Đây là cách Hàn Quốc tái chế 95% chất thải thực phẩm
Kinh nghiệm tái chế chất thải thực phẩm của Hàn Quốc rất đáng để các nước khác trong khu vực tham khảo.
Chất thải thực phẩm là từ gọi chung những thức ăn không còn ăn được. Nguyên nhân tạo ra chất thải thực phẩm có rất nhiều và xảy ra ở các khâu sản xuất, chế biến, bán lẻ và tiêu dùng. Ước tính tình trạng thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu chiếm từ 1/3 đến một nửa tổng số lương thực được sản xuất.
Riêng châu Á được ghi nhận là khu vực chiếm gần một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Con số này sẽ tăng lên khi châu lục này trở nên giàu có, đô thị hóa gia tăng và đông dân hơn.

Các hộ gia đình phải trả phí cho mỗi túi thực phẩm phân hủy
Thống kê cho thấy thế giới thải ra 1,3 tỷ tấn chất thải lương thực mỗi năm, gây ra 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Oái oăm là trong khi đó, hơn 1 tỷ người tiếp tục đối mặt với nạn đói. Do vậy lãng phí thực phẩm là một vấn đề rất cần hành động phối hợp.
Hàn Quốc từng chỉ tái chế 2% lượng rác thải thực phẩm, nhưng sau đó con số này đã tăng lên đến 95% một cách ấn tượng. Nguyên do được hiểu là nước này tận dụng công nghệ sáng tạo như thùng rác thông minh, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất lương thực địa phương, cũng như chỉ dẫn việc tái chế rác thải thực phẩm bắt buộc tại hộ gia đình.
Để giải quyết vấn đề chất thải thực phẩm, tái chế chỉ là một phần của giải pháp. Việc thất thoát thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ cũng rất quan trọng. Dù sao thì nỗ lực tái chế thực phẩm lãng phí tại Hàn Quốc đang là tấm gương cho các quốc gia khác noi theo.
Từ năm 2013, quốc gia này bắt đầu thực hiện chương trình tái chế rác thải thực phẩm bắt buộc, trong đó các hộ gia đình phải trả 6 đô la mỗi tháng cho mỗi túi thực phẩm phân hủy sinh học mà họ thải ra. Đây là một khoản phí nhỏ nhưng có tác động lớn đến lượng thực phẩm bị thải ra ngoài bãi rác.
Trong khi thực phẩm được thu gom cuối cùng được tái chế làm phân bón, chương trình thu phí bắt buộc của Hàn Quốc cũng đã khuyến khích các gia đình bắt đầu ủ phân bón cây tại nhà và giảm mức độ chất thải thực phẩm cần tái chế.

6.000 thùng rác tự động trên khắp thủ đô Seoul
Nhà chức trách Hàn Quốc cũng đã khai thác các công nghệ như thùng rác thông minh bằng cách lắp đặt hơn 6.000 thùng rác tự động trên khắp thủ đô Seoul. Những thùng này cân chất thải thực phẩm của cư dân và tính phí chúng cho cơ sở hạ tầng tái chế mà chính phủ vận hành.
Theo giới chức, việc bắt buộc người dân trả tiền cho chương trình tái chế rác thải thực phẩm đã giúp giảm lượng rác thải thực phẩm ở Seoul xuống 47.000 tấn chỉ trong vòng sáu năm.
Công nghệ cân cũng đi kèm với một động lực khác cho người dân để giúp giảm bớt gánh nặng tái chế. Để trả ít tiền hơn, thực phẩm của bạn phải có trọng lượng ít hơn – và 80% trọng lượng rác thải thực phẩm đến từ độ ẩm.
Do đó, người dân được khuyến khích loại bỏ hơi ẩm trước khi mang đồ tái chế vào, giúp tiết kiệm cho chính quyền Seoul 8,4 triệu đô la phí thu gom.
Một báo cáo mới công bố cho hay, có thể tiết kiệm được một lượng lớn carbon dioxide nếu chỉ 1/5 người ở các nước thực hiện hai thay đổi lớn đối với việc tiêu thụ thực phẩm bằng cách cắt giảm chất thải thực phẩm và áp dụng chế độ ăn dựa trên thực vật.
Thiệu Kiệt
(theo GreenQueen)