống đúng là khá vất vả, tốn rất nhiều thời gian cho sản phẩm mà giá thành bán ra không phải lúc nào cũng tương xứng. Câu hỏi tôi luôn hỏi những người dân ở các làng nghề, là thu nhập. Và hầu hết, những con số kể ra sẽ khiến nhiều người giật mình tự hỏi: sẽ sống làm sao với số tiền quá khiêm tốn ấy? “Một miếng lá dừa nửa mét, chằm được 3000 đồng. Một ngày chằm được mấy chục miếng, cũng kiếm được một trăm ngàn, phụ tiền đi học cho cháu. Nghề ni cực, không nhiều tiền, chỉ làm thêm lúc nông nhàn mà thôi”. Tâm sự của bà Lê Thị Nhã 70 tuổi, làm nghề đan lá dừa nước ở Cẩm Thanh, Hội An nghe tưởng như không buồn không vui, nhưng lại là tâm trạng chung của rất nhiều người dân làng nghề mà tôi đã gặp.

Làng đan lá dừa nước Cẩm Thanh.
Làng đan lá dừa nước Cẩm Thanh.

Theo thời gian và biến động của thị trường, xu hướng tiêu dùng, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm không còn tương ứng với nhau. Thời gian bỏ ra nhiều nhưng lợi nhuận lại không cao nên rất khó để người lao động tồn tại lâu dài cùng nghề. Nhưng với tính chịu thương chịu khó bao đời nay, người dân quê vẫn gắn bó miệt mài với công việc của cha ông, đôi khi phải như làm ngơ, mặc cho sự thay đổi đến chóng mặt của xu hướng tiêu dùng hiện đại, mặc cho người khác có từ chối những sản phẩm tảo tần ấy một cách lạnh lùng. Để bình thản mà sống!

Thật ra, các cơ quan chức năng cũng đã có một sự quan tâm nhất định, nhưng các biện pháp, đề xuất để nuôi sống hoặc duy trì làng nghề truyền thống, nhưng vẫn chưa thực sự thiết thực, uyển chuyển phù hợp với tình hình thực tế của mỗi làng nghề. Giải pháp để bảo tồn và tránh cảnh đìu hiu ở các làng nghề nói chung thường hay gắn kết với du lịch. Ý tưởng này không mới và không phải địa phương nào cũng thực hiện điều này một cách am hiểu và rốt ráo. Không phải làng nghề nào cũng sống tốt nhờ du lịch như làng rau Trà Quế, làng đá mỹ nghệ Non Nước…

Và không lẽ, cứ để những người nặng nợ với nghề cha ông ấy sống bằng ý chí và niềm tin thôi sao!

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ

Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh

CÙNG CHUYÊN MỤC