fbpx

Đầu bếp robot – Giải pháp giãn cách xã hội tại các nhà bếp

Robot Flippy có thể giải phóng nhân viên cho các nhiệm vụ khác như khử trùng bàn ăn hay xử lý số lượng đơn đặt hàng mang đi đang gia tăng.

Nhu cầu về robot có thể nấu nướng, từ việc lật những chiếc bánh mỳ kẹp thịt đến nướng bánh mỳ, đang ngày càng gia tăng khi các nhà bếp nỗ lực tăng khoảng cách giữa nhân viên và khách hàng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Từ mùa Thu tới, chuỗi cửa hàng bán bánh hamburger White Castle sẽ thử nghiệm robot có thể làm khoai tây chiên và các món ăn khác.

Robot này có tên Flippy do công ty Miso Robotics có trụ sở tại bang California của Mỹ chế tạo.

White Castle và Miso đã thảo luận về mối quan hệ đối tác trong khoảng 1 năm, nhưng các cuộc đàm phán về việc đưa vào sử dụng Flippy đã được đẩy nhanh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

dau-bep-robot
Một nhân viên của White Castle với robot Flippy. Nguồn: Miso Robotics

Theo ông Jamie Richardson, lãnh đạo White Castle, Flippy có thể giải phóng nhân viên cho các nhiệm vụ khác như khử trùng bàn ăn hay xử lý số lượng đơn đặt hàng mang đi đang gia tăng.

Ông Richardson cho rằng môi trường “không chạm” giúp giảm tối đa khả năng tiếp xúc cũng ngày càng trở thành một vấn đề quan trọng đối với khách hàng.

Dịch vụ thực phẩm tự động đã trở thành một xu hướng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Bếp ăn trong các bệnh viện, trường học và nhiều cơ sở khác đã nỗ lực đáp ứng nhu cầu về những lựa chọn mới, theo sở thích 24/24 trong khi lại tiết kiệm chi phí lao động.

Đầu bếp robot đã xuất hiện tại nhiều nơi như nhà hàng hamburger Creator tại San Francisco (Mỹ) và chuỗi cửa hàng cà phê Dal.komm Coffee tại Hàn Quốc.

Vipin Jain, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Blendid – công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, cũng cho rằng trong hai năm tới, công nghệ tự động sẽ được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực thực phẩm.

Blendid đang bán một kiốt tự động có thể làm sinh tố tươi. Khách hàng có thể đặt hàng qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh và điều chỉnh thành phần nếu muốn như thêm cải xoăn hay ít gừng hơn.

Một nhân viên của Blendid chỉ phải nạp đầy nguyên liệu 1-2 lần/ngày. Hiện chỉ một số ít kiốt bán hàng tự động như này được lắp đặt ở khu vực San Francisco, nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Blendid đã bắt đầu thảo luận hợp tác với các bệnh viện, tập đoàn, trung tâm mua sắm và cửa hàng tạp hóa.

Khi các quán salad phải đóng cửa, Chowbotics – công ty chế tạo ra máy trộn salad tự động có trụ sở tại California – đã bắt đầu nhận được nhiều sự quan tâm hơn đến Sally, robot có kích thước bằng chiếc tủ lạnh và có thể trộn nhiều loại salad.

Sally có thể chiều theo sở thích của khách hàng khi có khả năng trộn các loại salad từ 22 nguyên liệu được trữ trong máy.

Sally có thể trộn khoảng 65 phần salad mỗi ngày trước khi nhân viên nhà bếp cần nạp thêm nguyên liệu. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Chowbotics đã bán 125 chiếc máy có giá 35.000 USD này, chủ yếu cho các bệnh viện và trường học.

Nhưng hiện nay, doanh số bán Sally của Chowbotics đã tăng hơn 60% do nhu cầu gia tăng ở các cửa hàng tạp hóa, khu cân dân cư cao cấp và thậm chí cả Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngoài ra, còn nhiều loại máy tự động khác được sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm như máy trộn BreadBot của công ty Wilkinson Baking Co. có thể tự trộn, nhào nặn và nướng bánh mỳ.

Trần Quyên

Theo Vietnam+/ TTXVN

 

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/dau-bep-robot-giai-phap-gian-cach-xa-hoi-tai-cac-nha-bep/651736.vnp

CÙNG CHUYÊN MỤC