Kể từ khi thành lập nhóm từ thiện Thiện Tâm năm 2015, những ngày cuối tuần của vợ chồng anh Nguyễn Giang Sơn (Đội trưởng Đội Bảo vệ Khu Công nghệ cao; quận 9, TP.HCM) – chị Nguyễn Thị Định trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Cứ cách tuần, vợ chồng anh cùng các thành viên lại rong ruổi trên hành trình đến với bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa hoặc thăm hỏi những người già neo đơn, bệnh tật; những trẻ em cơ nhỡ, bất hạnh trên địa bàn TP. Những việc làm nhỏ xuất phát từ cái tâm ấy của các anh chị đã làm lan tỏa thông điệp yêu thương, trách nhiệm trong cộng đồng.

Anh Nguyễn Giang Sơn, Đội trưởng Đội Bảo vệ Khu Công nghệ cao (quận 9, TP HCM), tặng quà cho bà con nghèo.

Sống là cho đi

Trao đổi với chúng tôi về những hành trình thiện nguyện ý nghĩa của nhóm từ những ngày đầu thành lập, anh Sơn cho biết bản thân anh và vợ đều là những người rất dễ đồng cảm nên mỗi khi biết một hoàn cảnh bất hạnh nào đó, anh chị lại trăn trở và mong muốn giúp đỡ. Đó cũng là lý do nhóm từ thiện Thiện Tâm được thành lập.

Lúc đầu nhóm chỉ có vợ chồng anh và vài người bạn, kinh phí hạn hẹp do trong nhóm không ai khá giả nên anh em có bao nhiêu thì góp bấy nhiêu rồi cùng nhau nấu cháo, nấu cơm… phát miễn phí cho bệnh nhân khó khăn tại các bệnh viện: Ung Bướu, quận 2, quận 9, quận Thủ Đức… Khởi đầu khá vất vả nhưng vợ chồng anh đồng lòng nên vẫn cố gắng duy trì. Khi thấy được hiệu quả hoạt động của nhóm, ngày càng có nhiều mạnh thường quân đến tham gia. Đến nay, nhóm có khoảng 30-40 thành viên có thể tham gia hoạt động thường xuyên, trong đó số đông là anh em lao động trong Khu Công nghệ cao. Có thêm kinh phí và nhân lực nên hoạt động của nhóm cũng được mở rộng, như hỗ trợ bệnh nhân khó khăn, tham gia xây nhà tình thương, xây cầu cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa hay đến với những trẻ em khó khăn… Anh Sơn kể: “Có những chuyến đi, chúng tôi phải chuẩn bị cả tháng trời, đường đi trắc trở, có lần anh chị em phải bò trên bờ kè để xuống được ghe và phải di chuyển trên ghe hơn 1 giờ giữa nắng gắt mới đến được với bà con, trẻ em người dân tộc thiểu số sống trên một làng bè ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Khá vất vả nhưng vừa thấy chúng tôi, bà con ai cũng mừng dù phần quà không phải quá đáng giá. Lúc ấy tự nhiên mọi mệt nhọc tan biến. Đó cũng là động lực thôi thúc chúng tôi duy trì hoạt động từ thiện suốt gần 5 năm qua. Hiện nay, bên cạnh hoạt động lớn ở các tỉnh, nhóm còn có nhiều hoạt động cố định hằng tháng như hỗ trợ bệnh nhân khó khăn tại các bệnh viện, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ… trên địa bàn TP.HCM“.

Anh Lưu Kim Hồng – Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Nidec Việt Nam (quận 9, TP.HCM) – đã là một trong những thành viên tâm huyết của nhóm. Là một cán bộ CĐ, anh luôn hết lòng chăm lo cho đoàn viên, từ bữa ăn đến những chuyến xe nghĩa tình đưa công nhân về quê đón Tết. Mới đây, anh còn cùng ban chấp hành CĐ giải cứu nông sản cho bà con bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Gần như tháng nào anh Hồng cũng trích một phần tiền lương của mình để cùng các nhóm từ thiện như Thiện Tâm, nhóm tình nguyện SV07… hỗ trợ các hoạt động vì cộng đồng. Cứ sắp xếp được thời gian vào các ngày cuối tuần là anh tham gia những chuyến đi từ thiện, bất kể gần xa. “Tôi quan niệm sống còn là cho chứ không chỉ nhận cho riêng mình nên luôn cố gắng sẻ chia. Những việc làm nhỏ thôi nhưng đem lại lợi ích cho người khác, với tôi, đó chính là niềm vui trong cuộc sống” – anh Hồng tâm sự.

Học cách sẻ chia

Bận rộn với công tác chuyên môn nhưng hơn 2 năm qua, chị Nguyễn Phạm Bích Ngân – Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Phú Nhuận, TP.HCM – vẫn đều đặn tham gia công tác từ thiện với CLB Nhịp sống yêu thương. Cứ 2 tuần, chị lại tham gia nấu cháo từ thiện để phát miễn phí cho 800-900 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM.

Chị Nguyễn Phạm Bích Ngân (đầu tiên bên trái) tham gia nấu cháo từ thiện.

Đến với công việc “tay trái” này hoàn toàn xuất phát từ mong muốn sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nên chị không ngại mệt nhọc. Chị Ngân kể việc nấu cháo (cháo khoai tây, cà rốt, bí đỏ thịt bằm) được CLB Nhịp sống yêu thương phối hợp với Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện tổ chức 2 tuần/lần. Để công việc diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng, tối trước đó một ngày, nhóm thường tập trung để sơ chế một số nguyên liệu. 4 giờ sáng hôm sau, nhóm tập trung tại khoa dinh dưỡng của bệnh viện để sơ chế các nguyên liệu còn lại như thịt bằm, khoai tây rồi nấu cháo, đến các phòng bệnh phát cho những bệnh nhân có nhu cầu.

Có thể mất thời gian và công sức nhưng làm được một việc có ích cho cộng đồng, tôi cảm thấy rất vui. Điều khiến tôi cảm thấy vui hơn là mẹ và hai con cũng đồng hành, chung tay vì người nghèo. Ông xã tôi cũng tham gia và vận động bạn bè hỗ trợ trong khả năng có thể. Tôi rất mong muốn thông qua hoạt động này, giáo dục các con biết sống có trách nhiệm, biết chia sẻ” – chị Ngân nói.

Không chỉ tham gia nấu cháo từ thiện định kỳ, chị Ngân còn rất tích cực trong các hoạt động từ thiện của CLB như vận động quyên góp quần áo, sách vở cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, tặng quà cho bà con nghèo các tỉnh…

Trong cuộc sống vẫn còn những mảnh đời khó khăn, bất hạnh… cần đến sự giúp sức từ cộng đồng và chúng tôi luôn cố gắng san sẻ với họ. Những việc làm xuất phát từ cái tâm, dù rất nhỏ nhưng qua đó chúng tôi cũng thấy cuộc sống của mình thêm phần ý nghĩa” – anh Nguyễn Giang Sơn tâm sự.

Bài & ảnh: Thanh Nga

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/lan-toa-yeu-thuong-20200315220024611.htm