fbpx

Làng cổ ven biển

Làng Gò Cỏ lưu giữ nhiều dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh cách đây hàng nghìn năm, có bờ biển hoang sơ và đầm nước mặn tự nhiên.

Xóm Cỏ (hay làng Gò Cỏ) là một trong những điểm dừng chân khi đến tham quan Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, cực Nam Quảng Ngãi. Gò Cỏ là nơi giao hòa của núi và biển, khá tách biệt với các khu vực dân cư khác do vị trí địa lý khuất nẻo và đường tiếp cận chưa thuận tiện.
Đường làng Gò Cỏ giữa lũy tre, hàng dừa. Ngôi làng nằm trên núi sát biển có diện tích khoảng 105 hecta, với trên 80 hộ dân. Trên đường làng, du khách bắt gặp những phiến đá cổ lớn, nhỏ xếp tầng, giếng đá hay cầu đá do cư dân khoảng 2.500 – 3.000 năm trước sắp đặt nên. Người Sa Huỳnh cổ dùng đá dựng tường rào ngăn thú dữ, bảo vệ vườn, làm mương thủy lợi và bờ kè giữ đất.
Những phụ nữ trong làng đan lưới tạo nên hoạt cảnh cho các nhiếp ảnh gia sáng tác, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. “Tuy cuộc sống còn khó khăn, người dân nơi đây đã xây dựng hợp tác xã, làm homestay phát triển du lịch cộng đồng, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản mà cha ông để lại, tạo thêm nguồn thu nhập cho họ”, nhiếp ảnh gia Duy Sinh chia sẻ.
Ngày nay, mỗi nhà đều có có ý thức phân loại rác, sử dụng các thùng riêng để đựng các loại rác khác nhau. Khắp đường làng sạch sẽ, không rác thải, được đánh giá là một điểm cộng của điểm đến. Kế hoạch này được thực hiện theo dự án “Quản lý rác thải làng Gò Cỏ” do Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tài trợ.
Người dân chủ yếu kiếm sống bằng nghề đánh bắt trên biển, làm vườn, thủ công đan lát; các hoạt động này diễn ra thư thả và không vội vàng.
Nhóm du khách đi thuyền tham quan trên đầm nước mặn gần làng Gò Cỏ. Đây là nơi có cánh đồng muối Sa Huỳnh thu hút nhiều khách du lịch và các nhiếp ảnh gia khi đến Quảng Ngãi.
Du khách chụp ảnh check-in trước Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, cách làng Gò Cỏ khoảng 4 km. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ các hiện vật, tranh ảnh về những giá trị quan trọng của không gian văn hóa Sa Huỳnh (cách đây 2.500 – 3.000 năm), cùng những bút tích mang đậm dấu ấn văn hóa của người Chămpa và Việt Nam.
Các nhiếp ảnh gia đang tác nghiệp bình minh trên biển ở khối đá Gò Cỏ. Tiến sĩ Guy Martini (Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất UNESCO, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu) cho biết, làng Gò Cỏ đang được lựa chọn để thực hiện “mô hình kiểu mẫu”, một phần của dự án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh. Hồ sơ dự án này đang trình UNESCO để công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Huỳnh Phương

Ảnh: Duy Sinh

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/du-lich/lang-co-ven-bien-4061116.html

CÙNG CHUYÊN MỤC