fbpx

Đừng biến trẻ thành ‘ông hoàng, bà chúa’ trong gia đình

Chỉ vì quá thương con, không muốn con bị thua kém bất kì ai, một số gia đình đã vô tình biến con thành “ông hoàng bà chúa” của cả nhà. Điều này về lâu về dài sẽ khiến bé hình thành bản tính ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ…

Quá dễ dãi khiến trẻ không tôn trọng cha mẹ

Cậu bé Nguyễn Quang B (Bình Thạnh, TP.HCM) năm nay vừa tròn 5 tuổi, là bảo bối, cục cưng của cha mẹ, nhưng lại là nỗi ám ảnh với hàng xóm láng giềng vì những tiếng gào thét không ngớt khi cha mẹ không đáp ứng yêu cầu. B thường xuyên “ra lệnh” cho mẹ phải đi lấy cái này, cái kia, hoặc phải chở cậu bé đi nơi này, nơi khác.

Khi mẹ bận hoặc không kịp chạy đến, B liền gào khóc, thậm chí đập phá, ăn vạ cả tiếng đồng hồ không nín. Đỉnh điểm là khi B đòi ẵm em bé mới 6 tháng tuổi của nhà hàng xóm, nhưng mẹ bé không cho vì sợ B nghịch làm em bé bị thương. Ngay lập tức, B gào thét và lao vào muốn giật em bé trên tay hàng xóm. Khi bị mẹ cản lại, B liền khóc lóc, đánh đấm mẹ. Chị Lê Thị Anh Đ – mẹ của B đành phải cười trừ rồi lôi “ông hoàng” về, còn hàng xóm chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Đòi hỏi, sai khiến, ra lệnh cho cha mẹ là biểu hiện của việc được nuông chìu quá mức
Đòi hỏi, sai khiến, ra lệnh cho cha mẹ là biểu hiện của việc được nuông chìu quá mức. Ảnh minh họa

Có thể thấy, hiện nay không ít trẻ do cha mẹ nuông chìu quá mức mà trở nên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, dễ bùng nổ như cháu Nguyễn Quang B. Theo Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng: “Đòi hỏi, sai khiến và khi không được đáp ứng liền phản ứng tiêu cực là biểu hiện rõ ràng nhất của việc trẻ đã bị nuông chìu đến mức biến thành “ông hoàng, bà chúa” của gia đình”.

Ngoài ra, trẻ “cả thèm chóng chán”, hay đổ lỗi khi có chuyện không hay xảy ra cũng là hậu quả của việc cha mẹ quá nuông chìu, lúc nào cũng “hầu hạ”, phục vụ, nghe theo lời con mà quên đi việc răn dạy. Việc quá dễ dãi, cũng khiến trẻ không tôn trọng cha mẹ, tệ hơn là trở nên vô lễ với bất kì ai.

Cũng theo Tiến sĩ Bích Hồng, những đứa trẻ “ông hoàng, bà chúa” này, nếu không được uốn nắn kịp thời sẽ trở nên chậm phát triển, hoặc phát triển lệch lạc. Hình thành thói quen ra lệnh, dựa dẫm, luôn cho mình là “trung tâm của vũ trụ”, gây phiền nhiễu cho người khác… Từ đó khi trẻ lớn lên sẽ khó vượt qua được thực tế khắc nghiệt, khó thành công và hạnh phúc.

Sự quá khích của trẻ nếu không được dạy dỗ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này
Sự quá khích của trẻ nếu không được dạy dỗ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này. Ảnh minh họa

Để trẻ chịu “khổ”

Các chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ từ 3 tuổi đã bắt đầu có cái nhìn toàn diện về cuộc sống xung quanh. Đây là giai đoạn quan trọng để dạy dỗ trẻ. Câu cửa miệng: “nó còn nhỏ chưa biết gì, chưa hiểu gì” là hoàn toàn sai lầm. Trẻ có thể nhận thức được mình đang được chìu chuộng, và khi mình la hét, khóc, ói, vật vã… cha mẹ sẽ “bó tay”, chấp thuận yêu cầu. Và những hành động quá khích này, nếu không ngăn chặn sẽ chỉ “tăng liều” chứ không hề giảm dần khi lớn lên như mọi người thường nghĩ.

Để trẻ không trở thành những “ông hoàng, bà chúa”, suốt ngày chỉ tay năm ngón, sai bảo, vòi vĩnh, ăn vạ, cha mẹ phải tập bé chịu “khổ”. Để trẻ chịu “khổ”, không phải là thiếu ăn, thiếu mặc mà là bắt đầu hướng dẫn bé tự làm một số việc cho bản thân, hay xa hơn là giúp đỡ cha mẹ, người lớn, người xung quanh. Cha mẹ tuyệt đối không để trẻ sai khiến, ra lệnh cho mình. Khi con đã nói năng sành sõi, cần hướng dẫn trẻ biết trình bày lễ phép khi muốn cha mẹ giúp đỡ điều gì.

Về vật chất, cha mẹ, người lớn tuy luôn dư sức mua sắm cho con, nhưng đôi khi phải biết từ chối những đòi hỏi, nhu cầu của con, để trẻ được trải qua nỗi khổ “ấm ức”, sau đó giải thích cho trẻ hiểu về giá trị của lao động và đồng tiền. Khi tiền không phải do mình làm ra, không được tiêu xài vô tội vạ.

Đừng vì trẻ ăn vạ mà sợ hãi, hãy để trẻ chịu “khổ” trong mức độ cho phép để rèn giũa tính tự lập
Đừng vì trẻ ăn vạ mà sợ hãi, hãy để trẻ chịu “khổ” trong mức độ cho phép để rèn giũa tính tự lập. Ảnh minh họa

Cha mẹ phải có những giới hạn đặt ra để trẻ cứ thế noi theo. Chú ý uốn nắn từ những hành vi nho nhỏ để dần dần hình thành tính cách, đừng thấy việc bé làm sai là nhỏ nhặt mà cứ thế bỏ qua. Xin nhắc lại, đối với trẻ con, sự quá đà khi không được ngăn cản, chỉ có tăng, chứ không hề giảm theo thời gian. Nuôi một đứa trẻ đã khó, dưỡng chúng nên người lại càng khó hơn. Những đứa trẻ được nuông chìu quá mức trở nên xấu tính, suy cho cùng chính là “nạn nhân” của cha mẹ, của sự yêu thương lệch lạc.

VŨ HẠ
Theo thegioitiepthi.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC