Thế giới trước áp lực chuyển đổi hệ thống năng lượng
Năng lượng tái tạo chỉ mới phát triển giới hạn trong ngành điện, các lĩnh vực khác, đặc biệt cho sưởi ấm, làm mát và vận tải vẫn còn nhiều rào cản chưa thể chuyển đổi.
Báo cáo tình hình năng lượng tái tạo toàn cầu 2020 do tổ chức REN21 công bố hôm qua 16/6, cho thấy mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong sản xuất nhưng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng vẫn tăng không đáng kể (9,6% năm 2013 lên 11% vào năm 2018).
REN21 là tổ chức toàn cầu duy nhất hiện nay về năng lượng tái tạo quy tụ giới khoa học, các học viện, tổ chức chính phủ và phi chính phủ cùng các ngành công nghiệp liên quan đến lĩnh vực này. Báo cáo của REN21 cung cấp số liệu và các phân tích đã được thẩm định về công nghệ, chính sách và thị trường cho những nhà hoạch định năng lượng.
Báo cáo chỉ ra bức tranh phát triển năng lượng tái tạo hiện chỉ mới giới hạn trong ngành điện. Năm 2019, khu vực tư nhân đã ký các thỏa thuận mua bán điện (PPA) tạo mức tăng kỷ lục hơn 43% từ năm 2018-2019 cho công suất điện tái tạo mới.
Các lĩnh vực năng lượng khác, đặc biệt cho sưởi ấm, làm mát và vận tải vẫn còn nhiều rào cản chưa thể chuyển đổi suốt 10 năm qua. So với ngành điện, ngành sưởi ấm, làm mát và vận tải tụt lại rất xa (tỷ lệ năng lượng tái tạo trong ngành điện là 26%, sưởi ấm và làm mát là 10%, vận tải là 3%).
Báo cáo nhận định những bước tiến hiện nay phần lớn là kết quả của các chính sách và quy định khởi xướng từ nhiều năm trước và tập trung vào ngành điện. Vì vậy cần các chính sách để tạo ra điều kiện thị trường phù hợp.
Theo báo cáo, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và vào hiệu suất năng lượng của các tòa nhà, tiết kiệm chi phí tốt hơn các biện pháp kích thích kinh tế truyền thống và cũng mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Báo cáo cũng ghi nhận năng lượng tái tạo cung cấp thêm nhiều cơ hội việc làm, ước tính ngành năng lượng sử dụng 11 triệu lao động trên toàn thế giới vào năm 2018.
Tính đến tháng 4/2020, 1.490 khu vực pháp lý ở 29 quốc gia với 822 triệu dân – đã ban hành các tuyên bố khẩn cấp về khí hậu, trong đó bao gồm các kế hoạch và mục tiêu cho các hệ thống năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo.
Chiến dịch doanh nghiệp chạy đua về mức phát thải bằng 0 cũng đang diễn ra trên diện rộng. Từ đầu tháng 6 này, một chiến dịch toàn cầu vận động ủng hộ công cuộc xây dựng nền kinh tế khỏe mạnh hơn hậu đại dịch Covid-19, với mục tiêu đạt phát thải bằng 0 muộn nhất vào năm 2050.
Chiến dịch thu hút 996 doanh nghiệp, 458 thành phố, 24 khu vực, 505 trường đại học và 36 nhà đầu tư lớn nhất tham gia. Cuộc vận đồng phù hợp với khuyến cáo chung của giới khoa học về kiểm soát nhiệt độ toàn cầu tăng trong ngưỡng 1,5 độ C. Từ đó tạo ra các việc làm trả lương tốt, phát triển bền vững và ngăn chặn các mối đe dọa trong tương lai.
Các công ty niêm yết tham gia đặt mục tiêu phát thải bằng 0 có doanh thu hàng năm tổng cộng là 4.720 tỉ USD. Trong đó có những công ty lớn như Adobe, Cap Gemini SE, Diageo, Inditex, Kuehne + Nagel AG, LONGi Green Energy Technology Co. và Rolls-Royce.
Đại học Oxford cũng công bố bộ tiêu chí tối thiểu cho các sáng kiến và các mạng lưới tham gia Race to Zero. Bộ tiêu chí này đòi hỏi tất cả những bên tham gia không chỉ cam kết đạt phát thải bằng không vào năm 2050, mà còn phải đệ trình một kế hoạch trước Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào năm 2021, và đặt ra các mục tiêu từng bước cụ thể trong thập kỷ tới…
Lê Quỳnh
Theo Forbes Vietnam
Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/the-gioi-truoc-ap-luc-chuyen-doi-he-thong-nang-luong-11375.html