fbpx

Đừng vứt rác xuống biển mà hãy cho Bống ăn rác!

Trong 2 tháng trở lại đây, người ta bắt đầu bị thu hút bởi một mô hình cá Bống chứa đầy rác thải nhựa được đặt trên bờ biển Đà Nẵng. Và không khó để biết được đó chính là dự án bảo vệ môi trường với tên gọi “Bống”, được khởi xướng bởi một giáo viên người nước ngoài cùng sự hỗ trợ từ Ban quản lý của bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng.

Tạm gác lại những mệt nhọc và trăn trở xung quanh dự án, anh Hoàng Phúc Lâm – Chuyên viên tổ nghiên cứu và phát triển, cố vấn dự án “Bống” – đã dành cho tạp chí Đẹp buổi chia sẻ thân mật và đầy cảm xúc, không chỉ về “Bống” mà còn là khao khát bảo vệ màu xanh của đại dương anh đã ấp ủ bấy lâu nay.

Một hành động nhỏ có thể làm nên thay đổi lớn

Dự án này bắt nguồn từ đâu, thưa anh?

Thật ra dự án Goby the fish (tiền thân của dự án “Cho Bống xin rác” – PV) vốn đã được thực hiện ở nhiều nước khác nhau với mục tiêu khuyến khích mọi người bỏ rác vào các thùng rác tập kết. Giữa lúc chúng tôi vẫn miệt mài suy nghĩ phương án bảo vệ môi trường biển thì cô Sarah Field xuất hiện (giáo viên dạy tiếng Anh người Zimbabwe sống tại Đà Nẵng – PV). Sau khi tình cờ thấy hình ảnh chú cá Goby trên bãi biển Bali, cô Sarah đã tìm đến chúng tôi để trao đổi về ý tưởng này. Chỉ cần nghe cô nói “Feed Goby with plastic, don’t feed the ocean” là chúng tôi hiểu ngay. Hai tư tưởng đã bắt được sóng, vậy là dự án “Bống” ra đời.

Cô Sarah Field – người đem đến ý tưởng về dự án Bống và anh Hoàng Phúc Lâm – Chuyên viên tổ nghiên cứu và phát triển, cố vấn dự án

Những trở ngại nào anh và đội nhóm gặp phải trong quá trình thực hiện dự án?

Nói về trở ngại thì có rất nhiều nhưng đáng kể nhất là tài chính và kỹ năng đan lát tre. Dù đã học hỏi từ các thợ làm nghề thủ công tre dừa ở Hội An nhưng chúng tôi cũng chưa thể đan tre thành mô hình Bống. Đó là chưa kể, thành phố có rất ít chỗ bán tre, đến khi tìm ra thì phí vận chuyển tre cũng rất tốn kém. Nếu không có sự giúp đỡ của những người thợ tình cờ đi ngang khu vực thực hiện, thì việc hoàn thành mô hình còn mất nhiều thời gian hơn. Vì dự án này còn khá mới lạ ở Việt Nam và chưa có sức lan tỏa nên bước đầu kêu gọi tài trợ là vô cùng khó khăn.

Nhân lực chủ yếu để thực hiện dự án này là nhóm sinh viên đến từ các trường đại học khác nhau và nhiều bạn trẻ tình nguyện

T18 được chọn là bãi biển đầu tiên của Đà Nẵng ra mắt dự án, có lý do đặc biệt nào không, thưa anh?

Với khẩu hiệu “Cho Bống ăn rác thải nhựa, đừng thải xuống đại dương”, mục tiêu của “Bống” là nâng cao nhận thức và vai trò của mỗi người trong quá trình bảo vệ môi trường. Nên chúng tôi chọn bãi biển T18, với vị trí nằm ở mặt biển quảng trường Nguyễn Văn Thoại, nơi có mật độ du khách ghé thăm cao, với mong muốn sự lan tỏa mạnh mẽ có thể bắt đầu từ đây.

Thay vì rao giảng những điều đao to búa lớn, Bống truyền tải thông điệp về môi trường theo một cách riêng, đầy sáng tạo, vui nhộn, ngộ nghĩnh và không kém phần thú vị

Lý do nào để anh tin rằng “Bống” sẽ hoàn thành tốt vai trò kết nối và đánh thức cộng đồng?

