fbpx

Dựng lại kế sách chống ngập

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng hiện đã lỗi thời, TP.HCM đang tập trung xây dựng bản quy hoạch tổng thể chống ngập mới với quy mô thoát nước rộng hơn 3 lần.

chong-ngap-o-tp-hcm
TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng lại bản kế sách chống ngập. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM vừa có tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thoát nước không chỉ khu vực nội thành

Theo UBND TP, đồ án Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 752 ngày 19/6/2001 (Quy hoạch 752). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước TP, bao gồm 6 vùng thoát nước mưa và 9 lưu vực thu gom, xử lý nước thải. Tuy nhiên, quy hoạch 752 được duyệt đến nay đã gần hết thời hạn.

Tại thời điểm nghiên cứu lập quy hoạch này, phạm vi chỉ tập trung khu vực nội thành hiện hữu với diện tích 140 km2 và khu vực lân cận với diện tích 510 km2, đáp ứng khoảng 32,23% tổng diện tích toàn TP. Hiện nay, trong quá trình đô thị hóa, TP.HCM đã mở rộng các quận như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, 2, 9, 12… Chưa kể Quy hoạch 752 chưa lường hết các yếu tố của ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, các vấn đề sụt lún nền đất tự nhiên cũng ảnh hưởng nặng đến tổng thể chung của hệ thống thoát nước…

Đến năm 2008, Thủ tướng tiếp tục có Quyết định số 1547 về việc phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP (Quy hoạch 1547). Song, phạm vi quy hoạch, phân bố dân cư, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, định hướng phát triển… cũng không còn phù hợp.

Định hướng quy hoạch tổng thể thoát nước của TP.HCM thực hiện đến 2030, tầm nhìn 2050, TP.HCM xác định nghiên cứu quy hoạch hệ thống thoát nước mới lần này mở rộng trên diện tích khoảng 2.095 km2 bao gồm 23 quận huyện (trừ H.Cần Giờ), thay vì chỉ 650 km2 khu vực trung tâm như quy hoạch cũ. Đồng thời, bổ sung mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An để hoàn chỉnh quy hoạch thoát nước cho TP.

Ban chủ nhiệm lập đề án đặt mục tiêu nghiên cứu, cập nhật và hoạch định cốt nền cho từng khu vực, quận huyện; Lập quy hoạch chuyên biệt cho hệ thống thoát nước mưa, bao gồm xác định hệ thống thoát nước chính như kênh rạch, hệ thống cống cấp 1, cấp 2, đảm bảo yêu cầu thoát nước khi mưa cũng như ứng phó với các kịch bản của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, xác định lưu vực, tính toán hệ thống thoát nước phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu, quy hoạch thủy lợi chống ngập úng và quy hoạch hồ điều tiết phân tán. Hệ thống thu gom nước thải cũng được lập quy hoạch chuyên biệt.

Thiếu nhạc trưởng, quy hoạch nhanh chóng lỗi thời

Thực tế, nguyên nhân TP.HCM nhiều thập niên qua chật vật càng chống càng ngập đã được nhiều chuyên gia khẳng định do lỗi quy hoạch và tiến độ thi công các công trình ì ạch nên hầu hết nhiệm vụ đều chưa kịp hoàn thiện thì đã trở nên lỗi thời.

Đơn cử, dự án chống ngập do triều trị giá 10.000 tỉ đồng được đánh giá là 1 trong những dự án trọng điểm chống ngập của TP theo quy hoạch 1547, nhưng phải đến tháng 6.2016 (gần 8 năm sau khi quy hoạch được phê duyệt) mới chính thức được khởi công.

Theo tiến độ ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4.2018 nhưng do nhiều vướng mắc liên quan việc tái cấp vốn, giải phóng mặt bằng, sau nhiều cam kết từ cả chính quyền lẫn chủ đầu tư, dự án vẫn đang tiếp tục phải lùi đích tới tháng 10 tới.

TS Lê Xuân Thuyên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: Quy hoạch không phải chỉ đặt ra giới hạn nghiên cứu trên quy mô lớn, gắn với các tỉnh, thành khác thì sẽ được gọi là bao quát, hoàn chỉnh. Quy hoạch 752 hay 1547 khi bắt đầu xây dựng cũng nêu ra tầm nhìn khá dài hạn, xác định mục tiêu rõ ràng nhưng đến khi triển khai lại nhanh chóng bất cập.

