Lai Quảng Nam, hay Lại Quảng Nam?
Lang thang với lão, tôi xưng hô “bác – con” theo kiểu Quảng, còn lão thì cứ “tui – bạn hiền” theo cách riêng của lão. Nhưng đấy là gặp gỡ tào lao chi địa trực diện, còn khi ngồi lại bên bờ sách thưa, một mình nghĩ ngợi, tôi cứ mường tượng con người ấy là một lão trượng, vì râu cằm nhân trắc của lão để nguyên rất giống nhà văn E. Hemingway khi ở Cuba, đặc biệt khí chất khảng khái, nhiệt huyết nói năng tràn trề ra ngoài bất kể đó là đám đông cỡ nào đi nữa, ai có nghe hay không cũng kệ, câu ý nối lời như dòng Vu Gia ào ạt xuôi Cửa Đại…
Nhiều bạn văn thân thiết cũng phiền hà vụ này. Hình như lão biết nhưng lão kệ. Tôi là bậc hâu sinh nên gác mỏ lắng nghe, cũng không phải là phường ba phải ậm ừ qua cầu, nhưng vì bản tính luôn hóng hớt chuyện mới, ý mới, lời mới trong khẩu văn của người đối thoại. Thời buổi đang chán ngấy những thứ ý tứ lặp lại cũ rích, lời văn sáo rỗng thường kỳ ở nhiều người, nghe lão nói những thứ lạ lùng như đập vào giác quan của mình, trí não lạnh băng có lúc cũng ngộ ra mà nghĩ lại… Đấy chính là lý do tôi chịu nghe lão, theo lão, và có khi chịu sự rủ rê của lão để bỏ vợ con mà đến nơi trú xứ của lão, để ngủ, đọc sách, cho lão bận rộn hai tay hai chân đi mua thịt thà rau rú trổ nghề nấu nướng đãi khách như một ông già Quảng thực sự bên sông Thu Bồn, nhất là để theo lão mà nghe những chuyện trên trời dưới đất, lặp đi lặp lại mà thú vị vô cùng…
Lão ngoài 70, hình như hậu bối của họ Trương làng Đại An-Quảng Phú, Đại Lộc. Lão học hành và lớn lên ở Hội An. Tôi thấy lão mê Nguyễn Đăng Thục, và thường nghĩ là do nhà nghiên cứu này là món ưa thích của lão, nhưng sau này khi gần gũi mới biết hổng phải, vì Nguyễn Đăng Thục vốn là một kỹ sư hóa học. Lão luôn tự hào về học giả này, một kỹ sư hóa mà bàn chuyện tư tưởng, văn chương, văn hóa một cách thâm hậu vô cùng…
Hóa ra sau này, tôi biết lão vốn cũng là một kỹ sư hóa, một thầy giáo “lưu dung” bất đắc dĩ một vài năm, sau bỏ mọi thứ để lao vào thương trường và sản xuất, lưu lại Sài thành và “mần ăn”. Chuyện chính của đời lão chẳng liên quan gì đến công nghiệp chữ nghĩa, viết lách. Nhưng với kiến văn và trí nhớ của một người đã ngoài 70 đáng nể, tôi nghĩ lão cũng cắt việc và đọc sách lâu rồi. Nhưng quả thực không biết lão đã “cắt việc” để đọc sách bao lâu rồi ?! Nhà lão cơ man là sách, sách đủ thứ và đặt để khắp nơi. Hỏi lão đọc làm chi mà kinh vậy, lão nói, cũng chỉ để rõ vài việc thôi… Vài việc đó là soi lại bài thi kệ Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư đời Lý, danh tác Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, bài ca dao Thằng Bờm, bộ bài chòi xứ Quảng… Và lão đã mất mươi năm hơn để soi tới soi lui mấy “nghi án” mà theo lão không làm thì sẽ có tội với tiền nhân nước Việt.
Vì không bằng lòng với cách hiểu mà lão gọi là “đội Hán”, lão lục tung thư khố văn bản liên quan, như một nhà khảo cổ, lão lật xới đến từng centimét để tìm cho ra những chứng cứ xác thực nhất hòng giải mã “mật ngữ” trong thi kệ Ngôn Hoài của Không Lộ thiền sư. Cách thức ứng xử đặc biệt của lão dường như theo kiểu các họ Phan xứ Quảng đầu thế kỷ 20 là bỏ mặc các danh hiệu, các trùm đảng lý luận, nghiên cứu, bỏ qua các định đề của thiên hạ đã kết luận để tự tìm một hành trình khai phá văn bản riêng biệt. Như một lưu dân khẩn hoang, lão đi tìm bản văn thư quy cho Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư, không cho đó là của Lý Tường, và đọc lại theo cách phân tích văn bản của mình, rồi khẳng định, lời hạnh nguyện của người cư sĩ Lý – Trần trong thi kệ ấy là một phát nguyện lời thề Tam hộ: hộ quốc, hộ pháp, hộ gia. Lời thề ấy đặt Tổ quốc lên trên đạo pháp….