Tôi hiểu rằng một chú cá bé nhỏ với cái bụng chứa đầy chai nhựa trên bãi biển sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề lớn về rác thải. Nhưng “Bống” chính là viên gạch đầu tiên giúp các ý tưởng và những con người xa lạ như chúng tôi tìm thấy nhau. Mỗi một dự án là một nỗ lực đánh thức cộng đồng. “Bống” sẽ tiếp tục phát triển và các mô hình sinh vật khác cũng sẽ tiếp tục được xây dựng.

Chúng ta có thể cùng nhau khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn

Vậy mô hình sinh vật anh dự định trong thời gian sắp tới là?

Sinh vật mà chúng tôi đang hướng đến là rùa và có nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều loài vật khác, điều này còn tùy thuộc vào số lượng các đội nhóm tham gia. Bên cạnh việc xây dựng mô hình, chúng tôi còn kêu gọi các đơn vị thực hiện các hoạt động khác trên biển, có thể là sự kiện, lễ hội, workshop, lớp học ngoài trời… nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng động dành cho dự án.

Mô hình cá được đặt ở nơi đông người, vừa là hình trưng bày, vừa là nơi mọi người có thể vứt rác vào. Hình ảnh chú cá bụng đầy chai nhựa tượng trưng cho các sinh vật đang nuốt phải rất nhiều chất thải do con người vứt xuống đại dương

Có trải nghiệm hay bài học nào mà anh cho là đáng nhớ khi thực hiện dự án cùng người ngoại quốc?

Điều mà tôi ấn tượng nhất ở những người bạn quốc tế đó là sự nhiệt huyết và tinh thần tự giác. Họ luôn có mặt sớm mỗi buổi làm, tôn trọng ý kiến của nhau mà không cần bất kỳ luật lệ hay nguyên tắc nào. Tôi nghĩ tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, kể cả khi chúng ta chưa biết sẽ làm như thế nào nhưng vẫn xông pha học hỏi và tìm hiểu chính là bài học lớn nhất dành cho chúng tôi. Và điều làm tôi nể phục ở họ là niềm tin mãnh liệt “một hành động nhỏ cũng có thể tạo nên thay đổi lớn”.

Mô hình cá bụng đầy chai nhựa được đặt trên bờ biển Đà Nẵng đã kết nối những con người với mong muốn bảo vệ môi trường đến gần nhau hơn

Dự án nào cũng có tuổi đời của nó, có lẽ “Bống” cũng không ngoại lệ?

Theo dự tính, “Bống” sẽ tồn tại khoảng 10 tháng. Và khi “Bống” kết thúc vòng đời cũng là lúc nhiều dự án sáng tạo và mới lạ khác đã ra đời. Tôi không sợ các dự án sẽ thất bại mà chỉ sợ bản thân không đủ dũng khí và kiên trì để thực hiện điều mình tin là đúng đắn, và may mắn làm sao tôi và đội nhóm đang mạnh mẽ bước những bước đầu tiên. Hiện chúng tôi đã nhận được thông tin có 5 đến 6 tỉnh thành khác cũng muốn thực hiện “Bống”. Chúng tôi luôn tin rằng những điều tốt đẹp sẽ lan tỏa thật xa và lời kêu gọi của những “Bống”, “Rùa”… sẽ được hồi âm.

Dự án “Bống”:

-Thời gian hoàn thành: 22/3/2019 – 11/5/2019

-Nhóm “Bống” do cô Sarah Field làm Trưởng nhóm với sự tham gia của các thành viên: ông Tyler Smith (Giáo viên, Phó Trưởng nhóm), anh Hoàng Phúc Lâm (Chuyên viên, Cố vấn trực tiếp dự án), bà Robynn Louw (Giáo viên – Kiến trúc sư thiết kế dự án), ông Chris McBrideo (Họa sĩ thiết kế dự án), sinh viên Nguyễn Diễm My (Trưởng nhóm Tình nguyện viên và hậu cần).

                                                                                                                    Huyền My Trương

Theo Đẹp

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC