fbpx

Đừng lạc ở “thế giới ngầm” Tokyo

Trước khi đến Nhật, bạn bè từng sống, học ở xứ này đều có chung một câu với tôi rằng “Đến Nhật Bản mà chưa đi tàu điện ngầm thì coi như chưa đến Nhật”. Một câu nói vừa phản ánh thực tế giao thông ở đây – khi tàu điện ngầm là phương tiện đi lại công cộng được ưa dùng nhất ở Nhật, lại vừa như một… thách thức vì chuyện rắc rối như tàu điện ngầm ở xứ này, đặc biệt là ở thủ đô Tokyo đã “vang danh” từ lâu.

Tàu Sinkansen dễ nhận biết với đầu tàu rất đặc trưng và ấn tượng.

Trải nghiệm khó quên ở tàu điện ngầm

Tôi đã không quên được trải nghiệm này khi đến Tokyo. Và lần thứ 2 trở lại Nhật Bản cũng vậy. Tôi không đi một mình, mà hẳn một nhóm, trong đó có những người từng đến Nhật rất nhiều lần, người thì đã và đang làm việc ở xứ này một thời gian dài. Thế mà nguy cơ nhầm tàu, lộn đường ray, sai lối lên xuống các làn đi – đến của tàu điện ngầm vẫn luôn dễ xảy ra. Chưa kể không biết bao nhiêu lần đứng ngẩn ra dò tìm đường trước các bản đồ chỉ đường. Kể cả những thao tác đầu tiên như mua vé đúng loại, đổi đồng xu cho đúng tuyến cũng đã là một kinh nghiệm không thể học ngay lập tức được. Đi tàu điện ngầm Tokyo như thể giải bài toán đố vậy.

Một đoàn tàu Sinkansen đang chờ khách ở ga Kurashiki. Tốc độ trung bình của tàu này ở tầm 350km/h.

 Tôi được thử đủ cảm giác đi lại từ sáng sớm đến tối mịt trên những con tàu lao vun vút vào sân ga và rời đi nhanh cũng như thế. Nếu như lần đầu tiên đến Nhật, tôi có 4 ngày ở thủ đô Tokyo thì lần này ngắn hơn, là 3 ngày. Nhưng ít hay nhiều thì ngày nào tôi cũng đi xuống ga tàu điện và phần lớn các hành trình đều xập xình lắc lư hay vun vút theo tốc độ các con tàu điện ngầm.

Chuyến tàu này có đến 2 đoàn tàu nhập chung khi nhu cầu khách tăng cao.

Lên toa, ai cũng chăm chăm nhìn vào chấm đèn đỏ sơ đồ vị trí các ga ở trên các cửa toa để xem mình đang đi tới đâu, qua bao nhiêu ga nữa là tới. Nghĩa là không có chuyện đi lên, chọn chỗ đẹp cạnh cửa sổ rồi ngắm cảnh đâu nhé. Bạn phải luôn luôn nghe tiếng loa báo, song song bằng tiếng Nhật và tiếng Anh. Khoảng cách các ga rất gần nhau nên rất nhiều lúc tàu vừa tăng tốc rời ga đã giảm tốc để vào ga kế tiếp, có khi trong vòng vài phút. Vèo cái người xuống ga, người lên đông nghẹt nên không khéo sẽ luôn bị nhỡ tàu. Chỉ lơ đễnh một tí là bạn đi lạc sang ga khác ngay. Mà lạc như thế không có nghĩa là lúc nào bạn cũng có thể bắt chuyến khác đi ngược lại, sẽ rắc rối và nguy cơ hỏng lịch trình đi chơi của bạn là rất cao.

Nội thất một chuyến tàu Sinkansen rộng rãi, sạch sẽ không khác gì trên máy bay.

Các ga lớn có khá nhiều đoàn tàu ra vào liên tục. Đứng bên này nhìn thấy đường ray bên kia, biết đó là đoàn tàu mình cần đi, nhưng tìm được lối băng qua cho đúng cũng không đơn giản. Chưa kể áp lực phải lên cho đúng giờ tàu – những chuyến tàu luôn đúng giờ và chuyện nhỡ tàu luôn là lỗi của người mua vé.

