fbpx

Khi công viên Lam Sơn tái ngộ…

Công viên Lam Sơn, với tổng diện tích chỉ chừng 2.200m2, như rất nhiều công viên nhỏ khác của siêu đô thị chật hẹp này, nhưng luôn là mối quan tâm đặc biệt với những ai yêu Sài Gòn. Nên khi tái ngộ, công viên Lam Sơn mang lại khá nhiều cảm xúc, không chỉ với người Sài Gòn.

Nhà hát Thành phố, công viên Lam Sơn và lối lên xuống của nhà ga Metro ở góc phải hình.

Công viên Lam Sơn, cùng với bùng binh Cây Liễu gần kề đã là không gian không thể thiếu trong ký ức người Sài Gòn. Vậy là, bộ đôi không thể thiếu nhau của Sài Gòn, bộ đôi của ký ức người Sài Gòn đã trở lại. Đài phun nước tại phố đi bộ Nguyễn Huệ khánh thành hồi cuối tháng 10/2019, 8 tháng sau, công viên Lam Sơn cũng tái ngộ. Hẳn nhiên, trong một hình hài khác, mới mẻ hơn, nhưng vị trí và tên gọi, là cách để người Sài Gòn thấy ký ức cũ vẫn còn lưu dấu, dù không trọn. Có người còn hài hước, đây là sự tái ngộ trong tháng 7 mùa ngâu của “Ngưu Lang Chức Nữ” – bùng binh Cây Liễu và công viên Lam Sơn, sau hơn 7 năm “xa cách”.

Ghế đá công viên được cách điệu thành những tấm đá kê dọc theo một số bồn cây.

Việc đập bỏ rồi tái lập bùng binh Cây Liễu dưới hình hài mới, người ta bàn tán nhiều về phong thủy Sài Gòn. Tôi thì quan tâm tới mảng xanh nhiều hơn, khi cái hình hài mới ở vị trí bùng binh Cây Liễu không có tí xanh nào, khi có thêm mảng xanh đã là quý giữa đô thị chật hẹp vốn quá nhiều tin tức đốn hạ cây xanh.

Nền công viên được lát đá, tạo hình hoa văn trang trí, bên cạnh là các khung tranh lưu động phục vụ cho các cuộc triển lãm ngoài trời sẽ diễn ra ở đây.

Đã có không ít lo lắng khi công viên được tái lập tạm hồi cuối tháng 4, vốn chỉ có cỏ và dăm cây hoa kiểng. May thay (dù cũng tốn kém thay) chỉ là “xài tạm” để phục vụ dịp lễ lạt, sau đó thì công viên Lam Sơn được tiếp tục thực hiện lại đúng như quy hoạch đã định, rồi khánh thành trong dung mạo mới như mấy hôm nay nó xuất hiện trên truyền thông.

Cây dầu rái mới trồng ở công viên Lam Sơn.

Với tôi, việc đầu tiên khi đặt chân vào công viên là đi ngắm nghía cây xanh. Bỏ qua những cây kiểng, cây lá thông dụng được trồng tạo bồn hoa cảnh quan, tôi đi đếm cây và ngắm lại ba cụ cây xanh già còn sót lại đang đứng cạnh những em “thiếu nhi” cũng cùng dòng họ dầu rái vừa được trồng.

Đèn trang trí công viên mang phong cách cổ điển châu Âu, khá tương đồng với các kiến trúc chung quanh như nhà hát Thành phố, tòa nhà UBND TP.HCM…

Có tổng cộng 13 cây dầu rái được trồng dọc hai bên công viên theo thế đối xứng, thành cây xanh cảnh quan, cho tiền cảnh nhà hát Thành phố đỡ trơ trọi. Trông chúng thật nhỏ nhắn và thưa thớt. Nhưng biết làm sao được, dù mang vác cả quá khứ dày dặn của một mảnh đất xưa, công viên Lam Sơn khi tái ngộ vẫn phải đợi chờ những màu xanh vừa trồng lại trên mảnh đất cũ. Những cây dầu rái này bao lâu nữa mới lên cao và tỏa bóng mát như xưa? Nhìn hai hàng cây dầu rái ở không gian liền kề trên đường Nguyễn Huệ, đoạn trước UBND TP.HCM, cũng có thể hình dung được. Hai hàng cây trên đoạn đường này đã lên xanh sau hơn 5 năm, nhưng bóng mát còn rất khiêm tốn, dù khi trồng chúng vốn đã to lớn hơn hai hàng cây mới ở công viên Lam Sơn rất nhiều.

