fbpx

Hãy mạnh tay với doanh nghiệp chỉ chăm chăm “đánh quả”

Những con số của cơ quan hải quan vừa được Bộ Công Thương sử dụng, công bố về tình hình xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong sáu tháng đầu năm nay thật đáng lo ngại. Trong nửa năm, số mặt hàng xuất vào Mỹ tăng đột biến lên đến 15, mà đây đồng thời cũng toàn là những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến.

Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nhưng kèm với đó là kim ngạch nhập khẩu cũng tăng tương ứng, cho thấy sự kém cỏi của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Đơn cử như ngành dệt may và da giày. Việt Nam chủ yếu gia công hàng dệt may, giày dép và nguyên liệu phần lớn do nước ngoài mang vào.

Gia công là cách dễ nhất để xuất khẩu và suốt hàng chục năm qua doanh nghiệp Việt Nam đã chọn cách dễ này. Ảnh minh họa Hải Nguyễn.
Gia công là cách dễ nhất để xuất khẩu và suốt hàng chục năm qua doanh nghiệp Việt Nam đã chọn cách dễ này. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Có những mẫu quần áo đến cái khuy áo bên gia công cũng phải cung cấp cho bên nhận gia công. Tương tự, những tên tuổi giày dép lớn đều mang đến gần như mọi thứ nguyên liệu. Hầu hết doanh nghiệp may trong nước đều nhận vải vóc theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu.

Gia công là cách dễ nhất để xuất khẩu và suốt hàng chục năm qua doanh nghiệp Việt Nam đã chọn cách dễ này. Nhưng cũng chính vì cách làm “bỏ khó chọn dễ” đã khiến cho nhiều ngành xuất khẩu giờ đây đối diện với rủi ro thị trường cực lớn. Hàng hóa gia công ở Việt Nam tất nhiên sẽ được người đặt gia công ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”, và khi xuất sang Mỹ chúng được phía Mỹ tính là hàng xuất khẩu của Việt Nam, tức sản xuất tại Việt Nam. Điều này làm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng, trong khi thực chất phần giá trị tăng thêm do các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra, và cũng là thuộc về Việt Nam, không bao nhiêu.

Trong thời buổi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng như hiện nay và Mỹ chủ trương giảm thâm hụt thương mại nói chung, những số liệu thặng dư thương mại không thực chất như thế có thể đưa đến hậu quả khôn lường.

Dù sao, đó cũng là điểm yếu của nền sản xuất của Việt Nam và điều này không dễ khắc phục trong một sớm một chiều. Điều đáng lo hơn là tình trạng có những doanh nghiệp tận dụng cơ hội để tăng xuất khẩu bằng con đường sai trái, gian lận xuất xứ hàng hóa để xuất đi Mỹ. Các doanh nghiệp này, dù là doanh nghiệp trong nước, liên doanh hay 100% vốn nước ngoài, đã vì lợi ích trước mắt, ngắn hạn của chính mình mà bỏ qua, cố tình quên đi lợi ích lâu dài của cả cộng đồng doanh nghiệp, của những người lao động làm hàng xuất khẩu, của đất nước.

Kêu gọi lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của mỗi doanh nghiệp là việc phải làm nhưng chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ. Cơ quan quản lý phải có các giải pháp tăng cường thanh, kiểm tra và chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trên. Những doanh nghiệp bị phát hiện phải bị xử lý đến nơi đến chốn. Trước mắt, cơ quan hải quan cần kiểm tra chặt chẽ những lĩnh vực có hàng hóa nhập khẩu đột biến nói trên.

Mặt khác trong làn sóng dịch chuyển của doanh nghiệp nước ngoài từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam để né những hậu quả của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang diễn ra và chưa biết còn leo thang đến đâu và bao giờ kết thúc, cơ quan quản lý, các bộ ngành, địa phương không thể không cân nhắc, xem xét kỹ việc cấp phép thành lập những doanh nghiệp mới này.

Nếu mọi sự tăng trưởng đều phải đánh đổi, liệu chúng ta có nên để cho những nhà đầu tư “đánh quả”, chỉ đến với mục tiêu đem uy tín của hàng hóa và cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ra để đánh đổi lấy cơ hội xuất hàng vào Mỹ không? Nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam phải mất hàng năm mới đưa được hàng của mình vào Mỹ và họ phải phấn đấu để củng cố vị thế trên thị trường này. Sẽ không công bằng khi những nhà sản xuất, xuất khẩu chân chính bị ảnh hưởng bởi những doanh nghiệp bỏ qua lợi ích cộng đồng, chỉ chăm chăm hưởng lợi một vài lần như đánh quả.

Sự cảnh báo của Bộ Công Thương về các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại và xuất xứ hàng hóa cần được phổ biến sâu rộng và thấm đến từng doanh nghiệp. Điều này càng có ý nghĩa khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả nước đang chậm lại. Tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2019 chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ. Xuất khẩu hàng dệt may, thủy hải sản, nông sản bắt đầu có dấu hiệu khó khăn khi một số thị trường không còn “ăn hàng” như cùng kỳ. Việc giữ uy tín của hàng hóa Việt Nam có xuất xứ chính xác tại Việt Nam trên thị trường Mỹ càng thêm quan trọng.

Lưu Hảo

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

CÙNG CHUYÊN MỤC