Những đoàn tàu Sinkansen luôn là niềm tự hào của người Nhật trong việc vận chuyển công cộng.

Những ngày liên tục ở dưới thế giới ngầm ấy, tôi chỉ nhớ được vài cái ga đầu tiên, chỗ lên xuống gần khách sạn mình ở, còn thì… thua, dù đã cố ghi vào trí nhớ, chụp hình tỉ mỉ lại các lối đi, sơ đồ. Thế nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi đang “hù dọa” bạn không nên đi, mà rất nên, hẳn nhiên phải đi cùng với người am hiểu chuyện này. Hơn nữa, để thuận tiện cho việc đi lại tham quan các địa điểm nổi tiếng ở thủ đô xứ Phù Tang, đi tàu điện ngầm là lựa chọn hợp lý nhất.

Sân ga là một trong những chốn công cộng nhộn nhịp nhất Nhật Bản.

 Trở lại sau 5 năm, trải nghiệm liên tục hàng ngày trên những chuyến tàu đủ loại, lên xuống giữa cả chục cái ga đã cho tôi trở lại những cảm xúc không khác gì lần đầu, giữa những dòng người đi lại như mắc cửi.

Một Tokyo của những bước chân dưới mặt đất

Nhà ga trung tâm Tokyo không chỉ đông đúc, nhộn nhịp nhất mà còn có kiến trúc rất đẹp mang phong cách châu Âu.

Những ngày lang thang khắp các ngả ga ngầm dưới lòng đất, tôi không chỉ ấn tượng với các loại siêu thị, cửa hàng, quán ăn, tiệm cà phê… lớn nhỏ buôn bán tấp nập ở các ga lớn khiến nhiều lúc tôi quên là mình đang ở dưới lòng đất, mà còn ấn tượng với cả một thế giới di chuyển như không bao giờ có sự nghỉ ngơi dưới lòng đất.

Khách trên tàu luôn bận rộn với thế giới riêng của mình, nên những chuyến tàu luôn đông nghẹt khách nhưng không ồn ào.

Nếu như ở quán xá, người Nhật có thể thoải mái khoái trá vui đùa rộn ràng, có thể cả lớn tiếng thì khi đi tàu điện ngầm, hầu như chẳng mấy khi được nghe họ nói rõ tiếng. Những cuộc nói chuyện trên tàu là những cuộc nói chuyện rất nhỏ, và ngắn. Phần lớn những người đi trên tàu điện đều tranh thủ ngủ. Ngủ ngồi trên ghế thì ở quê nhà nhìn cũng quen, nhưng ngủ đứng, tay ôm cặp, tay níu lấy tay nắm trên toa thì bây giờ tôi mới thấy. Những dáng người ngủ đứng cứ lắc lư đều đặn theo nhịp nhanh chậm của vận tốc con tàu, như thể các quân cờ trên bàn cờ đang bị chao đi cùng một lượt, trông rất ấn tượng. Họ ngủ rất ngon và choàng tỉnh rất nhanh. Và bước rất vội. Tôi hiếm khi thấy một người nào đến ga mà thong thả, đi chậm rãi cả, thậm chí nhiều người đi như chạy. Nếu có thong thả, thì thường là du khách từ nơi xa đến. Tôi đã rất nhiều lần đứng ngẩn ra để nhìn từng đoàn người lớp lớp đi rầm rập, rất nhanh, rất vội vã cùng một hướng về một đoàn tàu. Đừng nghĩ rằng dưới ga điện ngầm, tiếng ồn lớn là từ các đoàn tàu. Mà trái lại, chúng – niềm tự hào Nhật – vận hành rất êm ái. Tiếng động lớn nhất, ấn tượng nhất là tiếng những bước chân. Từng đoàn người, đi san sát đi xuyên qua các lối đi ngang dọc giữa các ga lớn, mà nếu muốn chen ngang dòng người ấy là một điều không thể. Đi như nước lũ tràn về, không khéo lại liên tưởng một cuộc biểu tình hay đi diễu hành gì đấy! Không gian vừa tạm yên ắng khi đoàn tàu đi, đã rầm rập tiếng bước chân của những đoàn người đang vội vã rời đoàn tàu này để tiếp tục hành trình ở một đoàn tàu khác.