Đọc thi phẩm Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, lão phê tới cùng các học giả đi trước đã câu nệ vào nhịp thơ Đường cổ điển và cách bật nhịp của GS. Dương Quảng Hàm để làm nhịp lại cho câu thơ: Nhớ nước đau lòng con / quốc / quốc / Thương nhà mỏi miệng cái / gia / gia / Dừng chân, đứng lại, trời! non nước? / Một mảnh tình riêng, / ta với ta. Từ đó, lão bác bỏ chuyện điển cố Trung Quốc trong tiếng “chim quốc” và “gia gia” để nhìn thấy hơn tấm lòng của một người phụ nữ Việt Nam đang nhớ nhà, ưu tư cho tình cảnh quê hương.
Lão có một niềm kiêu hãnh vô tận về xứ Đàng Trong, về Quảng Nam quốc và nước Lạc Việt. Niềm kiêu hãnh này mạnh mẽ đến mức cực đoan, và vì thế lão dễ bị tổn thương trong tình thế mà lão cho là “đội Hán” bao trùm trong nghiên cứu cổ thư và văn hóa hiện nay. Bởi thế, lão dò dẫm từng văn bản, từng dòng sử để tự nhận thấy những điều lạ lùng rất riêng, và chính điều này lão khiến một kẻ mê mãi với những phản biện như tôi phải theo lão. Lão có linh tính dường như Nguyễn Du không phục bất cứ nhà thơ Đường của Tàu nào cho dù ông có thể đã đọc nhiều thơ của họ, vì theo lão, Nguyễn Du không hề dịch bất cứ bài thơ Đường trọn vẹn nào sang quốc âm. Lão cho rằng ngay cả chuyện rằng, không có cái gọi là tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện gì ráo trọi của Tàu mà Nguyễn Du mô phỏng thành Đoạn trường tân thanh (?). Còn thời gian lão sẽ tìm kiếm và chứng minh rõ ra điều này.
Bài thi kệ thể hiện nét độc đáo của dòng Thiền Đại Việt, lão giải mã là để đánh tan đám người hòng xóa sạch vết ruồi bọ tấn công tư tưởng của tiền nhân ta. Việt là Việt, Hán là Hán, Tàu là Tàu. Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh của Không Lộ thiền sư là phải đọc theo tinh thần bản địa, lão phang thẳng… Lão còn khẳng định là ngôn ngữ Việt thuần thành là chỉ có ở xứ Đàng Trong, từ Thanh-Nghệ trở vô, vì theo lão, thời Bắc thuộc, và qua nhiều thời kỳ, do sự đô hộ và tấn công của các triều đại phương Bắc với xứ Việt, nhưng đứa con ngoan cường, ưu tú mang tinh thần Việt nhất đã phải trôi giạt vô miệt trong này. Và họ đi mang theo tinh thần Việt, tính cách Việt, tiếng Việt…
Song theo tôi, đóng góp của lão sẽ còn lại chính là giải mã bài chòi Thuận Quảng. Lão tìm kiếm khắp bốn phương từ Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ,… để tìm hiểu tận cùng mọi thứ liên quan đến các bộ bài như Mã điếu, Kon P’ai, Đông Quan Pai-Kwan Pai, tứ sắc, mạc chược của Trung Hoa, xì-ách, domino (xưa là bài xương, nay là bài nhựa) của phương Tây. Theo lão, trong bộ Bài Tới (Bài Trùng), mọi con bài ta đều có giá trị bình đẳng, ngang hàng, không hề có giá trị lớn nhỏ. Vì bộ bài ta không hề có các lá bài gọi là lá bài yêu. Vì vậy, bài chòi Thuận Quảng là một thứ bài mà không có “bạc”, nghĩa là không nhằm sát phạt ăn thua, gây đau khổ cho chính người chơi và gia đình họ, cách chơi chính là “tới”, dựa trên hên xui may rủi, và chỉ để giải trí. Đây là chức năng rất đặc trưng của bộ bài này. Đi xa hơn và có ý nghĩa lớn hơn là, dựa trên cả hệ ký tự và các hình biểu trưng ghi trên bộ bài, lão nhận thấy bộ bài là một đóng góp vào kho tàng minh triết nhân loại của dân tộc Lạc Việt chúng ta. Người xưa trên đất nước này đã dùng hội họa để truyền một thông điệp tới cộng đồng nhân loại. Lão cho rằng tổng thể bộ bài đã nhắc nhở về sự bất hạnh của người phụ nữ khi gặp phải một dây những thằng đàn ông bất tài vô tướng và càng ngày lưu manh hóa trên quan trường và đời sống. Có thể nói, cách kiến giải vẫn còn đôi chỗ tư biện, tuy nhiên nhìn trên tổng thể nó khiến người ta phải nghĩ lại, nghiên cứu lại, đặc biệt là ngọn nguồn bản địa Trung Bộ của nó, ý nghĩa xã hội và nhân sinh qua những thẻ bài của cổ nhân…