Có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất là phương pháp, số liệu nghiên cứu chưa chính xác, dùng số liệu ngắn hạn để tính toán, hoạch định cho các dự án, giải pháp mang tính dài hạn. Thứ hai, tiến độ thực hiện các dự án chậm trễ, ì ạch. Cuối cùng, do quy hoạch thoát nước đứng riêng lẻ với quy hoạch đô thị, xây dựng, giao thông… nên không kiểm soát được những thay đổi từ tình hình thực tế.

“Giờ lập quy hoạch mới, thu thập số liệu đầy đủ, chính xác nhưng cơ cấu dân cư sắp tới ra sao, mạng lưới điện nước, diện tích thấm tự nhiên, tốc độ bê tông hóa trong tương lai như thế nào… ai đảm bảo được? Chỉ cần quy hoạch xây dựng, giao thông thay đổi, bị phá vỡ là quy hoạch chống ngập sẽ lập tức trở thành lạc hậu theo kiểu đẽo cày giữa đường. Vì thế, điều quan trọng nhất là phải có một vị nhạc trưởng điều phối, đảm bảo, yêu cầu các ngành cam kết giữ đúng quy hoạch. Nếu không được đồng bộ, thống nhất bằng các cam kết và có người giám sát, điều phối, quy hoạch chống ngập sẽ mãi chạy theo sau, nhanh chóng lỗi thời khi còn chưa kịp hoàn thành”, ông Thuyên cảnh báo.

Đồng tình, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh quy hoạch chống ngập không thể làm riêng, tách rời khỏi quy hoạch đô thị. Chống ngập không chỉ là xử lý vấn đề hạ tầng thoát nước mà còn liên quan mật thiết đến việc phân bố lại diện tích cây xanh mặt nước, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, đặc biệt là trong nội thành – khu vực đang bị bê tông hóa ngày càng nghiêm trọng.

Quan trọng nhất là không gian trữ nước

Theo TS Lê Xuân Thuyên, địa hình của TP.HCM đã thay đổi rất nhiều và xu hướng bê tông hóa đang ngày càng lan rộng, khó kiểm soát, tác động rất lớn đến tình hình ngập của TP. Có những khu vực như Q.Gò Vấp địa hình cao nhưng vẫn ngập, hay như khu Phú Mỹ Hưng – phía nam địa hình thấp, trũng nhưng vẫn không ngập. Mặt khác, TP.HCM chủ yếu chỉ ngập khi trời mưa nên nguyên nhân chủ yếu vẫn là do hệ thống thoát nước yếu kém. Như vậy, xu hướng chống ngập trong tương lai nên chú trọng vào khả năng thoát nước trên tôn chỉ nâng diện tích trữ nước tự nhiên, thay vì xây dựng công trình chống ngập lớn.

“Sau nhiều năm chống ngập, hầu hết các nước trên thế giới đã nhận ra rằng nếu cứ đổ tiền vào các công trình hàng trăm, nghìn tỉ để chống ngập thì cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển vì dự án nào cũng chỉ có thời hạn nhất định, không thể đủ sức chống lại thiên nhiên. Chưa kể, dù công trình có kiên cố, đảm bảo an toàn trong hàng trăm năm thì đến khi rủi ro xảy ra, hậu quả vô cùng thảm khốc. Nên khuyến khích mỗi hộ gia đình tạo không gian trữ nước, tăng diện tích trữ nước tự nhiên tại các công trình xây mới, thay vì đổ hàng tỉ USD làm các công trình chống ngập lớn”, vị này đề xuất.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Cầu đường, cảng TP.HCM, đánh giá để TP.HCM hết ngập, công tác thoát nước là quan trọng hàng đầu. Trước đây, trên địa bàn TP có rất nhiều hồ mang chức năng chứa nước, điều tiết nước mặt. Tuy nhiên sai lầm trong quy hoạch đã khiến các hồ bị lấp, thay thế hoàn toàn bằng nhà ở, cao ốc. Giải pháp duy nhất để sửa sai thời điểm này là phải khôi phục hệ thống trữ nước, thoát nước của TP.

“Ở Nhật, TP nào cũng phải xây hồ điều tiết để thoát nước, đồng thời dự trữ, sử dụng hệ thống nước mưa. VN cũng nên đưa vào quy định có tính chất nhà nước, yêu cầu mỗi cụm dân cư, khu đô thị đều phải có một hồ điều tiết dung tích phù hợp. Thậm chí, nên có chính sách khuyến khích, biến nhà ở thành những hồ chứa nước thiên nhiên, hay còn gọi là hồ điều tiết phân tán. Chống ngập mà không theo nguyên lý khoa học thì chống mãi cũng không thành công”, ông Trường nói.

Hà Mai

Theo thanhnien.vn

 

Link nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dung-lai-ke-sach-chong-ngap-1243951.html

CÙNG CHUYÊN MỤC