Công viên Lam Sơn nhìn ra đường Nguyễn Huệ, đài phun nước và hướng thương xá Tax đang được xây dựng lại.
Công viên Lam Sơn, nhìn từ tiền sảnh nhà hát Thành phố. Ảnh chụp chiều 27/8/2020.
Công viên Lam Sơn khi còn hồ, đài phun nước và tượng Tình mẫu tử được đặt ở đây năm 1998. Hình chụp năm 2010.
Công viên Lam Sơn năm 1965. Trong hình là vườn hoa bên hông Hạ Nghị Viện – nay là nhà hát Thành phố. Bên phải hình là thương xá Eden, phía xa là khách sạn Rex.
Công viên Lam Sơn năm 1962. Bên trái hình là thương xá Tax.
Công viên Lam Sơn nhìn về Nhà Quốc hội năm 1964, lúc vừa đổi tên thành Nhà Văn hóa.

Nhìn lại ba cụ dầu may mắn không bị triệt hạ. Ba cụ, cũng là ba cây “gầy gò” nhất trong số những cây cao niên từng mọc ở đây, không biết có phải vì nhiều năm cô độc không còn bạn tri kỷ đứng cùng. Đã hơn 6 năm, nơi đây thiếu vắng những hàng cây cổ thụ trăm năm khi chúng đã bị chặt hạ để xây nhà ga ngầm của tuyến Metro số 1. Lúc đó, việc ra đi của những bậc cao niên đường phố ấy, cùng những cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, đã từng làm xôn xao và rưng rưng người Sài Gòn một dạo.

Một góc công viên Lam Sơn, năm 1969. Bên phải là thương xá Eden, phía trước là khách sạn Rex.

Hai hàng cây cổ thụ ra đi, giao phó ký ức trăm năm còn sót lại cho ba cụ dầu hiện hữu còn may mắn được giữ lại. Có lẽ các cụ cũng không ngờ rằng có ngày phải gánh lên mình “sứ mệnh lịch sử” khi tiếp tục được tồn tại như sợi dây cuối cùng níu giữ ký ức công viên này.

Khu vực công trường Lam Sơn, bao gồm công viên Lam Sơn, nhìn từ khách sạn Rex, năm 1961.

Công viên Lam Sơn trước nhà hát Thành phố được thiết kế thành công viên văn hóa kết nối với không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ và trục đường thương mại Lê Lợi kéo dài đến chợ Bến Thành. Nhưng nó không chỉ có vậy. Nếu có một cuộc bầu chọn, tôi sẽ chọn đây là công viên của Sài Gòn được xuất hiện nhiều nhất trong các bức ảnh về Sài Gòn, yên lặng mà hiện hữu, ghi lại những khoảnh khắc đã qua của Sài Gòn.

Công viên Lam Sơn trước khi bị đốn cây, bùng binh Cây Liễu trước khi biến mất và thương xá Eden trước khi bị xóa sổ nhường chỗ cho một khu phức hợp hạng sang. Hình chụp năm 2010.

Là một trong những công viên có diện tích nhỏ nhất ở Sài Gòn, nhưng lại là công viên vào hàng cao niên nhất của Sài Gòn, công viên Lam Sơn còn có vị trí rất đặc biệt, nằm trong vùng đất chứng kiến bao biến động lịch sử. Không cần phải truy vấn lai lịch, chỉ cần nhìn sự có mặt của nó giữa không gian của vùng lõi lịch sử, của những kiến trúc cổ nổi tiếng Sài Gòn từ những ngày đầu như nhà hát Thành phố, khách sạn Continental, UBND TP.HCM, thương xá Tax, thương xá Eden… là cũng đủ hiểu, công viên Lam Sơn đã được chứng kiến bao dâu bể đi qua xứ sở này.

Sự thay đổi ít nhất 4 lần công năng của tòa nhà này đều có sự chứng kiến của hai hàng cây cổ thụ này. Hình chụp năm 1965.

Sưu tập lại các tấm hình Sài Gòn xưa qua các thời kỳ, ngắm cái công viên nhỏ nhắn nằm lọt giữa các giao lộ trung tâm của Sài Gòn, tôi nhận ra một điều: Dù thời cuộc thay đổi như thế nào, cảnh quan, bài trí công viên mỗi giai đoạn mỗi khác, nhưng tuyệt nhiên hai hàng cây cổ thụ là không hề hấn gì. Chúng được giữ lại như một sự mặc nhiên, rằng những thăng trầm của miền đất phương Nam, của Sài Gòn, đều có sự chứng kiến của hai hàng cây.

Mong là với hai hàng cây mới, chúng sẽ là chứng nhân của những thay đổi tốt đẹp…

Bài: Sơn Trà

Ảnh: L.M.Hạ, tư liệu từ internet

CÙNG CHUYÊN MỤC