Và trên tiến trình luận giải các tác phẩm ấy, tiện thể lão dịch thơ Đường để chơi, và cách dịch cũng dị tuyệt không giống ai. Lão dùng thổ ngữ Quảng Nam để chuyển tải thông điệp nghệ thuật trong Đường thi, và nhờ thế nếu ai đọc thơ dịch của lão cũng không khỏi cảm giác đã đời, khinh khoái với cách thế và tiếng Quảng Nôm đặc biệt. Xứ Quảng đã đóng góp cho việc dịch thơ Đường một đội hình dịch giả cấp C1 như Phan Khôi, Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Trinh Đường… Thế nhưng cái cách xử lý chuyển dịch của lão rất lạ lùng và ấn tượng. Chẳng hạn ở thi phẩm “Tuyệt cú” của Giả Đảo (793 – 865), nguyên bản viết là: Nhị cú tam niên đắc / Nhất ngâm song lệ lưu / Tri âm nhi bất thưởng / Quy ngọa cố sơn thu. Trần Trọng San dịch: Hai câu làm mất ba năm / Một ngâm, lã chã hai hàng lệ rơi / Tri âm nếu chẳng đoái hoài / Trở về núi cũ, nằm dài với thu. Lão Lại Quảng Nam dịch: Ba năm ưng bụng đôi câu / Cất lên là lúc lệ đâu hai hàng / Tri âm lật lật phang ngang / Về nằm núi cũ, ủm nàng trăng thu. Với “ưng bụng”, “phang ngang”, đặc biệt là chữ “ủm” thể hiện rất rõ tính chất đăc biệt của phương ngữ Quảng và cũng hàm súc ngữ nghĩa vô cùng.
Với bài Trường can hành nhị thức của Thôi Hiệu, lão bối Trần Trọng Kim dịch 4 câu ở bài thứ 1: Quân gia tại hà xứ ? / Thiếp trú tại Hoành Đường / Đình thuyền tạm tá vấn / Hoặc khủng thị đồng hương ra thành Anh ơi nhà ở nơi nao / Em đây nhà ở lối vào Đường Ngang / Dừng thuyền tạm hỏi rõ ràng / Hoạ may có phải cùng làng đó chăng. Còn lão gia lại dịch rất Quảng như sau: – Nhà anh nằm ở khúc mô ? / – Hoành Đường lối ấy dẫn vào nhà em / Dừng thuyền, cho hỏi câu thêm… / Mình đồng hương đó, nhớ xem… không chừng !
Đôi khi được ngồi với phu nhân xinh đẹp người phương Nam của lão, tôi hỏi về lão, vợ lão nói: ổng lui cui cả mươi hai mươi năm này rồi. Tôi hỏi lão chứ lão “lui cui” nhưng “mươi hai mươi năm” ấy là để làm gì ? Lão tưng tửng theo kiểu Quảng Nôm là để chơi thôi. Thấy ngứa thì gãi, thấy nghịch nhĩ thì phải sửa, phải nói… Một cuộc chơi đáng giá để giải quyết cái chuyện mà lão hay la tôi và nhiều kẻ thức giả khác là ăn học mà “núa như khính”. “Nói như khính”, lâu lắm tôi mới bị bộp một phát theo xì-tay Quảng Nam. Nhớ đời và cũng từ đó mà chịu lang thang và chịu khó ngồi nghe lão nói. Và sẽ chịu khó mà đọc kỹ lưỡng, viết đàng hoàng, sống chỉnh chu… để không ngại ngần khi gặp lão, một là nhà giả kim lữ hành đơn độc như luôn soi các văn bản bằng một thấu kính đặc biệt theo kiểu xứ Quảng, và cũng nói huỵt toẹt, thẳng băng đến mức cố chấp, gay gắt, khó nghe. Bởi vậy bút danh của lão là Laiquangnam, theo lão là “chết cha chưa mi, lại thêm một thằng Quảng Nam hay cãi nữa”, hay là “một thằng Quảng Nam lai” nữa. Ở sự giải thích này, tôi mới thấy sự dễ tính và cười xòe của lão…
Tuệ Lãng
Theo Netquang.vn