Festival nghề truyền thống Huế 2019: Nơi hồi sinh và phát triển nghề truyền thống
Qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghệ nhân và những người thợ thủ công có cơ hội phô diễn tài năng, tạo động lực để thiết kế và cho ra đời nhiều mẫu mã mới để sản phẩm làng nghề được quảng bá đến du khách. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 300 nghệ nhân, 63 cơ sở sản xuất và làng nghề từ trong và ngoài tỉnh đã đăng ký tham gia Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019.
Cơ hội cho các làng nghề
Tham gia Festival nghề truyền thống Huế từ năm 2013, theo nghệ nhân Thân Văn Huy – làng hoa giấy Thanh Tiên, cái được lớn nhất mà ông cảm nhận là sự hồi sinh và phát triển của các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong tỉnh và một số thành phố trong nước, từ năm 2013, thông qua các kỳ Festival, sản phẩm của làng hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tháng 7/2018, nghệ nhân Thân Văn Huy vinh dự được mời tham gia triển lãm và thao diễn nghề tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và ký kết một số hợp đồng kinh tế sau các kỳ lễ hội.
Có thể nói, mặc dù đã được quan tâm bảo tồn từ trước đó, song chính Festival nghề truyền thống Huế 2015 là thời điểm Dệt Zèng (A Lưới) được giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng và du khách trong ngoài nước, để rồi từ đó chắp cánh cho Dệt Zèng bay xa, được vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2 năm sau đó. Hiện nay, Dệt Zèng đã vươn xa ra trong nước và quốc tế khi dược nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp.
Đối với HTX Mây tre đan Bao La, Festival nghề truyền thống Huế đã mở ra cho làng nghề truyền thống này cơ hội ký kết, đưa sản phẩm đến các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản. Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La, ông Võ Văn Dinh cho biết: “Năm nào có Festival thì chúng tôi huy động hàng trăm nhân công làm sản phẩm để trưng bày. Dù chỉ diễn ra vài ngày nhưng có hàng ngàn sản phẩm lớn nhỏ được tiêu thụ, với doanh số bán hàng đạt hàng trăm triệu đồng”.
Không chỉ thành công ở khâu tổ chức, quảng bá thương hiệu, Festival nghề truyền thống Huế là dịp để các nghệ nhân đem hết tài năng, trí tuệ và tinh hoa của nghề, tạo nên những sản phẩm độc đáo. Nhiều sản phẩm du lịch ra đời qua các kỳ lễ hội, trong đó Tịnh Tâm kim cổ và Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn là hai trong số nhiều sản phẩm văn hóa – du lịch đã ra đời và thu hút khách.
Hiệu ứng mà các kỳ Festival nghề truyền thống Huế mang lại không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và tôn vinh nghệ nhân mà lớn hơn đó là đưa sản phẩm làng nghề Huế đến với bạn bè quốc tế. Sau Festival nghề truyền thống Huế lần thứ III, lần đầu tiên, sản phẩm dệt zèng A Lưới được giới thiệu tại Nhật Bản trên sân khấu thời trang. Diều Huế có mặt tại Festival diều ở Pháp và mới đây, 3 ngành nghề gồm điêu khắc gỗ, pháp lam và phục dựng trang phục áo dài của Huế đã tham gia triển lãm tại thành phố Cheongju (Hàn Quốc).
Trước giờ G
Trước ngày diễn sự kiện 3 tháng, các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đang tất bật sản xuất hàng hóa, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu của khách, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng mùa lễ hội.
Thời điểm này, hơn 100 xã viên và các nghệ nhân thuộc HTX mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang tập trung thiết kế mẫu, thu mua nguyên liệu và sản xuất sản phẩm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan và trang trí nội, ngoại thất cho các đối tác trong nước. Chuẩn bị Festival nghề truyền thống Huế 2019, HTX đang thu mua nguyên liệu, huy động nhân lực và cải tiến mẫu mã; trong đó đã thiết kế thêm 100 mẫu mã mới, như bộ rổ rá, đèn trang trí, khay trà, mâm… Từ cuối năm 2018, HTX đầu tư máy khắc cắt lazes nên sản phẩm mây tre đan trưng bày tại festival nghề sẽ được khắc phong cảnh Huế, các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam lên sản phẩm để làm mới thương hiệu và làm phong phú sản phẩm.
Xưởng sản xuất pháp lam của Công ty TNHH Thái Hưng (ở đường Chi Lăng, thành phố Huế) những ngày đầu năm mới khá nhộn nhịp. Sau 7 kỳ tham gia Festival NTTH, hiệu quả mang lại cho DN là những hợp đồng được ký kết và cơ hội quảng bá sản phẩm. Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng, ông Đỗ Hữu Triết cho biết, để chuẩn bị cho Festival nghề, doanh nghiệp đang đầu tư các thiết bị tiên tiến để tạo một số dòng sản phẩm mới, như: tượng Phật, sản phẩm thờ tự, đèn ốp tường, tranh trang trí. Hiện nay, doanh nghiệp đã huy động hơn 10 thợ giỏi tập trung nghiên cứu và sản xuất số lượng lớn.
Đầu năm 2019, nghệ nhân kim hoàn Trần Duy Mong đã tìm tòi, sáng tạo và chế tác những sản phẩm mới với nhiều mẫu mã phong phú như dĩa phong cảnh Thiên Mụ, Đại Nội, mặt dây chuyền chữ Phước, bộ kiềng đeo cổ Hoa Sen, bộ kiềng đeo cổ Long Phụng Song Hỷ, khung tranh 3D logo Huế…
Chuẩn bị Festival nghề truyền thống Huế 2019, UBND thành phố Huế đang tổ chức hội thi tuyển chọn thiết kế sản phẩm quà tặng từ logo Huế và thiết kế bao bì cho sản phẩm mè xửng và thanh trà Huế với mục đích tìm ra những sản phẩm quà tặng sáng tạo, độc đáo, mới lạ từ logo Huế và nâng cao chất lượng, hình thức đóng gói sản phẩm đặc sản. Hiện, hội thi đã nhận được gần 50 sản phẩm, thiết kế từ các nghệ nhân và tổ chức trong và ngoài tỉnh. Lãnh đạo thành phố kỳ vọng, sau hội thi, sẽ hình thành một bộ sưu tập quà tặng, hàng lưu niệm mới với mẫu mã đa dạng, đồng thời tạo bao bì đóng gói phù hợp cho hai sản phẩm đặc trưng Huế, là quả thanh trà và mè xửng. Những sản phẩm này sẽ có mặt tại Festival nghề truyền thống Huế 2019, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng và tôn vinh nghành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung và của tỉnh nói chung.
Sự hồi sinh và phát triển của các làng nghề truyền thống Huế sau mỗi kỳ Festival nghề truyền thống Huế là rất đáng tự hào, là điều mà Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế luôn mong muốn. Đó là làm thế nào có thật nhiều nghề truyền thống được giới thiệu, quảng bá và “chắp cánh” sau mỗi kỳ Festival nghề truyền thống được tổ chức.
An Thuận
Theo Báo Tổ Quốc