fbpx

Đêm bờ kè Sài Gòn “thời cách ly”

Sài Gòn đang thực thi nghiêm việc cách ly, phòng chống dịch Covid-19, nhưng vẫn có một bộ phận người dân ít chịu ở yên trong nhà, vì nhu cầu cá nhân và cả vì hoàn cảnh mưu sinh. Có thể thấy rõ điều này ở một trong những con kênh dài nhất thành phố.

Mặc dù các dụng cụ tập thể dục công cộng ở dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy qua địa bàn quận 1,3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình đều đã được “niêm phong” kể từ khi có lệnh “giới nghiêm”, nhưng khá nhiều người vẫn đến đây để tập.
Thời tiết Sài Gòn dạo này đang nóng nực, những nơi rộng thoáng dọc theo bờ kênh trở thành nơi để người dân gần đấy ra nằm hóng mát.
Nhiều người vẫn tranh thủ đi bộ dắt thú cưng đi dạo. Hầu như 100% người đến khu vực này đều đeo khẩu trang, tuy nhiên không phải ai cũng đeo đúng cách.

 

Kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè cũng là nơi người ta chọn để đi phóng sinh và phải tìm nơi tối khuất để thả cá, nhằm tránh những lưới, thuyền đi thu gom cá phóng sinh.
Việc cấm câu cá ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã có từ lâu, nhưng người câu cá vẫn tụ tập khá đông hai bên bờ kênh, đặc biệt là khu vực quận Phú Nhuận, Bình Thạnh. Như lời một người câu cá cho hay, phía quận 1 làm khá gắt việc cấm câu cá nên người ta dạt về bờ kênh thuộc địa bàn quận Phú Nhuận, Bình Thạnh để câu!
Ông Ba với chiếc xe đạp chứa đồ ve chai lượm được trong hai ngày. Ông nói hàng quán đóng cửa hết nên không có đồ để lượm. Lâu nay ông vẫn vào quán xin vỏ lon bia, nước ngọt nhưng bây giờ thì không biết kiếm đâu ra. Thu nhập vì thế cũng giảm sút, chỉ chừng 50-70.000 đồng/ ngày.
Vỉa hè đường Phan Đình Phùng gần bờ kênh Nhiêu Lộc này là nơi ông Yên, quê ở Quảng Ninh, tá túc hơn 2 năm nay kể từ khi vào Sài Gòn. Ông sống bằng nghề nhặt nhạnh phế liệu. Ông Yên nói giá thu mua phế liệu mỗi lúc một giảm, chỉ bằng phân nửa lúc trước do Trung Quốc bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đại lý không còn gom hàng xuất đi nữa.
Điểm chung dễ thấy ở nhiều người vô gia cư, hành khất là họ đã biết tự giác đeo khẩu trang thường xuyên. Người đàn ông này vốn sinh sống bằng nghề bán vé số dạo. Nay không có thu nhập, ông tìm đến những nơi thường có các nhóm từ thiện đi qua phát quà, thức ăn như Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, cầu Kiệu để đón đợi.
Người phụ nữ thường ngồi ở cầu Kiệu này cho biết sắp tới sẽ không được ngồi xin ăn ở khu vực này nữa, khi cây cầu vừa treo bảng cấm tụ tập, bà không biết sẽ đi về đâu. Sài Gòn là nơi có người nhập cư đông nhất nhì đất nước. Những lúc thành phố trong cao điểm chống dịch mới thấy những người nhập cư-vô-gia-cư như thế này rất cần một bài toán giải quyết phù hợp từ các cơ quan chức năng.

Sơn Trà

CÙNG CHUYÊN MỤC