Những giấc ngủ trên tàu luôn gây ngạc nhiên cho khách ở xa đến, giữa không gian chật chội đầy những người lạ và rõ là bất tiện cho một giấc ngủ, nhưng rất nhiều người ngủ ngắn một cách ngon lành.

Điều thú vị là với số lượng người đón tàu rất đông (đến nỗi ở một số ga trong giờ cao điểm có những nhân viên được bố trí để đẩy người lên tàu. Người Nhật gọi đó là Tsukin Jigoku – địa ngục của việc đi làm hàng ngày) nhưng lại không thể hiện sự ồn ào quá đáng như ở nhiều nơi khác. Hiếm khi nghe ai gọi nhau lớn tiếng. Tất cả đều điềm tĩnh, rất điềm tĩnh trong sự vội vã tất bật. Chỉ có tiếng bước chân. Tôi như nhặt nhạnh được thêm những nét văn hóa ứng xử nơi công cộng của người Nhật đem về làm sàng khôn cho mình.

Và, cho mình chút mơ mộng về những chuyến tàu điện ngầm ở quê nhà trong một tương lai tin rằng còn rất xa, khi hiện thực gần là các tuyến đường sắt trên cao ở Sài Gòn, Hà Nội vẫn ì ạch trễ tiến độ không biết bao lần.

Sẽ là khó khăn khi bạn muốn băng ngang những đoàn người di chuyển liên tục theo cùng một hướng.

Những chuyện nhỏ cần nhớ

Có những chuyện rất nhỏ với người dân sở tại nhưng lại khá lạ lẫm và phải tập mới quen với người Việt, vì đơn giản là xứ ta chưa có hệ thống tàu điện ngầm để có trải nghiệm trước. Nó thuộc văn hóa sử dụng phương tiện công cộng bạn cần nhớ khi đi Nhật Bản. Chẳng hạn như:

Một chuyến tàu chật kín người đang chuẩn bị rời ga. Chỉ vài giây sau khi tấm ảnh này được chụp, cửa tàu sẽ đóng và việc chen được chân lên đây là cả một nghệ thuật.

Trên tàu điện ngầm, bạn không nói chuyện lớn tiếng, tuyệt đối không nghe điện thoại khi tàu đang chạy, vì bạn sẽ làm ồn, làm phiền những người bên cạnh khi mọi người đều đang phải đứng rất sát nhau. Các toa luôn có những hàng ghế dành riêng cho người già, tàn tật, phụ nữ có thai, bạn chớ ngồi vào đấy. Không mang quá nhiều hành lý cồng kềnh, bạn không có nhiều không gian để giữ chúng trên tàu. Chưa kể việc lên xuống các cầu thang, bậc tam cấp ở nhiều ga rất bất tiện. Hãy gửi lại tủ gửi đồ, luôn có rất nhiều ở các ga.

Trong toa tàu, 2 việc người ta làm thường xuyên nhất là ngủ hoặc lướt điện thoại.

Nếu mua trực tiếp tại quầy bán vé ở ga tàu, không chen ngang và kiên nhẫn chờ đến lượt mình – những điểm này thường có rất đông người. Khi lên tàu phải xếp hàng, đứng đợi đúng vạch vị trí đợi tàu, thường là xếp thành 2 hàng, đứng gọn vào hai bên đợi người trên tàu xuống hết ở lối giữa rồi mới bắt đầu bước lên, không chen lấn hay xô đẩy.

Tokyo có 2 loại: tàu thường (Local) và tàu siêu tốc (Shinkansen), trong đó Shinkansen được sử dụng nhiều nhất. Hệ thống  Shinkansen Nhật Bản gồm có 3 mạng lưới chính: Tokyo Metro, Toei, và Tokyo Waterfront Area Rapid Transit với tổng cộng 282 nhà ga và 14 tuyến. Thế nhưng chặng đi, các điểm dừng đỗ và các tuyến tàu lại rất rắc rối và phức tạp, nhất là đối với người mới đi Shinkansen lần đầu, nếu không cẩn thận có thể bị lạc. Bạn cần phải mua bản đồ Shinkansen ở nơi bán vé trước khi đi.

Bài & ảnh : L.M.Hạ

CÙNG CHUYÊN MỤC